Hà Nội với thương hiệu 'Thành phố sáng tạo'

Phạm Sỹ 16/05/2023 07:16

Từ khi gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo, Hà Nội đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các sáng kiến, điều này thể hiện ở các hoạt động văn hóa của Thủ đô có nhiều khởi sắc. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội chưa được như kỳ vọng.

Hồ Hoàn Kiếm đẹp lung linh trong đêm. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN.

Giàu tiềm năng

TP Hà Nội có nguồn lực to lớn để hiện thực hóa thành phố sáng tạo mang bản sắc Hà Nội. Trước hết đó là “kho” tài nguyên khổng lồ các giá trị văn hóa truyền thống, gồm 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới. Hà Nội còn có hệ thống 1.350 làng nghề, làng có nghề chứa đựng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và có giá trị kinh tế cao. Có thể thấy, văn hóa Hà Nội là nguồn sức mạnh to lớn xét trên nhiều góc độ, tầng mức, cả chiều sâu và quy mô, tính chất.

Bên cạnh đó, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo, tiêu biểu, như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian bích họa Phùng Hưng, dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội...

Trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật tại khu vực Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm.

Đánh giá về tiềm năng của Hà Nội, TS Đỗ Thị Liên Vân - Phó trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng, Thăng Long - Hà Nội trải qua hơn một nghìn năm lịch sử với những thăng trầm nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn vươn lên bằng khát vọng, bản lĩnh và sự sáng tạo không ngừng. Sự kiện UNESCO ghi danh Hà Nội là thành viên Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” trong lĩnh vực thiết kế càng khẳng định nỗ lực của Hà Nội trong việc lấy truyền thống văn hóa, nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển thành phố bền vững.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, các tuần lễ sáng tạo, lễ hội thiết kế sáng tạo, sự bùng nổ của các không gian sáng tạo... đang là những điểm nhấn, thể hiện khí thế sáng tạo của Thủ đô đã len lỏi đến từng góc phố, căn nhà, người dân. Nếu biết cách khai thác nguồn lực để phát huy hơn nữa nhiệt huyết này, chúng ta không chỉ có cơ hội tốt hơn cho phát triển văn hóa, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Bên cạnh đó, với sự quy tụ khoảng 100 trường đại học tại Thủ đô, trong đó có nhiều trường đại học liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật, cả công lập và ngoài công lập, trong nước và nước ngoài, nhiều sự kiện sáng tạo đã được tổ chức. Đây là một lợi thế trong phát triển văn hóa ở Thủ đô.

Tái tạo đô thị từ không gian sáng tạo.

Nỗ lực tạo dựng thương hiệu sáng tạo

Tuy nhiên theo nhìn nhận của một số chuyên gia văn hóa, việc phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội chưa được như kỳ vọng. Hầu hết sản phẩm sáng tạo của Hà Nội còn thiếu sự độc đáo, thiếu tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa ở Hà Nội mới chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, chưa có các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng.

TS Đỗ Thị Liên Vân cho rằng, số lượng các dự án liên quan đến Thành phố sáng tạo còn ít, chưa đủ sức thâm nhập và tác động sâu rộng tới nhận thức của những người tham gia vào hoạt động quản lý, sản xuất và dịch vụ văn hóa, cũng như với toàn xã hội. Bên cạnh đó, hầu hết người dân thành phố còn mơ hồ với khái niệm “Thành phố sáng tạo”….

“Hiện tại, các không gian sáng tạo - một thành tố cốt yếu để phát triển Thành phố sáng tạo, đang hiện diện ngày một nhiều, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, duy trì và tạo ra bản sắc cho đô thị. Khai thác giá trị truyền thống đặt trong thời đại mới, chúng ta sẽ có một nền tảng vững chắc để xây dựng “Thành phố sáng tạo” theo đúng yêu cầu của UNESCO nhưng vẫn giữ được bản sắc của đô thị sáng tạo Thăng Long - Hà Nội trong hàng nghìn năm qua” - bà Vân nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, để tham gia mạng lưới, các thành phố cần xác định một lĩnh vực thế mạnh dựa trên các tiêu chí như chính sách, biện pháp lồng ghép văn hóa, sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển không gian sáng tạo, mở rộng cơ hội cho những người đam mê thực hành sáng tạo... Bên cạnh đó, các thành phố cần xác định lộ trình và kế hoạch cụ thể nhằm triển khai đăng ký tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, tăng cường kết nối quốc tế, tạo dựng thương hiệu sáng tạo cho thành phố phát triển bền vững trong tương lai.

Đẩy mạnh phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, Hà Nội sẽ mang đến cơ hội thụ hưởng văn hóa cũng như nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội một cách cân bằng, hiệu quả và bền vững.

Phạm Sỹ