Áp lực học ‘tiền lớp 1’
Từ nay cho tới năm học 2023 - 2024 bắt đầu chỉ còn thời gian ngắn. Áp lực nhất đối với nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 thời điểm này là rèn cho con học chữ dù đã có quá nhiều khuyến cáo không nên cho trẻ học trước chương trình.
Lo con không bằng bạn
Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm này dù trẻ 5 tuổi chưa tốt nghiệp bậc mầm non nhưng nhiều gia đình đã chủ động cho con học chữ từ rất sớm với mong muốn con tự tin bước vào lớp 1.
Còn 4 tháng nữa bé Vũ Minh Khang, con trai chị Cung Thùy Chi (quận Đống Đa, Hà Nội) mới vào lớp 1 nhưng thời điểm này, Khang đã nhận biết thông thạo bảng chữ cái, biết đọc, biết viết và cả biết cộng trừ trong phạm vi 10. Chị Chi chia sẻ đã cho con tham gia học tiền tiểu học ở trường mầm non từ khi con 4 tuổi.
Trường của con chị Chi là trường tư thục nên học phí tương đối cao so với trường công lập. Theo chị Chi, tiền học và tiền ăn của con là 4.500.000 đồng/tháng, cộng với học phí tiền tiểu học là 500.000 đồng/tháng. Tổng mỗi tháng là 5.000.000 đồng. “Năm con 4 tuổi, các cô dạy con nhận biết mặt số, mặt chữ. Lên 5 tuổi, con bắt đầu ghép chữ, tính nhẩm rồi cộng trừ. Đến giờ con đã thông thạo rồi. Tôi khá yên tâm, tin rằng khi con vào lớp 1 sẽ không bỡ ngỡ”, chị Chi nói.
Số trẻ 5 tuổi biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1 như con chị Chi không phải là hiếm. Thế nên, với những gia đình tới giờ con còn chưa nhận biết được bảng chữ cái, ám ảnh nhất hiện nay là dạy chữ cho con. Được khuyên không nên cho con học trước nên chị Hoàng Thị Diệu Thúy (phường Lộc Hạ, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) khá đủng đỉnh trong việc tìm lớp tiền tiểu học cho con. Nhưng khi tiếp xúc với một số bạn cùng lớp mẫu giáo của con, chị Thúy mới giật mình vì thấy hầu hết các con đều đã biết mặt chữ cái, thậm chí đã biết đọc.
Lo con không theo kịp các bạn, chị Thúy sốt ruột tìm lớp dạy chữ cho con. Tuần 3 buổi, sau khi tan học lớp mẫu giáo, chị Thúy chở con tới học chữ tại một lớp học của cô giáo đã nghỉ hưu gần nhà. Chị Thúy tâm sự: “Tôi chủ quan quá, giờ mới bắt đầu cho con học chữ là hơi muộn so với các bạn. Đã vậy con còn mải chơi. Không biết tới khi năm học mới bắt đầu, con có theo kịp chương trình trên lớp không?”.
Tìm hiểu trên một số hội nhóm phụ huynh, nhiều người chia sẻ kinh nghiệm học lớp tiền tiểu học. Chị Lưu Thảo Trang (quận Ba Đình, Hà Nội) tính toán thuê giáo viên, rủ thêm một vài người bạn cho con theo học. Chị Trang cho biết: “Nhiều phụ huynh nói kiến thức lớp 1 học theo chương trình mới khó hơn chương trình cũ. Trong khi đó, một lớp có 40 cháu thì có tới 35 cháu học trước kiến thức. Như vậy, nếu con mình không học tiền tiểu học thì khó có thể bắt kịp các bạn”.
Nhiều lựa chọn
Nắm bắt tâm lý phụ huynh, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều trường ngoài công lập hiện nay tổ chức các lớp tiền tiểu học cho trẻ 5 tuổi. Ví dụ như Hệ thống Giáo dục Alpha School (Hoài Đức, Hà Nội) đưa ra chương trình tiểu học cho các bé sinh năm 2017. Trường Tiểu học - THCS Pascal (Từ Liêm, Hà Nội) cũng tổ chức Câu lạc bộ “Bé vững vàng vào lớp 1” năm học 2023-2024 dành cho trẻ sinh năm 2017. Tổng chi phí khi học sinh tham gia câu lạc bộ bao gồm học phí, ăn bán trú, học liệu, xe đưa đón là gần 8 triệu đồng.
Liên hệ tới số điện thoại trên website của Trường tiểu học và THCS Xanh Tuệ Đức (Thanh Oai, Hà Nội), phóng viên được tư vấn về khóa tiền tiểu học năm học 2023-2024 của nhà trường. Theo đó, nhà trường tuyển sinh 3 lớp, mỗi lớp 30 học sinh cho học sinh sinh năm 2017 có nguyện vọng trang bị hành trang chuẩn bị vào lớp 1 với việc làm quen các kỹ năng, kiến thức, làm quen với các môn học tiền tiểu học, giúp con chuẩn bị tâm lý tốt, thích nghi với môi trường học tập và nhiều hoạt động, kiến thức mới. Thời gian trong tháng 6 và tháng 7/2023. Tuy nhiên học phí cho khóa học này không rẻ, hơn 13 triệu đồng/khóa trong 2 tháng học, bao gồm phí dịch vụ ăn uống.
