Phú Thọ: Chuyện ở ngôi đền mang tên Quốc Tế có nhiều sắc phong nhất Việt Nam
Ở vùng đất có bề dày lịch sử Dị Nậu (huyện Tam Nông, Phú Thọ) có ngôi đền cổ mang tên Quốc Tế. Ngôi đền lưu giữ nhiều sắc phong nhất Việt Nam, tuy nhiên, câu chuyện về sắc phong bị mất trộm năm 2021, nay bỗng “nóng” lên vì có thông tin được đấu giá công khai trên mạng xã hội.
6h sáng, cao niên Hán Danh Ban (thủ từ đền Quốc Tế) đã cơ bản lau chùi, quét tước, chuẩn bị xong đồ cúng. Đây là công việc hàng ngày và ông xem là niềm vui, niềm tự hào khi được “hầu thánh” ở ngôi đền có bề dày lịch sử. Tuy nhiên từ khi đền xảy ra mất trộm sắc phong, sách cổ, trong ánh mắt cao niên này luôn hiển hiện rõ nét buồn, tiếc nuối.
“Đền có tuổi đời khoảng 2.300 năm, thờ Thánh Cao Sơn, người đã có công phò vua, giúp nước đánh tan quân Thục năm 258 trước Công nguyên; giúp nhân dân cấy cày, trồng lúa, ươm tơ, dệt lụa, săn bắn. Đền lưu giữ nhiều di vật quý hiếm như: Ngai thờ, án gian, kiệu bát cống, kinh sách… Đặc biệt, đền được biết đến là nơi lưu giữ nhiều đạo sắc phong nhất cả nước, với 40 sắc phong, thể hiện sự uy quyền của các vị vua, có tính độc bản”, cụ Hán Danh Ban nói với PV Báo Đại Đoàn Kết.
Đưa phóng viên đi một vòng quanh đền, cao niên Hán Danh Ban giọng đầy tự hào, đền Quốc Tế hay còn gọi là Đền Thượng nằm trên đỉnh gò Trạm Lĩnh, hướng chính Tây, nhìn thẳng về dãy núi Kiêu Biền. Vùng đất này cũng là nơi phát tích thủy tổ của câu chuyện “Tản Viên Sơn Thánh” hay còn gọi là “Sơn tinh, Thủy tinh”. Là ngôi Đền cổ kính, linh thiêng thờ Đức Đại Vương Cao Sơn - người đã có công lớn phò vua, giúp nước.
Theo quan sát của phóng viên, đền Quốc Tế có kiến trúc theo kiểu chữ nhị (=), hiện còn hai tòa tiền tế và đại bái. Cổng đền được xây hình vòm cuốn, hai cột đồng được trang trí long, ly, quy, phượng với những đường nét khéo léo, tinh xảo, qua cổng chính vào một khoảng sân rộng, bước lên bậc thềm là đến nhà tiền tế với 5 gian kiến trúc theo kiểu chồng giường kẻ truyền; phía sau là tòa hậu cung với 3 gian.
Phần mái của Đền được lợp bằng ngói mũi, ở giữa bờ nóc được đắp nổi hình “Lưỡng long chầu nguyệt”. Hai bên là hình rồng, thân uốn lượn chạy dài theo bờ nóc của đền. Hai đầu đốc được xây bằng đá ong và gạch chín, tạo cho phần kiến trúc càng vững chắc. “Qua khảo cứu về phần kiến trúc và nghệ thuật chạm trổ thì đền Quốc tế có hai tòa tiền tế và hậu cung được lập nên vào thời hậu Lê”, cao niên Hán Danh Ban nói.
Cũng theo ông Ban, hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều di vật phong phú và quý hiếm như: Ngai thờ, án gian, kiệu bát cống, kinh sách, sắc phong… phản ánh nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ tinh xảo từ thời Lê. Đáng chú ý là kiệu bát cống với kỹ thuật đục bong, chạm nổi, chạm thủng điêu luyện, đường nét tinh tế, được sơn son, thếp vàng.
