Nguy cơ từ bụi độc sau động đất

Hà Anh 13/05/2023 07:05

Amiăng, silica, thủy ngân và chì nằm trong số hàng nghìn chất độc được giải phóng từ trận động đất lớn hồi tháng 2 đã giết chết hơn 54.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Sau 2 tháng, trận động đất xảy ra tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 2/2023) bụi vẫn bay lên từ đống đổ nát. Nguồn: AP.

Ồ ạt xử lý chất thải

Theo Reuters, các chuyên gia sức khỏe môi trường cho biết, những đám bụi khổng lồ thoát ra từ các tòa nhà bị phá hủy bởi trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang đưa chất độc như amiăng, silica, thủy ngân và chì vào các dòng sông và thực vật, trực tiếp vào cơ thể con người, có nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong nhiều năm tới.

Một số chuyên gia cho biết, một “thảm họa thứ cấp” do ô nhiễm chất độc có thể còn nghiêm trọng hơn chính các trận động đất. Ông Mehmet Şeyhmus Ensari - kỹ sư xây dựng và Chủ tịch Hiệp hội các chuyên gia tháo dỡ amiăng của Thổ Nhĩ Kỳ - cho biết: “Ước tính khoảng 3 triệu người sẽ bị nhiễm độc”.

Tỉnh Hatay, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy quy mô của các mối nguy hiểm đến sức khỏe đang diễn ra. Đây là một tỉnh có 1,7 triệu dân và là một phần của khu vực được gọi là Lưỡi liềm màu mỡ, rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, chiếm 14,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nông nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (LHQ) .

Những nỗ lực xử lý chất thải đã trở nên lộn xộn đến mức một số người dân địa phương đang tổ chức các cuộc biểu tình hàng tuần để kêu gọi bảo vệ sức khỏe người dân tốt hơn và ngừng đổ rác gần nơi ở, bệnh viện, nơi thờ cúng, vườn ô liu và vùng đất ngập nước ven biển.

Một tuyên bố trên trang web của chính quyền địa phương đầu tháng 5 cho biết, hơn 70% đống đổ nát đã được di chuyển và chính quyền vẫn đang tích cực dọn dẹp 82 trong số khoảng 500 huyện của tỉnh.

Sau trận động đất, các đội cứu hộ ở nhiều thành phố đã được thay thế bởi hàng nghìn xe tải và máy xúc để cào những núi bê tông. Theo cơ quan quản lý thiên tai AFAD, hơn 13.000 phương tiện đã được triển khai để làm việc tại các khu vực bị ảnh hưởng.

Thứ trưởng Bộ Môi trường Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Emin Birpinar cho biết, chính quyền sẽ tách các vật liệu nguy hiểm hoặc có thể tái chế ra khỏi đống đổ nát. Các hệ thống khử bụi đang được sử dụng để ngăn chặn các chất độc hại như amiăng lưu thông.

Ảnh minh họa: AP.

“Sát thủ” vô hình

Theo một tuyên bố hồi tháng 3 từ Bộ trưởng Môi trường, Đô thị hóa và Biến đổi khí hậu Thổ Nhĩ Kỳ Murat Kurum, trên khắp các khu vực bị ảnh hưởng, hơn 300.000 tòa nhà đã bị sập, cần phải phá hủy hoặc bị hư hại vừa phải.

Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) cho biết, khối lượng gạch vụn được tạo ra từ vụ phá hủy sẽ lên tới 100 triệu mét khối - gấp khoảng 10 lần khối lượng của trận động đất lớn tấn công Haiti vào năm 2010. Nếu xếp chồng lên nhau, nó sẽ tương đương với hơn 38 đống khổng lồ, mỗi đống có kích thước bằng Đại Kim tự tháp Giza ở Ai Cập.

Thứ trường Birpinar cho biết, các địa điểm lưu trữ vật liệu thải đang được quản lý an toàn và chất thải đầu vào được ghi lại trong kho. Vị trí của các địa điểm được chọn sao cho dễ vận chuyển nhưng các yếu tố sinh thái như khoảng cách đến vùng đất ngập nước hoặc khu bảo tồn, nông nghiệp và khu dân cư cũng được xem xét.

Giáo sư Mustafa Ozturk - cựu Thứ trưởng Bộ Môi trường và Đô thị hóa - cho biết, nếu được xử lý đúng cách, chất thải có thể trở thành một sản phẩm có giá trị bằng cách chuyển đổi trở lại thành nguyên liệu thô.

Trong khi đó, ông Sedat Gundogdu - nhà sinh học biển tại Đại học Cukurova - cho biết, để ngăn chặn ô nhiễm đất, không khí và nước, cũng như sự lây lan của dịch bệnh, Thổ Nhĩ Kỳ phải quản lý chất thải động đất một cách hợp lý. Ông Gündogdu cho biết, nhựa, amiăng, kim loại nặng và các chất ô nhiễm khác sẽ tồn tại mãi mãi trong chuỗi thức ăn.

Bà Aslı Odman - giảng viên tại Khoa Quy hoạch khu vực và đô thị của Đại học Mimar Sinan – lo lắng, trong số các vật liệu nguy hiểm, amiăng được luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ quy định là độc hại nhất. Theo bà Odman, không có vấn đề gì về mặt luật pháp, nhưng luật hiện đang bị đình chỉ và chưa biết khi nào được đưa trở lại (Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ luật điều chỉnh phơi nhiễm amiăng vào đầu năm nay do quy mô của thảm họa).

Bà Odman và những người khác cho rằng, các nhà thầu phá dỡ đang thực hiện các kế hoạch của riêng họ dựa trên các gói thầu mà họ đã nhận được. Vì vậy điều này không phù hợp với sức khỏe cộng đồng.

Theo các chuyên gia, tác hại sẽ nhìn thấy rõ trong nhiều thập kỷ sau đó. Nhiều người nữa – đặc biệt là trẻ em – sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh thận và rối loạn thần kinh. Ông Ali Kanatli, người đứng đầu phái đoàn của Hiệp hội Bác sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Các bệnh về đường hô hấp, bệnh về mắt, hen suyễn, phản ứng dị ứng và bệnh phổi sẽ gia tăng”.

Theo Hiệp hội Lồng ngực Thổ Nhĩ Kỳ, các bệnh liên quan đến amiăng thường mất nhiều năm mới xuất hiện, có thể từ 10 đến 50 năm sau khi phơi nhiễm. Tổ chức này cho biết, nguy cơ mắc bệnh liên quan đến amiăng tăng lên cùng với số lượng sợi amiăng được hít vào trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên không có phương pháp điều trị chữa khỏi các bệnh liên quan đến amiăng.

“Phơi nhiễm tại nhà” cũng là một rủi ro lớn. Theo ông Reinstein - thuộc Tổ chức Nâng cao Nhận thức về bệnh Amiăng, bụi độc hại có thể dính vào quần áo và tóc của những người từng tiếp xúc với địa điểm xảy ra thảm họa. Điều này có thể khiến những người khác ở nhà cũng mắc bệnh.

Khối lượng gạch vụn do trận động đất để lại lớn hơn rất nhiều so với các thảm họa lớn khác. Liên hợp quốc ước tính, thảm họa động đất hồi tháng 2 đã tạo ra số lượng gạch vụn lớn hơn ít nhất 10 lần so với trận động đất lớn cuối cùng ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1999.

Hà Anh