Không chỉ có các trường ngoài công lập, trên các diễn đàn mạng xã hội về giáo dục cũng xuất hiện rất nhiều các tài khoản cá nhân quảng cáo chương trình tiền tiểu học, thậm chí là “chương trình chuẩn của Bộ GDĐT”. Mỗi bài đăng đều thu hút nhiều lượt tương tác. Theo tìm hiểu, học sinh có hai hình thức tham gia các lớp học này: trực tiếp hoặc trực tuyến, học một giáo viên kèm một học sinh hoặc học theo nhóm. Các cô sẽ dạy các con nhận biết mặt chữ, mặt số, luyện viết chữ đẹp, luyện đọc, dạy cộng trừ toán tư duy…
Qua khảo sát của phóng viên, mỗi buổi học có mức học phí dao động từ 150.000 đến 300.000 đồng/buổi. Trong khi đó, được biết hiện nay, Bộ GDĐT chưa có một chương trình tiền tiểu học nào. Những lớp học như trên chỉ xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh muốn con học trước kiến thức. Còn các trường, các trung tâm, các giáo viên đang kiếm bộn tiền từ các lớp tiền tiểu học.
Nên hay không?
Số tiền bỏ ra để con theo học các lớp tiền tiểu học không hề nhỏ nhưng nhiều phụ huynh vẫn chấp nhận bởi tâm lý “có học có hơn”, “bỏ tiền mua sự yên tâm”. Thực tế, nhiều giáo viên lớp 1 mà phóng viên tiếp xúc cũng chia sẻ rằng, nếu không học tiền tiểu học, học sinh sẽ tiếp thu chậm hơn các bạn khác vì hiện hầu hết trẻ vào lớp 1 đã học trước. Tuy nhiên, với những gia đình không có điều kiện hoặc không cho con học tiền tiểu học thì các con sẽ bắt nhịp với chương trình lớp 1 thế nào?
Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ - Hà Nội) có 2 lớp 1 với 60 học sinh. Nằm trên địa bàn có nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, phần lớn bố mẹ các em đi làm ăn xa, gửi con cho ông bà nuôi dạy nên theo cô Kiều Thị Minh Hoa – Hiệu trưởng nhà trường, đa số các em học sinh đều không có điều kiện học thêm nhiều trước khi vào lớp 1. Thế nên khi đi học, không ít em như tờ giấy trắng, bỡ ngỡ khó tiếp cận với kiến thức mới. Cô Hoa cũng chia sẻ, để các con bắt kịp với chương trình, cô giáo lớp 1 khá vất vả, vừa là cô, vừa làm mẹ động viên các con học tập.
Hai năm nay, nhằm giúp trẻ 5 tuổi tự tin khi bước vào lớp 1, Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A phối hợp cùng trường mầm non trên địa bàn xây dựng kế hoạch, tổ chức miễn phí cho trẻ 5 tuổi tham quan các phòng học, cơ sở vật chất của nhà trường. Cô Hoa cho biết, qua năm đầu tổ chức, chương trình được các bậc phụ huynh ủng hộ, còn các em học sinh rất phấn khởi khi được làm quen, tiếp cận với ngôi trường mới và biết tới đây con sẽ học gì và học như thế nào.
Với tâm lý phần lớn phụ huynh muốn con học trước khi vào lớp 1, cô Hoa cho rằng: “Cha mẹ nên đồng hành và chuẩn bị hành trang tốt nhất cho con vào lớp 1, đặc biệt là dạy con cách tự học, dạy con biết được sự khác biệt giữa môi trường mầm non và môi trường tiểu học".
Trao đổi với PV, thầy Lê Ngọc Phong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (quận 4, TPHCM nhìn nhận, tâm lý của phần lớn phụ huynh là lo sợ con thua kém các bạn khi vào lớp 1 dẫn tới việc tìm mọi cách cho con học sớm. Thế nhưng phụ huynh lại không nghĩ tới tác dụng ngược của tâm lý này. Chính áp lực của phụ huynh sẽ khiến nhiều trẻ biết đọc, biết viết trước khi đi học sẽ không có sự tương tác, thiếu sự năng động tích cực trong học tập. Khi đó các con sẽ thấy nhàm chán trong hoạt động học tập.
Ở góc nhìn của giáo viên, thầy Phong nhắn nhủ: “Với những trẻ tiếp thu chậm, phụ huynh có thể cho các con làm quen trước với bảng chữ cái khi vào học sẽ đỡ vất vả hơn. Phụ huynh không nên gò ép trẻ phải học chữ, cầm bút viết quá sớm mà hãy để các con phát triển một các tự nhiên”.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội: Cha mẹ không nên thúc ép con
Tôi chia sẻ và thông cảm với tâm lý lo lắng, muốn con không thua kém bạn bè của phụ huynh. Đây là tâm lý hết sức bình thường. Tuy nhiên, đây chỉ là thứ yếu. Cha mẹ cần cân nhắc hoàn cảnh, sức khỏe, trí tuệ của từng trẻ để làm sao cho con phát triển bình thường phù hợp với năng lực, sức khỏe thiên bẩm của từng trẻ. Con chậm hơn một chút cũng không sao, quan trọng là cha mẹ hãy là những người thầy vĩ đại của con, có quan điểm đúng, đồng hành với con và không nên quá kỳ vọng hay thúc ép con.
Mỗi trẻ có một tố chất, sức khỏe khác nhau. Nhiệm vụ của trường tiểu học là phải căn cứ vào năng lực của học sinh để phát triển năng lực đó. Nhưng hiện nay nhà trường chưa làm được điều này. Trong khi đó, một bộ phận giáo viên tiểu học có quan điểm sai. Nhiều phụ huynh phản ánh, giáo viên đưa ra nhận định đánh đố như “con chưa đọc được chữ”, “con viết chữ xấu” khiến phụ huynh không cho con học trước không tránh khỏi lo lắng. Như vậy, giáo viên cũng nên xem xét lại, không được “khủng bố” tinh thần học sinh và phụ huynh. Thay vào đó, giáo viên nên lựa lời giải thích cho phụ huynh yên tâm và có niềm tin lớn vào giáo viên tiểu học, giúp các con bắt nhịp với chương trình.