Dang dở dự án kè bờ hồ Thành cổ Quảng Trị
Từ cuối năm 2021 đến nay, dự án kè bờ hồ Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị bị gián đoạn trong thi công, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, chưa phát huy hết hiệu quả, gây bức xúc cho người dân.
Đó là một nội dung trong báo cáo của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng (Ban QLDA) tỉnh Quảng Trị về tình hình thực hiện dự án kè bờ hồ Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị (Kè bờ hồ Thành cổ Quảng Trị).
Ngày 13/8/2021, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 2131/QĐ-UBND phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án, giao Ban QLDA các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Trị (nay được sáp nhập thành Ban QLDA Đầu tư xây dựng) làm chủ đầu tư.
Kè bờ hồ Thành cổ Quảng Trị thuộc nhóm dự án C; loại công trình dân dụng, cấp III. Dự án có tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư các công trình khẩn cấp và có thời gian thực hiện 2 năm (từ 2021-2022).
Về mục tiêu, dự án hướng tới gia cường kết cấu công trình kè bờ hồ Thành cổ Quảng Trị, nhằm gìn giữ lâu dài nền đất yếu, thiên tai bão lụt thường xuyên ở thị xã Quảng Trị; tôn tạo giá trị kiến trúc truyền thống cho công trình với hình thức, vật liệu, kiểu kiến trúc kè đá và cống gạch; nâng cao hoàn thiện không gian, cảnh quan di tích lịch sử cách mạng Thành cổ Quảng Trị.
Báo cáo về tình hình thực hiện dự án này, Ban QLDA tỉnh Quảng Trị cho biết, tính đến tháng 4/2023, dự án đã tổ chức thi công hoàn thành phần kết cấu móng khung bê tông cốt thép chịu lực cho kè bên trong và bên ngoài hào thành phía đường Lê Thái Tổ, Hai Bà Trưng với tổng chiều dài khoảng 1.920m.
Về kế hoạch bố trí vốn và giải ngân vốn, báo cáo cho hay, năm 2021, dự án được bố trí 17,1 tỷ đồng. Tổng giá trị khối lượng hoàn thành 80% (13,590 tỷ đồng). Đến ngày 30/12/2021 đã giải ngân được hơn 12,720 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch vốn. Số vốn còn lại hơn 4,379 tỷ đồng chưa giải ngân. Dự án không được chuyển vốn sang năm 2022 nên tạm dừng thực hiện hợp đồng.
“Hiện nay, hệ thống kè Thành cổ Quảng Trị đã xuống cấp, nhiều vị trí bị lún, nghiêng, hư hỏng nặng, không đảm bảo khả năng chịu lực của công trình. Tuy nhiên, mức vốn bố trí cho dự án (25 tỷ đồng) là không đủ để cải tạo, nâng cấp toàn bộ hệ thống kè hiện trạng. Vì vậy, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn gặp nhiều khó khăn khi khảo sát, đánh giá, lựa chọn ưu tiên các vị trí, tuyến kè xung yếu để thực hiện đầu tư trước” - báo cáo của Ban QLDA tỉnh Quảng Trị nêu.
Mặt khác, việc triển khai dự án còn gặp khó khăn vì hệ thống kè Thành cổ Quảng Trị được đặt trên hệ thống địa chất yếu; dự án chịu sự chi phối của Luật Di sản và Luật Xây dựng nên trình tự thực hiện qua nhiều bước, nhiều cấp thẩm quyền khác nhau; dịch bệnh Covid-19, thời tiết không thuận lợi…
Theo báo cáo của Ban QLDA tