Tăng giá, điện vẫn thiếu
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ tháng 5, 6, 7 trở đi, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia có thể tăng cao hơn so với kế hoạch. Trong tình huống nhu cầu tiêu thụ tăng cao, sự cố ở các tổ máy, mực nước ở các hồ thủy điện lớn giảm sâu, nguồn than ngày càng khan hiếm... dẫn tới nguy cơ thiếu điện là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì sao việc giá đã tăng mà điện vẫn thiếu?
“Điệp khúc” thiếu điện
Ngay từ đợt nắng nóng đầu tiên của tháng 5, dù chỉ diễn ra trong ít ngày nhưng công suất và sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc đã tăng cao. Ví dụ, ngày 6/5, công suất tiêu thụ toàn quốc đã ở mức hơn 43.300 MW, sản lượng tiêu thụ trong toàn quốc cũng đã lên tới hơn 895 triệu kWh. Dự báo, bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và nguy cơ thiếu điện hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi lượng nước về các hồ thủy điện cũng đang giảm.
Năm nay, dự báo nền nhiệt độ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5ºC. Do đó, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao trong thời gian tới. "Đến thời điểm hiện nay trên hệ thống, chúng tôi có những nguồn nào thì đã huy động hết. Kể cả các nguồn chạy bằng dầu, chi phí có thể đắt, có thể lên đến 4.000 - 5.000 đồng một số điện để đáp ứng cho cung cấp điện. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục huy động nguồn này để có năng lực tốt nhất đáp ứng hệ thống", ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông tin.
Công suất đỉnh hệ thống điện quốc gia trong mùa hè năm 2023 dự kiến tăng thêm 5.530 MW so với năm 2022. Vì vậy, EVN khuyến cáo cùng với việc ngành điện tìm mọi cách để nâng cao khả năng cấp điện, cũng cần sự chung tay của người dân với các hoạt động thiết thực như: sử dụng điện tiết kiệm, sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
Dù vậy, câu hỏi đặt ra lúc này là vì sao việc giá đã tăng mà điện vẫn thiếu? Mới đầu mùa hè EVN đã kêu thiếu điện. Năm nào cứ đến mùa hè là lại nghe “điệp khúc” thiếu điện nên nhiều ý kiến cho rằng cần sớm có giải pháp để phát triển bền vững, chứ nguồn than không thể mãi cung cấp để điện vận hành. Do vậy nguy cơ thiếu điện từ khan hiếm nguồn than đang ngày càng hiện hữu.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, cơ cấu chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 47,9%, từ thủy điện chiếm 20,9%, từ nhiệt điện khí chiếm 12,7%, từ năng lượng tái tạo chiếm 17,1% và phần còn lại từ nhập khẩu và nhiệt điện dầu chiếm 1,4%. Do đó, cơ cấu nguồn điện phát từ nhiệt điện than chiếm tỷ trọng cao dẫn đến chi phí mua điện cao hơn so với thông số tính toán giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.
Báo cáo của EVN cho thấy: Nhiều nhà máy nhiệt điện của EVN và Tổng công ty Phát điện (GENCO) chưa đạt định mức tồn kho than theo quy định. Trường hợp huy động cao trong mùa khô có thể không đủ than để vận hành, ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, EVN huy động hơn 62 tỷ kWh các nguồn điện. Trong đó, nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn nhất là 45,5%, tiếp đến là thủy điện với tỷ trọng 24,5%, năng lượng tái tạo là 16,8%; còn lại là nhiệt điện khí, điện nhập khẩu và các nguồn khác. Giá mua điện bình quân trên thị trường điện các loại hình nguồn trong 3 tháng đầu năm 2023 là 1.844,9 đ/kWh. Nguồn thủy điện có giá thấp nhất khoảng 1.128 - 1.235,3 đồng/kWh; nguồn Tuabin khí có giá 1.428,8 - 1.887,3 đồng/kWh; nguồn điện than, ngưỡng 1.955,5 - 2.100,4 đồng/kWh; nguồn điện gió và mặt trời có giá mua lần lượt là 2.086,1 và 2.024,6 đồng/kWh.
