'Đói' vốn vẫn ngại vay
Q uý 1 vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ thấp hơn cả nước. Trong đó, các tỉnh, thành phố có mức tăng GRDP quý 1/2023 ở mức thấp như TPHCM tăng 0,7%%; Bình Dương tăng 1,15%; Tây Ninh tăng 2,2%; Đồng Nai tăng 3,3%. Có khi còn “âm” như Bà Rịa-Vũng Tàu, giảm 4,75%.
Việc này có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp (DN) thiếu vốn để đầu tư sản xuất. Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, tháng 4 vừa qua, DN thành lập mới giảm cả về số lượng lẫn số vốn đăng ký. Có gần 55% số DN trên địa bàn đang hoạt động cầm chừng, giữ lao động và gần như không có nhu cầu tín dụng do thị trường đang không hiệu quả.
Nhưng, có một thực tế là dù “đói” vốn nhưng DN nói chung và DN vùng Đông Nam bộ nói riêng vẫn ngại tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi. Nói như lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai thì tiềm năng và nhu cầu vốn của các DN ở tỉnh này rất lớn. Tuy nhiên DN lại ngại khi tham gia gói ưu đãi 2% lãi suất vì sẽ phải làm việc nhiều với các đoàn thanh tra, kiểm toán. Họ cũng ngại tiếp cận gói tín dụng ưu đãi do cân nhắc giữa lợi ích và chi phí bỏ ra. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh thì mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ, giảm lãi suất cho vay, nhưng mặt bằng lãi suất (dù đã được điều chỉnh giảm) vẫn ở mức cao. Lãi suất ngắn hạn phổ biến ở mức 10 - 11%/năm, trong khi trước đây chỉ khoảng 7 - 9%. Lãi suất cho vay trung và dài hạn 11 - 13%/năm, trước đây chỉ 8,5 - 11%/năm nên nhiều DN vẫn cân nhắc việc vay vốn đề đầu tư mới và mở rộng quy mô. Trong khi DN nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay, nhiều DN không được giải ngân, chuyển nhóm nợ xấu.
Nói như bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM thì lợi nhuận sau khi trừ lãi suất ngân hàng khiến cho DN không thể nào tái sản xuất. Từ đó bà Chi cho rằng việc hạ lãi suất mới có thể giúp DN xoay sở trong bối cảnh hiện tại, tuy rằng vẫn khó làm ăn có lãi.
Nhân đây cũng nói thêm đôi chút về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, được coi là “mũi tên trúng 2 đích”: vừa là liều thuốc cấp cứu cho thị trường bất động sản đang đóng băng, vừa hỗ trợ người thu nhập thấp có điều kiện mua, thuê nhà ở. Tuy nhiên, thực tế do khó tiếp cận gói vay này, cũng như lãi suất vẫn cao so với thị trường nên một số người tỏ ra nghi ngại rằng liệu nguồn vốn hỗ trợ này có “đi theo vết xe đổ” gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng 10 năm trước không, khi mà không chỉ DN mà cả các ngân hàng thương mại cũng không mặn mà. Thời điểm đó, để “chạm” được tới gói 30.000 tỷ đồng, người vay phải đi qua nhiều "ải” xin xác nhận đủ loại giấy tờ, đủ loại thủ tục.
Có tiền, hỗ trợ giảm lãi suất, nhưng quan trọng là lãi suất phải xuống nữa và thời gian cho vay cần được kéo dài thêm. Thay vì được hưởng lãi suất hỗ trợ 5 năm (sau đó thả nổi theo thị trường) thì cần kéo dài từ 15 đến 20 năm. Thực tế đối với DN xây dựng và người vay để mua nhà, khi lãi suất cho vay cao sẽ làm giảm khả năng đầu tư của DN cũng như sức mua của người dân, tạo “hiệu ứng ngược” khiến thị trường bất sản rất khó “rã băng”.