Đồng bằng sông Cửu Long: Hết lo hạn, mặn lại lo sạt lở

TRUNG KIÊN 15/05/2023 07:00

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đã bước vào mùa mưa, những cơn mưa liên tục đã giải nhiệt và giảm sự xâm nhập mặn. Tuy nhiên theo quy luật cứ sau hạn, mặn khu vực ĐBSCL lại đối diện với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đe dọa đến đời sống và sản xuất của người dân.

Nguy cơ sạt lở bờ sông ngày càng gia tăng cả tần xuất và cường độ.

Cảnh báo sạt lở gia tăng

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở các địa phương vùng ĐBSCL được dự báo trong thời gian tới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng sạt lở sau mùa khô sẽ diễn ra ngày càng nhiều theo quy luật.

Thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, từ năm 2010-2022, địa phương có 262 điểm sạt lở với chiều dài 9.870m. Các vụ sạt lở làm tử vong 4 người, 5 người bị thương và 94 căn nhà hư hại hoàn toàn. Diễn biến của sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn ngày một nghiêm trọng và phức tạp (tăng cả cường độ và số lượng), đặc biệt là các đoạn sông, kênh, rạch chảy qua các khu vực đông dân cư, các cồn trên sông Hậu.

Còn theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 điểm sạt lở, tổng chiều dài 469m, diện tích mất đất 2.858m2, ước tổng thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Hậu Giang là địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, biến đổi khí hậu khiến cho tình trạng sạt lở bờ sông liên tiếp xảy ra và ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, thời gian qua Hậu Giang đều chủ động xây dựng, cập nhật, triển khai thực hiện phương án ứng phó với sạt lở, sụt lún đất; tổ chức rà soát, cắm biển cảnh báo sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện xung quanh khu vực sạt lở; triển khai các giải pháp kè bảo vệ; đồng thời khắc phục hậu quả khi xảy ra sạt lở để người dân sớm ổn định, yên tâm sản xuất.

Bên cạnh tình trạng sạt lở bờ sông, sạt lở bờ biển cũng diễn biến tương đối phức tạp. Theo khảo sát của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, toàn vùng ÐBSCL có chiều dài bờ biển khoảng 744km, thì hiện nay có hơn 268km đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Tình trạng sạt lở ngày càng tăng, bởi nguồn phù sa từ thượng nguồn suy giảm làm ảnh hưởng đến quá trình bồi lắng của đồng bằng; hệ sinh thái ven bờ biển và rừng ngập mặn ven biển đang bị mất dần, cùng với đó là hiện tượng thủy triều, nước biển dâng và sụp lún, xâm nhập mặn… tác động ngày càng nặng nề. Sạt lở bờ biển gia tăng đã làm mất đi nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản; mất nhà cửa, tài sản, sinh kế của người dân…

Ở Bạc Liêu, tỉnh này đã phải yêu cầu ngành chức năng thiết lập hành lang an toàn, lắp đặt biển báo ở khu vực sạt lở ven biển để ngăn người, phương tiện vào khu vực sạt lở; theo dõi diễn biến hiện trường để kịp thời ứng cứu, xử lý. Phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân đắp đất, bao cát ngăn chặn nước biển tràn vào nhà dân; thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trong vùng ảnh hưởng sạt lở.

Trong khi đó ở vùng ven biển của tỉnh Trà Vinh, diễn biến tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp hơn, ông Trần Trường Giang - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, Trà Vinh cũng như các địa phương ven biển khác thường xuyên chịu tác động mạnh của triều cường, nước biển dâng, đặc biệt là vào mùa gió chướng. Thống kê chưa đầy đủ, vài năm trở lại đây khoảng 3km chiều dài ven biển bị nước biển xâm thực làm mất hơn 210ha đất sản xuất rau màu và đất rừng phòng hộ khiến người dân lo lắng…

Nguy cơ đối diện hạn mặn khốc liệt

Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm nhận định, dự báo nền nhiệt trung bình năm 2023 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1 độ C. Hiện tượng El Nino (pha nóng) có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80%. Dự báo khả năng thiếu hụt nguồn nước ở hầu hết các khu vực trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2023.

Do dự báo El Nino sẽ quay lại vào cuối năm nay và đầu năm sau nên các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cần chủ động các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết về công tác ứng phó hạn mặn của người dân vùng ĐBSCL, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho biết, thời gian qua do đối diện với nhiều đợt hạn mặn nên người dân đã chủ động tạo các ao và các dụng cụ trữ nước nên mức ảnh hưởng không nhiều. Trong khi đó, nông dân trồng lúa ở khu vực ven biển trước đây bị ảnh hưởng hạn, mặn đã chuyển từ trồng lúa chuyển sang nuôi thủy sản. Đến thời điểm này cơ bản mặn đã giảm nên người dân đã không còn phải lo lắng nhiều.

Còn ThS Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL lý giải, El Nino và La Nina là giai đoạn ấm và lạnh của khí hậu. Hai hiện tượng này thường thay phiên nhau lặp lại theo chu kỳ khoảng 2 đến 7 năm. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, các hiện tượng El Nino và La Nina có thể trở nên cực đoan và xuất hiện thường xuyên hơn. Theo ông Thiện, El Nino năm nay thì gần như chắc chắn đang đến nhưng chưa biết mạnh hay yếu. Trong tình huống El Nino mạnh, thì kịch bản cho ĐBSCL sẽ là mùa mưa năm nay rất ít.

“Năm nào có El Nino mưa ít thì mùa lũ sông Mê Kông thấp và sang đến mùa khô dòng sông Mê Kông yếu. Khi mực nước sông thấp, các đập thủy điện không đủ độ sâu để chạy turbine phát điện thì phải đóng đập để tích nước cho đủ độ sâu. Đập trên đóng thì đập dưới và đập kế tiếp phải chờ. Nước đi qua một chuỗi đập sẽ rất lâu, khi đó tình hình hạn mặn ĐBSCL sẽ rất gay gắt. Tức là khi xảy ra tình trạng khô hạn thì thủy điện Mê Kông làm cho tình hình hạn mặn tồi tệ thêm. Gặp những năm El Nino cực đoan và thủy điện làm cho tồi tệ thêm như thế thì ở ĐBSCL các công trình ngăn mặn ven biển chỉ phát huy tác dụng vào đầu mùa khô. Đến giữa mùa khô thì dù có ngăn mặn từ biển vào, bên trong vẫn không có nước” – ông Thiện nhận định.

TRUNG KIÊN