Như vậy, mức giá này cao đáng kể so với mức giá trần của các loại nguồn điện, nhất là với nhiệt điện than (1.773,76 đồng/kWh). Đó là chưa kể, có những thời điểm, khi giá than nhập khẩu tăng mạnh, EVN phải mua điện từ các nhà máy sử dụng than nhập khẩu ở mức giá lên tới khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kWh… Điều này cho thấy, nhiệt điện than không còn là nguồn điện giá rẻ, nhất là trong bối cảnh chúng ta tiếp tục phụ thuộc vào than nhập khẩu, trong khi thế giới ngày càng hạn chế khai thác loại nhiên liệu này, còn Việt Nam ngày càng gặp khó khăn trong khai thác.
Theo TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho hay, hàng năm, giá điện than đều tăng từ 2 - 5% do giá than mỗi năm đều tăng. Trong khi đó, công nghệ năng lượng tái tạo giúp giá giảm dần, giá điện từ năng lượng tái tạo hiện nay so với 5 năm trước đã giảm quá nửa. Do đó, phát triển năng lượng tái tạo là con đường tất yếu Việt Nam phải đi theo. Đó cũng là định hướng ở Quy hoạch điện VIII.
Khơi thông nguồn điện sạch
Tuy vậy, sau thời kỳ bùng nổ, hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời, với tổng công suất lần lượt là hơn 1.638MW và hơn 452MWac) tổng công suất gần 2.091MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng biểu giá điện hỗ trợ (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.
Ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận ước tính: Nếu tính hệ số công suất bình quân của điện gió là 30%, sản lượng điện của các dự án điện gió trên khoảng 4,3 tỷ kWh/năm, tương ứng với số tiền điện thu về theo giá FIT (1.928 đồng/kWh) khoảng 8.290,4 tỷ đồng mỗi năm.
Còn với điện mặt trời, hệ số công suất khoảng 16%, sản lượng điện của các dự án trên khoảng 0,633 tỷ kWh/năm, tương ứng với tiền điện thu về theo giá FIT điện mặt trời (1.644 đồng/kWh) khoảng 1.040 tỷ đồng mỗi năm. Như vậy, do không được huy động, mỗi năm các dự án đã hoàn thành thi công, thử nghiệm bị lãng phí hơn 9.330 tỷ đồng.
Đến nay, yêu cầu của Bộ Công Thương với EVN phải đàm phán giá điện sạch trước ngày 31/3 đã không thể thực hiện được. Mới đây, 23 nhà đầu tư thuộc các dự án điện gió, điện mặt trời tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng, kiến nghị một số chính sách và đề xuất các giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế đàm phán giá phát điện tái tạo chuyển tiếp. Lý do, các doanh nghiệp (DN) này vẫn cho rằng giá mua điện tái tạo như vậy là quá thấp, đẩy các DN đến thua lỗ, phá sản.
Như vậy các dự án điện gió và điện mặt trời, sẵn sàng phát điện vẫn “nằm im” chờ cơ chế. Trong khi đó EVN vẫn phải nhập khẩu điện với giá cao hơn. Đó là nghịch lý của ngành điện.
Góp ý cho việc khơi thông nguồn năng lượng sạch, chuyên gia về năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng: Sự chuyển đổi cơ cấu các nguồn điện truyền thống hiện nay sang sử dụng nguồn điện từ năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, đây là một quá trình lâu dài. Ngay cả các quốc gia như: Anh, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy… cũng mất khoảng 20, thậm chí có quốc gia cần tới 40 năm để chuyển đổi cơ cấu nguồn điện phù hợp. Ngoài ra, tỷ trọng cơ cấu nguồn điện còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: khả năng nền kinh tế, sức chi trả của người dân, đặc thù về nguồn điện từng quốc gia, kết nối lưới điện khu vực…
Để phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo, ông Sơn cho rằng, xây dựng cơ cấu nguồn điện phù hợp, không chỉ là trách nhiệm riêng của Bộ Công Thương hay EVN mà cần có sự đồng thuận, giữa các Bộ, Ban, ngành, địa phương liên quan và có tầm nhìn ở cấp cao hơn, đưa ra chiến lược phát triển phù hợp. Cụ thể, phải làm rõ quá trình chuyển đổi cơ cấu nguồn sẽ diễn ra bao lâu? Từ đó, xây dựng lộ trình phát triển của từng loại nguồn điện ở mỗi giai đoạn 5 năm, 10 năm, 20 năm; năng lực, trách nhiệm của chủ đầu tư, của các địa phương, của từng Bộ, Ban, ngành… Bên cạnh đó, cần phải nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, không nên hoàn toàn dựa vào nhập khẩu, bởi về lâu dài, chúng ta sẽ mất đi sự chủ động và tính rủi ro sẽ rất lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Phát triển hạ tầng chuyển đổi năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền
Chuyển đổi năng lượng là xu thế tất yếu của kinh tế thế giới nhằm đảm bảo tăng trưởng xanh và bền vững. Chuyển đổi năng lượng đòi hỏi đầu tư rất lớn về vốn và công nghệ; dẫn tới chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất và tiêu dùng. Vì vậy, việc khẩn trương xây dựng chiến lược và lộ trình thực hiện chuyển đổi từ sản xuất và sử dụng năng lượng hóa thạch sang sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo dựng tính độc lập, tự chủ và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhận thức được tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay và sự gián đoạn kinh tế, nhiều quốc gia đã xây dựng kế hoạch, thực hiện ngay quá trình chuyển đổi năng lượng. Vừa qua, khối các nước Công nghiệp phát triển G7 đã nhất trí tăng tốc quá trình loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy phát triển năng lượng gió và mặt trời. Cam kết này được đưa ra trong Tuyên bố chung ngày 16/4/2023 của Hội nghị Bộ trưởng khí hậu, năng lượng và môi trường G7 tại Nhật Bản. Các nước đưa ra kế hoạch đến năm 2030 khoảng 70% năng lượng toàn cầu được sử dụng là năng lượng tái tạo.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế.
Tuy vậy, tiến trình chuyển đổi năng lượng đặt ra nhiều thách thức với một nước đang phát triển như Việt Nam. Để thực hiện chuyển đổi năng lượng đòi hỏi chúng ta phải phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; tập trung phát triển hạ tầng chuyển đổi năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền.
Tập trung nguồn lực, phát triển các cơ chế tài chính, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho chuyển đổi năng lượng, tăng cường hợp tác công tư, phát huy nguồn lực của Nhà nước làm đòn bẩy thu hút các nguồn lực của tổ chức, DN, cá nhân và quốc tế.
Đặc biệt, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng chiến lược và lộ trình thực hiện chuyển đổi năng lượng. Có chính sách hỗ trợ DN đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo. Cộng đồng DN cần phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị đầy đủ các điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Dự báo các loại nguyên, nhiên vật liệu có thể thiếu hụt để kịp thời có giải pháp khắc phục, cắt giảm chi phí sản xuất. Đa dạng và đảm bảo nguồn cung cho sản xuất của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành để không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.
Để ứng phó với khủng hoảng năng lượng, tránh các tác động từ vấn đề địa chính trị toàn cầu không thể đoán trước, DN tập trung đầu tư chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện hình ảnh thương hiệu, gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư.
Chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giúp DN vượt lên trước đối thủ và tạo sự khác biệt cho thương hiệu của DN trên thị trường. Chính phủ cần có chính sách và bước đi đột phá, cộng đồng DN và toàn dân cần chung tay, chia sẻ để quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra khẩn trương, suôn sẻ, thành công, đảm bảo độc lập, tự chủ và an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh: Giải bài toàn tài chính cho EVN
Việc thiếu tài chính do bị lỗ kéo dài trong khi nguồn than, nguồn khí cấp cho sản xuất điện từ đầu năm đến nay không được đảm bảo đang là những vấn đề nghiêm trọng đối với EVN lúc này. Bên cạnh đó, với việc giá điện tăng nhưng không bù hết được các khoản lỗ của năm 2022 và bán điện dưới giá thành trong năm 2023 sẽ khiến EVN không thu hồi được đủ số vốn khấu hao cơ bản của tài sản cố định trích trong năm. Tình hình tài chính EVN xấu đi sẽ ảnh hưởng đến việc trả nợ gốc vay cũng như đầu tư xây dựng cơ bản của ngành điện. Cùng với đó, các chỉ số tài chính xấu đi dẫn đến các tổ chức tín dụng khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN.
Nếu nguồn tài chính không được đảm bảo, sẽ kéo theo dòng tiền đứt gãy và việc các DN, đặc biệt là DN BOT sẽ dừng phát và khi đó nguồn cung điện cho năm 2023 sẽ hết sức bấp bênh. Cần lưu ý, hiện tại EVN chỉ nắm giữ khoảng gần 40% nguồn phát điện. Đây là điều hết sức rủi ro. Khi đã để EVN kiệt quệ, việc cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.