Lưu tộc Việt Nam - hành trình 10 năm kết nối và phát triển
Ngày 14/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội), Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam long trọng tổ chức Đại hội đại biểu Lưu tộc Việt Nam lần thứ III (nhiệm kỳ 2023 – 2028).
Tiến tới Đại hội họ Lưu Việt Nam lần thứ III (nhiệm kỳ 2023-2028), họ Lưu đã trải qua 2 nhiệm kỳ Đại hội tròn 10 năm kết nối (2013 - 2023) theo phương châm “Lưu Tộc Việt Nam - Hướng về cội nguồn - Kiến tạo tương lai”. Hoạt động của Lưu tộc đã để lại nhiều dấu ấn vô cùng sâu sắc, niềm tự hào lớn lao trong lòng bà con họ Lưu toàn quốc và tạo tiếng vang, sự lan tỏa ấn tượng trong đời sống xã hội và với một số dòng họ khác.
Đại hội lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2013 - 2018) được tổ chức ngày 19/4/2013 tại làng Lưu Xá, xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình - vùng đất Vua ban cho Thái bảo Lưu Ngữ và hai người con là Thái uý Lưu Khánh Đàm và Thái phó Lưu Điều. Cả ba cha con ông đều làm quan đại thần, có công đánh Tống, bình Chiêm và chấn hưng Vương triều Lý. Tại Đại hội này Ban Liên lạc Lưu Tộc Việt Nam (LTVN) đã được thành lập. Đây được coi là nhiệm kỳ khai mở, kết nối tình cảm và tìm hiểu cội nguồn Lưu tộc Việt Nam, đã tìm ra được 6 Khai quốc công thần họ Lưu và phát hiện ra đền Đồng Cổ (làng Đan Nê, xã Yên Thọ, Yên Định, Thanh Hóa) là ngôi đền lâu đời bậc nhất Việt Nam và chính nơi đây có dấu vết người họ Lưu từ trên 4000 năm về trước thông qua hai vế đối “Vật lưu Bách Việt tổ - Kiến ấp Trịnh Lưu Hà” nói về đền Đồng Cổ và việc 3 dòng họ Trịnh, Lưu, Hà đã kiến lập trang ấp Đan Nê từ thời vua Hùng dựng nước.
Đại hội lần thứ hai (nhiệm kỳ 2018-2023) tổ chức tại xã Văn Yên, Đại Từ, Thái Nguyên, khu Di tích lịch sử Núi Văn - Núi Võ - vùng đất của dòng họ Lưu quý tộc của Tể tướng, Thượng tướng quân Lưu Nhân Chú, có 4 đời làm quan Phiên trấn thế tập, cai quản vùng đất phía Bắc thành Thăng Long. Nhiệm kỳ thứ hai được đánh giá rất thành công khi Ban Liên lạc được đổi tên thành Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam, đã mở rộng kết nối thành cao trào, khẳng định được cội nguồn họ Lưu Việt Nam từ di chỉ Núi và đền Đồng Cổ (Thanh Hoá) và bắt đầu chấn hưng Lưu tộc Việt Nam; đã tìm hiểu được 180 danh nhân, danh tướng họ Lưu được tôn thờ tại các di tích (trong đó có 28 Tiến sĩ nho học); đã tổ chức tu tạo ba di tích thờ 3 vị Khai quốc công thần tiêu biểu họ Lưu; khích lệ các chi họ tu sửa, xây mới nhà thờ họ; chú trọng các hoạt động Nhân ái và Khuyến học nhằm khuyến khích phát triển thế hệ trẻ, nhân tài; thăm hỏi các hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, mừng thọ các cụ trăm tuổi...
Phát biểu tại Đại hội, TS Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ, tôi được dự các Đại hội Lưu tộc Việt Nam lần thứ I, II, III, và cũng đã tham dự nhiều hoạt động tập thể của dòng họ Lưu, qua đó thực sự đã được cảm nhận được linh khí của các bậc tiền hiền của Lưu tộc chúng ta; được thụ hưởng danh thơm, khí tiết, dũng khí, tài năng và sự đóng góp nhiều đời của các thế hệ dòng họ Lưu trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Mặc dù so với nhiều dòng họ lớn trong nước thì quy mô của dòng họ Lưu quả là rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là còn nhỏ bé, nhưng các thế họ Lưu có quyền tự hào về dòng họ của mình.
Tuy nhiên, TS Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, dòng họ Lưu không thể phát triển, nếu chúng ta thỏa mãn với chính mình, hoặc dừng lại để tận hưởng và ngợi ca những thành quả có được. Họ Lưu Việt Nam chỉ có thể phát triển khi chúng ta đồng thuận, đoàn kết và không ngừng hành động. Đại hội Lưu tộc lần này phải tiếp tục củng cố, kiện toàn Hội đồng Lưu tộc toàn quốc cả về nhân sự và phương pháp hành động với phương châm: Mở rộng thành phần, tăng cường chất lượng nhân sự để bảo đảm cho hoạt động. Đồng thời đề nghị Đại hội thống nhất giao cho Hội đồng Lưu tộc nhiệm kì III nhiệm vụ gồm hoàn thiện các quy chế sinh hoạt nội bộ để phát huy sức mạnh đoàn kết, trí tuệ của dòng họ; xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp có tính đột phá để có được sự “tăng tốc” trong hoạt động cũng như đạt được những mục tiêu về kết nối, tri ân, phát triển toàn diện cả về mặt kinh tế, xã hội và tình cảm trước mắt cũng như trong dài hạn.
Theo kế hoạch, trong nhiệm kỳ thứ III, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam hướng tới việc tổ chức dòng họ không chỉ hướng tới tập hợp và đoàn kết người cùng họ, mà còn mang lại rất nhiều lợi ích “kép” cho đời sống xã hội. Theo đó, điểm cốt lõi nhất là Hội đồng Lưu tộc Việt Nam phải xây dựng là tổ chức có phương pháp hoạt động khoa học, có đội ngũ nhân sự nhiệt huyết vì dòng họ… Bên cạnh đó, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam tiếp tục công tác nghiên cứu về lịch sử Lưu tộc Việt Nam, về các danh nhân Lưu tộc xuất chúng. Trước mắt, tổ chức Hội thảo khoa học về Thái uý Lưu Khánh Đàm và các danh nhân họ Lưu được thờ tại Lưu Xá (Thái Bình) và về Tể tướng phủ Chúa, Thượng thư Tiến sĩ Lưu Đình Chất tại Đông Khê (Thanh Hoá)...
Cũng tại Đại hội, các đại biểu đã bầu ra Hội đồng Lưu tộc Việt Nam nhiệm kỳ thứ III (2023 – 2028), trong đó TS Lưu Văn Thành được bầu là Chủ tịch Hội đồng. Đại hội cũng đã vinh danh Bảng vàng cống hiến (6 cá nhân), Bảng vàng vinh danh (9 cá nhân), Bảng vàng tri ân (17 cá nhân), Bằng khen (21 cá nhân) và Tuyên dương (41 cá nhân). Trước đó, ngày 13/5, tại Hà Nội, Lưu tộc Việt Nam đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập (2013 –-2023), thu hút 800 - 900 đại biểu đến từ các chi họ Lưu các vùng miền, các Hội đồng Lưu tộc từ khắp cả nước.