Ngoài ra, trước đây còn có 39 sắc phong của các triều đại cho các đức Thánh Thần, trong đó sắc phong cổ nhất còn giữ được là sắc phong của vua Lê Chân Tông (hiệu Phúc Thái) đã tấn phong cho ngài Cao Sơn “Linh ứng đại vương” vào ngày 17/7 năm Ất Dậu (1645). Những sắc phong này cho thấy, Dị Nậu là một địa vực chiến lược quan trọng nên các Lạc tướng, Lạc hầu thời Hùng Vương đã lựa chọn cái thế đắc địa ở đây để xây dựng dinh lũy, khai điền, dựng nước.
Đền Quốc Tế đã tồn tại hơn hai thiên niên kỷ nên đã được sửa chữa nhiều lần, không chỉ là chốn tôn nghiêm để thờ phụng, tri ân đến các bậc Thánh nhân đã có công với nước, nhằm hướng mọi người tới những điều từ bi, bác ái, trồng phúc cho hậu nhân, mà còn là nơi đã diễn ra những cuộc họp bí mật của cán bộ xã, nơi chỉnh cán, luyện quân của du kích, bộ đội của ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Được xem là “nhà sử học của làng”, theo ông Tạ Đình Hạp (Ban Quản lý đền Quốc Tế), ngoài kiến trúc độc đáo, sắc phong nơi đây còn lưu giữ một khối lượng sách cổ đồ sộ viết bằng chữ Hán Nôm thể hiện những thần tích, thần sắc; phong tục tập quán, những bài lễ, bài cúng; tục săn beo, săn hổ; những địa bạ cổ; hương ước… ngày xưa. "Nghiên cứu đạo sắc phong, sách cổ, đồ vật cổ ở đền giúp chúng ta hiểu biết về địa lý, lịch sử, văn hóa dân gian vào thời kỳ nhà nước, xã hội lúc đó", ông Hạp nói.
Cũng theo ông Hạp, các sắc phong ở đền trước đây thường được cho vào ống tre, nứa, treo lên ở khu vực hậu cung, hoặc mái ngói. Dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, người dân trong làng vẫn luôn giữ gìn cẩn thận các sắc phong. Tuy nhiên, một số sắc phong cũng đã bị cũ, rách. Sợ làm thất lạc hoặc bị kẻ gian lấy cắp cổ vật, sắc phong, người dân đã bàn bạc, thống nhất cất giữ trong một chiếc két sắt hiện đại gồm 2 lần chốt, hệ thống khóa, bảo mật và để ngay trong hậu cung đền Quốc Tế. Theo lệ làng, chỉ khi mở hội lớn, những sắc phong này mới được các bô lão trong làng đưa ra để thực hiện nghi lễ.
“Dù đã rất chú tâm trông giữ, tuy nhiên, giữa tháng 5/2021, người dân Dị Nậu đau xót khi có kẻ gian đột nhập, phá két, lấy đi 39 sắc phong, 40 quyển sách cổ Hán Nôm, sổ ghi các xuất đình, địa bạ cổ, 3 chén cổ, 7 đĩa cổ. Vụ trộm này cho thấy, các đối tượng trộm có tổ chức, theo dõi trong thời gian dài…", cụ Hạp giọng đau xót.
Cũng theo cụ Hạp, rất may khi vào đầu năm 2021, xã Dị Nậu được Cục Lưu trữ 1 giúp phục chế lại những chỗ rách, hỏng của sắc phong tại đền Quốc Tế. Đồng thời, Cục Lưu trữ 1 cũng chụp lại, photo màu các sắc phong, đóng thành 2 quyển, dịch ra chữ quốc ngữ. Một số sách cổ còn sót lại sau vụ trộm và sắc phong (bản chụp) được bàn bạc, thống nhất di chuyển về nhà ông Nguyễn Bá Hải (thành viên trong Ban Quản lý đền) bảo quản, cất giữ.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, trước thông tin các sắc phong đền Quốc Tế bị mất trộm, nay lại thấy rao bán trên mạng ở Trung Quốc vào ngày 22/4, cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc để xác minh, điều tra.
“Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo cụ thể gửi UBND tỉnh Phú Thọ trong việc khẩn trương hỗ trợ giúp xã Dị Nậu xác minh hiện vật rao bán có phải hiện vật gốc hay không. Đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần có sự sự can thiệp ngoại giao, có biện pháp thống nhất nhằm ngăn chặn, không để bán những hiện vật gốc, có giá trị tại các di tích bị mất trộm”, ông Thủy cho biết thêm.