Vướng mắc vùng tái định cư – Bài cuối: Sớm ổn định đời sống cho dân
UBND, MTTQ các cấp tỉnh Quảng Nam và chính quyền huyện Bắc Trà My, chủ dự án đã rất tích cực chăm lo cho đời sống của người dân tái định cư (TĐC). Thế nhưng đối diện với khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, trải qua thời gian các công trình dân sinh bị hư hỏng khiến cuộc sống bà con đối diện nhiều khó khăn cần được giải quyết.
Theo lãnh đạo UBND huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), người dân tại các khu TĐC thuộc dự án Thủy điện sông Tranh 2 (TĐST2) đã từng bước xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu đất để sản xuất nông nghiệp, không có việc làm ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo 3 xã chiếm đến 78,98%; cận nghèo 1,21%; tái nghèo 0,36%. Hoạt động sản xuất của người dân tại các khu, điểm TĐC chủ yếu làm nông nghiệp như làm rẫy, làm lúa nước, trồng keo, làm công nhân cho các công trình, đánh bắt thủy sản ở khu vực lòng hồ để cải thiện đời sống. Nhưng những công việc này đem lại nguồn thu nhập không cao.
Ngoài ra, hiện nay một số nhà ở TĐC và công trình khác như trường học đã xuống cấp, hầu hết đều thấm nước vào mùa mưa gây tróc tường do chất lượng vật liệu xây dựng không còn đảm bảo; tôn lợp mái nhà mỏng không đủ độ dày; la phông của một số nhà đã hỏng; cửa gỗ bị cong vẹo, mục nát...
Hiện trạng trên phần lớn là do chất lượng xây dựng nhà ở không đảm bảo, một phần các hộ dân từ khi nhận bàn giao nhà ở còn hạn chế trong việc sửa chữa, duy tu bảo dưỡng hàng năm. Ngoài ra khu xử lý rác thải chưa có, hầu hết các công trình hệ thống nước sinh hoạt bị xuống cấp, hư hỏng nặng, các hộ dân rất khó khăn trong sử dụng nước...
Nhằm đảm bảo ổn định đời sống nhân dân trong các khu TĐC TĐST2 trong thời gian tới, UBND huyện Bắc Trà My đã đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam quan tâm phân bổ kinh phí để thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm TĐC. Trong đó yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh rà soát hoàn chỉnh hồ sơ dự án ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau TĐC các dự án thủy lợi, thủy điện trên địa bàn.
UBND huyện cũng đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất ổn định đời sống bền vững cho người dân tại các xã (Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác và Trà Tân) bị ảnh hưởng sau khi xây dựng công trình TĐST2 với tổng kinh phí thực hiện các hạng mục của đề án nói trên là 82 tỷ đồng (thời điểm trình dự án năm 2026), dự kiến hiện nay tổng kinh phí thực hiện dự án trên 120 tỷ đồng và đã trình UBND tỉnh, Sở NN&PTNT; tỉnh đã trình các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên đến nay chưa được phê duyệt, phân bổ kinh phí thực hiện.
Còn trong Báo cáo số 317 của UBND huyện Bắc Trà My ngày 6/7/2022, về tình hình đời sống và sản xuất cho người dân vùng sau TĐC TĐST2, gửi Bộ NN&PTNT; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính, UBND tỉnh Quảng Nam, huyện cũng đã đề nghị các bộ, ngành xem xét có cơ chế phù hợp để huyện có điều kiện sớm đầu tư khắc phục, sửa chữa cơ sở hạ tầng nông thôn (đường, trường, nước sinh hoạt...) đã xuống cấp và đầu tư mới các công trình phục vụ ổn định đời sống cho người dân hậu TĐC TĐST2.
Lãnh đạo UBND huyện Bắc Trà My cho biết, huyện cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh, đề nghị trước mắt bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm TĐC TĐST2. Qua khảo sát Đề án phát triển sản xuất ổn định đời sống cho người dân tại các xã bị ảnh hưởng sau khi xây dựng công trình TĐST2 cho thấy, hầu hết các công trình nước sinh hoạt, thủy lợi phục vụ đời sống, sản xuất của TĐC bị hư hỏng hoàn toàn, đường giao thông trong các khu, điểm TĐC chưa được đảm bảo gây khó khăn đi lại, nhất là trong mùa mưa đến. Do đó huyện đề nghị đầu tư 23,76 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp hạ tầng thiết yếu theo dự án nói trên.
Thế nhưng tới nay đề xuất nói trên vẫn chưa được phê duyệt.
Thiết nghĩ, để sớm ổn định và tạo sự chuyển biến về đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các xã bị ảnh hưởng của công trình TĐST2, các bộ, ngành liên quan; UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cần sớm xem xét trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án để huyện có cơ sở triển khai thực hiện.
Để giúp tạo sinh kế cho người dân vùng dự án Thủy điện sông Tranh 2, hàng năm Công ty thủy điện Sông Tranh phối hợp với UBND huyện Bắc Trà My thực hiện chương trình thả cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản lòng hồ. Qua 8 đợt đã thả 650.000 con, trị giá hơn 400 triệu đồng. Đây là hoạt động thường niên nhằm góp phần tạo sinh kế cho người dân trong vùng dự án nói riêng, đặc biệt là các hộ dân thuộc diện di dời, TĐC công trình Thủy điện sông Tranh 2.