Cẩn trọng nguy cơ cháy căn hộ gia đình
Sáng 13/5, tại căn nhà của hộ gia đình bà Nguyễn Thu Hà (SN 1984), địa chỉ số 24 phố Thành Công (phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) xảy ra vụ cháy lớn khiến 4 bà cháu tử vong và 1 người bị thương trong lúc hỗ trợ chữa cháy. Cháy căn hộ một lần nữa rất cần rung hồi chuông báo động, nhất là đối với những ngôi nhà không có lối thoát hiểm.
Không vì phòng trộm mà tự bịt đường sống của chính mình
Khu vực xảy ra cháy trên diện tích đất khoảng 50m2, trong đó phần cháy nằm trong ngôi nhà dạng ống, diện tích xây dựng 40m2, cao 3 tầng, 1 tum, diện tích sân trước khoảng 5m2 (lợp mái tôn), kết cấu chính bê tông cốt thép, tường xây gạch.
Điều đáng nói là toàn bộ mặt trước và các mặt tiếp giáp 2 bên với nhà hàng xóm đều bị chủ hộ rào chắn bằng hệ thống “chuồng cọp” sắt thép kiên cố, không có lối thoát hiểm sang nhà bên. Việc nhiều nhà dân phòng trộm từ những "chuồng cọp" như trên là vô cùng nguy hiểm, nếu như có cháy.
Trước đó, hồi tháng 4/2021, tại căn nhà ống tại số 311 phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội) và tháng 3/2021 tại phường Cát Lái (Thủ Đức, TPHCM) cũng xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nguyên nhân đều liên quan đến “chuồng cọp” khiến các nạn nhân không thể thoát hiểm.
Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) thì việc gia cố thêm các “chuồng cọp” với mục đích bảo đảm an ninh, tăng diện tích khá phổ biến. Cách làm này dù có phần hiệu quả trong phòng, chống trộm nhưng lại gây mất an toàn, cản trở tiếp cận hiện trường khi hỏa hoạn xảy ra để dập lửa và giải cứu nạn nhân.
Không được chỉ vì phòng trộm mà quên phòng cháy, Trung tá Lê Minh Hải - Trưởng phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) khuyến cáo, trong trường hợp lắp “chuồng cọp” thì gia chủ phải thiết kế ô cửa có khóa và để chìa khóa ở nơi dễ lấy. Khóa này cũng phải được mở thường xuyên, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố, do mất bình tĩnh nên không tìm thấy chìa khóa hoặc khóa bị gỉ sét, khó mở.
“Khi xảy ra hỏa hoạn, người trong nhà có thể thông qua các ô cửa này thoát ra ngoài bằng dây thừng. Nếu trong nhà không có dây thừng, người dân có thể dùng rèm, màn, quần áo nối với nhau để trèo xuống qua ô cửa” - Trung tá Hải nói và nhấn mạnh người dân không vì phòng trộm mà tự bịt đường sống của chính mình.
Những điều đặc biệt lưu ý khi xảy ra hỏa hoạn tại hộ gia đình
Theo khuyến cáo của Bộ Công an, người dân cần lưu ý một số điểm khi có hỏa hoạn xảy ra:
Xác định lối an toàn: Thông thường, các lối thoát đến nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề. Đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: thang, thang cây, dây tự cứu hạ chậm…
Bình tĩnh thông báo cho mọi người và tìm đường thoát: Khi phát hiện đám cháy cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết. Nhanh chóng thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm. Trong trường hợp lối thoát qua cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm thì bình tĩnh và cùng các thành viên trong gia đình tìm lối thoát khác như: di chuyển ra ngoài ban công, hoặc qua cửa sổ, lên tầng thượng, mái và tìm cách thoát qua các nhà, công trình lân cận.
Luôn nhớ hạn chế hít khỏi độc: Bằng cách lấy khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng. Khi di chuyển tránh chạm vào các đồ đạc có thể dẫn nhiệt gây bỏng. Tuyệt đối không xông qua đám cháy.
Các nhà, công trình có lồng sắt: Cần thiết trang bị búa, rìu, kìm cộng lực. Có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề. Nếu trên các lồng sắt không có sẵn các cửa thoát hiểm hãy bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc banh rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể chui qua và sang công trình liền kề hoặc xuống nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh.
Tuyệt đối không trốn tránh vào nhà vệ sinh: Bởi rất dễ bị ngạt khói và lửa thiêu khi đám cháy lan ra toàn bộ căn hộ.
Bộ Công an cũng khuyến cáo, trong tất cả các trường hợp, người dân khi phát hiện cháy phải nhanh chóng gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, theo số 114, để kịp thời đến cứu nạn và dập tắt đám cháy.
Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), khi xảy ra cháy ở các nhà chung cư nhiều tầng, cao tầng thì các lối thoát nạn an toàn là các cầu thang bộ bên trong tòa nhà (lối vào buồng thang có cửa tự động đóng kín) hoặc các cầu thang bộ hở đặt phía ngoài tòa nhà (thường là cầu thang sắt). Để thoát nạn an toàn, chỉ được dùng thang bộ, tuyệt đối không được dùng thang máy, bởi hệ thống điện cung cấp cho thang máy có thể bị mất và thang sẽ dừng lại đột ngột ở vị trí bất kỳ, người bị nạn sẽ kẹt trong thang và có nguy cơ bị ngọn lửa tác động, hít phải khói, khí độc dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Trong tất cả các trường hợp tuyệt đối không vội vàng nhảy từ trên cao xuống dưới khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn, như đệm hơi hoặc một số phương tiện bảo hộ khác đã được lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ triển khai phía dưới.