Cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ
Hiện nay Samsung đang phối hợp cùng với Bộ Công thương để tìm và xây dựng chuỗi cung ứng ngay trong nước. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ bứt phá.
Nhiều sản phẩm vào chuỗi cung ứng nước ngoài
Chia sẻ về sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Trí – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc chuyên chế tạo khuôn mẫu công nghệ cao cho biết, hiện đơn vị đã có thành công bước đầu trong việc tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện đã có sản phẩm khuôn mẫu xuất khẩu sang Mỹ cho nhiều DN trong lĩnh vực sản xuất xe hơi. Trước đó, sản phẩm của DN còn xuất khẩu sang Pháp, Đức, Italy…
Theo ông Trí, hiện nay, khuôn mẫu chế tạo có xuất xứ Đức, Nhật, Hàn Quốc, có giá thành rất cao.
Ông Nguyễn Ngô Long – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Cơ khí thương mại Long Nhật (TP Thủ Đức) cho hay, sản phẩm của DN đã có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng khi cung cấp các linh kiện cơ khí cho một số DN FDI, đồng thời xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo hầu hết DN cơ khí, bất cứ sản phẩm kỹ thuật nào cũng cần dùng đến khuôn mẫu trong sản xuất. Để có được khách hàng, nhiều DN áp dụng một số phương pháp cắt giảm chi phí trong đầu tư thiết bị, tuy nhiên điều quan trọng là vẫn giữ được chất lượng sản phẩm sau cùng. Mặc dù nỗ lực sản xuất, đưa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, song các DN trong ngành gặp không ít khó khăn về vốn, chính sách thuế,…
Ông Trí dẫn chứng, công ty đã đầu tư dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển và chế tạo khuôn mẫu kỹ thuật cao phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ với tổng trị giá 120 tỷ đồng. Dự án này kỳ vọng có thể nhận thêm đơn hàng từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Tuy nhiên, dự án được thực hiện từ một phần vốn vay có hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng theo chương trình kích cầu của Nghị quyết 16. Nhưng sau 2 năm thực hiện vẫn chưa nhận được khoản bù lãi của phần vốn vay ngân hàng. Hiện đơn vị phải dừng đầu tư thiết bị. DN này mong muốn được giải ngân hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu đã được duyệt để tiếp tục thực hiện dự án.
Hỗ trợ, liên kết tạo chuỗi cung ứng vững chắc
Ông Trần Quốc Toản – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang cho biết, phát triển công nghiệp hỗ trợ là cần thiết cho phát triển công nghiệp. Thế nhưng, DN gặp khó khăn vì chi phí đầu tư lớn khi phải mở rộng nhà xưởng, đầu tư thiết bị, nhân lực... Do đó rất cần chính sách kích cầu hỗ trợ DN có vốn đầu tư để thúc đẩy nội địa hóa; tiếp tục duy trì chương trình kết nối các DN phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, theo các DN trong ngành, cần có chính sách quyết liệt mang tầm quốc gia cho ngành cơ khí chế tạo, tự động hóa và công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, xây dựng gói kích cầu để đầu tư cải tiến máy móc dây chuyền, chuyển đổi số trong các DN sản xuất thông qua các hình thức ưu đãi thuế (thuế VAT, thuế thu nhập DN), cũng như các kích thích về lãi suất và tín dụng.
Ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TPHCM khẳng định, các DN công nghiệp hỗ trợ nỗ lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng rất cần bệ đỡ về chính sách. Nghĩa là cần sự cải tiến hệ thống, chi phí đầu tư, nâng cao năng lực. Tại TPHCM, Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện đang xây dựng chương trình “made by Vietnam” để sản phẩm đúng nghĩa là sản phẩm của DN Việt với giá thành cạnh tranh. Theo thống kê, tỷ lệ nội địa hóa công nghiệp hỗ trợ của TPHCM mới đạt khoảng 65%. Muốn đẩy mạnh lĩnh vực này, TPHCM cho biết sẽ hỗ trợ DN trong đổi mới công nghệ, mặt bằng sản xuất.
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Ngô Khải Hoàn – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương thông tin, hiện nay Samsung đang phối hợp cùng với Bộ Công thương để tìm và xây dựng chuỗi cung ứng ngay trong nước. Với cơ hội này, rất nhiều DN FDI cũng đang đầu tư vào Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước. Theo ông Hoàn, để tiếp cận và ký thành công đơn hàng, DN cần cải tiến máy móc, nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực. Tiếp cận khách hàng và có được đơn hàng, DN vừa và nhỏ cần liên kết với nhau nhằm chia sẻ đơn hàng, hướng đến mục tiêu giảm giá thành và ký thành công đơn hàng.
Theo các DN trong ngành, cần có chính sách quyết liệt mang tầm quốc gia cho ngành cơ khí chế tạo, tự động hóa và công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, xây dựng gói kích cầu để đầu tư cải tiến máy móc dây chuyền, chuyển đổi số trong các DN sản xuất thông qua các hình thức ưu đãi thuế (thuế VAT, thuế thu nhập DN), cũng như các kích thích về lãi suất và tín dụng.