Hành trình 'dệt mộng' cho trẻ em miền núi
Sự phát triển của các hoạt động từ thiện trong những năm gần đây đã có những đóng góp tích cực cho cộng đồng. Điều này không chỉ đem lại niềm vui, sự lạc quan cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, mà còn cho thấy tinh thần tương thân tương ái bao đời của người dân Việt Nam.
Bữa ăn có thịt, quần áo ấm đã cũ, những dụng cụ học tập cơ bản,... tưởng chừng nhỏ nhoi nhưng đã góp phần chắp cánh cho những ước mơ của các em học sinh ở nơi vùng cao, khiến cho con đường đến trường của các em nhỏ dường như rút ngắn lại và con đường tới tương lai như được nối dài thêm.
Mang “Áo ấm cho em" lên miền cực Bắc
Những ngày cuối năm, nhiệt độ tại nhiều tỉnh miền núi xuống thấp kèm theo mưa khiến trời rét buốt. Với những trẻ em đồng bào dân tộc nghèo khó tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đây là khoảng thời gian phải oằn mình vượt qua giá rét với những đôi chân trần đỏ ửng, với chiếc áo rách thậm chí còn không đủ để che thân. Những hình ảnh ấy đã khiến cho chúng ta không khỏi xót xa.
Trước những hoàn cảnh đáng thương ấy, tổ chức tình nguyện Áo ấm cho em đã được thành lập từ năm 2011 bởi những sinh viên trên khắp các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội.
Trải qua hơn 10 năm hoạt động, dấu chân của tình nguyện viên Áo ấm cho em đã chạm đến rất nhiều tỉnh thành như Vân Hồ - Sơn La, Bình Trung - Bắc Kạn, La Hay - Quảng Trị, Thông Nông - Cao Bằng, Sông Mã - Sơn La, Mèo Vạc - Hà Giang… và hoàn thành sứ mệnh đem hơi ấm yêu thương sưởi ấm những trái tim đang ôm ấp bao niềm mơ gửi trao đời.
Hoạt động với tôn chỉ “Yêu thương trao đi là yêu thương còn mãi”, Áo ấm cho em đã trở thành cầu nối đưa quần áo cũ và trao đến tận tay những em nhỏ và người dân nghèo khó tại các địa phương xa xôi, kém may mắn.
Nặng tình những suất cơm “Nuôi em”
Độn ngô, sắn trừ bữa, nhiều lúc các em chỉ khao khát ăn một bữa cơm có thịt. Đói ăn chính là lý do khiến nhiều trẻ vùng núi không thể tiếp tục đến trường tại các điểm trường vùng cao miền núi phía Bắc.
Để chia sẻ gánh nặng khó khăn, giúp các em học sinh đến trường với bữa ăn đủ dinh dưỡng nhằm góp phần tạo dựng một thế hệ tương lai có kiến thức, nhóm tình nguyện “Niềm tin” đã bắt tay cho ra đời dự án Nuôi em vào năm 2014.
Đóng góp 150.000 đồng hàng tháng, những người đăng ký tham gia nhận nuôi một em bé bằng da, bằng thịt. Thông tin về các em luôn được cập nhật một cách công khai và chi tiết thông qua nhóm hỗ trợ “Group có thầy cô cắm bản” – Nơi mà đầu mỗi tháng định kỳ sẽ được cập nhật hình ảnh hoặc video của các em. Đặc biệt, trong năm dự án sẽ tổ chức những đợt thăm nuôi trực tiếp để người đăng ký có thể đến tận nơi nhìn thấy thành quả mà mình “gieo mầm” ước mơ.
Sau gần 10 năm hoạt động, Nuôi em giờ đây đã phủ sóng đến hơn 120 xã của 15 huyện thuộc các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai… với tổng số hơn 60.000 em bé đã tìm được người nhận nuôi trên cả nước và trở thành điểm sáng trong công tác thiện nguyện cả nước.
Gieo con chữ “Cùng em đến trường"
Là một tổ chức thiện nguyện phi lợi nhuận, Fly To Sky hoạt động với 5 lĩnh vực chính: văn hóa – giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội và năng lượng sạch – môi trường bền vững.
Đúng với tên gọi của mình, Fly To Sky đã góp phần không nhỏ trong hành trình chắp cánh ước mơ qua chương trình "Cùng em đến trường". Là hoạt động thuộc hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" năm 2022 với chủ đề "Hành trình thanh niên đến với đồng bào dân tộc thiểu số", Fly To Sky đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên và các tầng lớp trong xã hội trong việc chung tay đồng hành, chăm lo cuộc sống của cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu vùng xa.
Lấy tình yêu thương làm “lẽ sống”, Fly To Sky trao 100 suất quà cho các em thiếu nhi tại các làng Kueng Đơn, làng Tnung, làng Kueng XN (xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) và tặng 5 suất quà cho hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn thuộc làng Tnung (xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Chính vì vậy, mỗi người trong số chúng ta cần nỗ lực hết mình để góp phần chăm lo cho các em thiếu niên nhi đồng vùng cao, biên giới. Mong các em có cuộc sống đầy đủ hơn, được tiếp cận các dịch vụ xã hội và hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của trẻ em, được trang bị kiến thức chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc để các em lớn lên thành người tài có ích cho đất nước.