Xanh hóa dòng vốn FDI

DUY KHANG 14/05/2023 08:01

Được xem là khu vực có năng lực sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại, song vẫn còn gần 80% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ trung bình, công nghệ lạc hậu. Điều này vô hình chung khiến cho mục tiêu hướng đến nền kinh tế xanh của Việt Nam gặp nhiều rào cản.

Nhiều doanh nghiệp chuyển sang công nghệ xanh. Ảnh: Quang Vinh.

9 tỷ USD vốn FDI cho tăng trưởng xanh

Khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn được nhìn nhận là khu vực kinh tế có năng lực sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại nhất, sẽ tạo sức lan tỏa đến các khu vực kinh tế trong nước, từ đó tạo đà để nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, một con số thống kê mới được các chuyên gia công bố cho thấy, vẫn còn gần 80% DN FDI vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu. Đây là thách thức với kinh tế Việt Nam trong nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng về 0, cũng là thách thức trong nỗ lực tăng trưởng xanh, bền vững.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, các thành viên EuroCham có thế mạnh trong lĩnh vực xanh và tăng trưởng bền vững. EuroCham khuyến nghị Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 và trong tương lai có kế hoạch áp dụng tiêu chuẩn cao hơn như Euro 5 đến Euro 10, hoặc bất kỳ nhiên liệu sinh học nào khác giúp giảm mạnh lượng khí thải.

Với hàng nghìn dự án trải khắp các tỉnh, thành trên cả nước, khu vực DN FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Theo tính toán của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho đến nay, khu vực DN FDI và DN trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như năng lượng tái tạo, hay là đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh. Con số này chiếm khoảng 2% GDP và bình quân tăng trưởng trong suốt 2 năm vừa qua, đạt mức độ tăng trưởng khá cao, tức là 10-13%. Đây là một trong những tín hiệu tốt thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng khẳng định rằng, đóng góp của cộng đồng DN, trong đó có DN FDI đối với tăng trưởng xanh là không nhỏ. Theo ông Tuấn, hoạt động của cộng đồng DN, trong đó có DN FDI đã giúp tạo nên sự thay đổi hành vi trong việc sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu về tăng trưởng xanh. “Nếu như trước đây, các DN thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, thì bây giờ, các DN đã biến khó khăn, thách thức thành lợi thế cạnh tranh” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Cần phải nhìn nhận, quá trình chuyển dịch từ nền “kinh tế nâu” sang nền “kinh tế xanh” khó có thể đạt hiệu quả cao nếu thiếu sự đồng thuận, chủ động thực hiện của cộng đồng DN. Thời gian qua, nhiều dự án FDI bắt đầu có sự chuyển hướng rõ nét.

Trong đó phải kể đến một số dự án năng lượng sạch được cấp phép trong thời gian gần đây, như dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD; dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD, với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An. Hay các nhà đầu tư với các dự án “xanh” như Lego, tập đoàn Nestle'... đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư.

Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với “kinh tế xanh, sản xuất xanh” ít nhiều tạo được những tác động lan tỏa tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Như mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái đã được quan tâm nhiều hơn, đi kèm với hoàn thiện chính sách liên quan cũng như sự gia tăng đầu tư của các DN phát triển bất động sản công nghiệp (thí dụ KCN sinh thái Nam Cầu Kiền – Hải Phòng).

Giải pháp để chuyển đổi xanh, bền vững

Tuy vậy, gần 80% DN FDI vẫn đang sử dụng công nghệ trung bình, lạc hậu là một con số đáng suy ngẫm. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, trên thực tế, số lượng dự án FDI đầu tư với công nghệ cao, giá trị gia tăng vào Việt Nam vẫn còn thấp, nhiều dự án vẫn còn thâm dụng lao động phổ thông, sử dụng nhiều đất đai, và ảnh hưởng đến môi trường, chưa có tính lan tỏa cao về công nghệ, chuỗi cung ứng…

Tiếp tục thực hiện các biện pháp thu hút FDI là điều tất yếu và cần thiết trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang rất “khát” công nghệ, “khát” vốn. Tuy nhiên, cần có cách tiếp cận mới, phù hợp với sự phát triển kinh tế, trong đó hiệu quả sử dụng vốn FDI vì mục tiêu phát triển bền vững cần phải đặt lên hàng đầu. Chính bởi vậy, con số gần 80% DN FDI sử dụng công nghệ lạc hậu cần phải được kéo giảm xuống thấp nhất và nhanh nhất.

Giới chuyên gia nhận định, đây là thách thức với kinh tế Việt Nam trong nỗ lực tăng trưởng xanh và bền vững. Chính bởi vậy, các DN cần nỗ lực hơn nữa trong đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh đưa công nghệ thân thiện môi trường vào sản xuất kinh doanh. Và một trong những xu hướng của kinh tế xanh chính là kinh tế tuần hoàn. Theo thống kê của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững (VBCSD), mỗi năm kinh tế tuần hoàn tạo ra khoảng 4-5 nghìn tỷ USD và tạo ra rất nhiều công ăn việc làm mới thông qua các mô hình kinh doanh mới. Đây là lợi ích thiết thực và là xu thế cần và phải hướng tới, đặc biệt trong chiến lược tăng trưởng xanh mà chúng ta đang hướng tới.

Nhận định về câu chuyện phát triển xanh, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm: Thách thức lớn cho tăng trưởng xanh, bền vững của chúng ta là nguồn lực tài chính xanh, con người. Chính vì vậy, Việt Nam muốn huy động được nước ngoài tham gia quá trình này thì phải có chiến lược, quy định thế nào để đáp ứng được khoản đầu tư xanh. Nêu những bài học cụ thể từ các quốc gia trên thế giới, ông Vinh cho hay, nói về tăng trưởng xanh, cần nhìn vào cuộc đua xanh đang diễn ra thầm lặng, nhưng rất khốc liệt của các nước trên thế giới. Một cuộc đua xanh đã âm ỉ kéo dài 2-3 thập kỷ ở châu Á và châu Âu. Khu vực châu Á nổi lên là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, và với những nỗ lực của mình các quốc gia này đã gặt hái được hiệu quả rõ rệt. Đây là vấn đề Việt Nam cần học tập và gia nhập cuộc đua này.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đã đến lúc cộng đồng DN trong nước cũng như DN FDI cần phải nhìn lại, "soi" mình vào những chiến lược, đặc biệt là chiến lược tăng trưởng xanh này, để định vị lại giá trị của mình, không chỉ là vai trò mà chính là DN tạo ra những giá trị gia tăng như thế nào trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh.

DUY KHANG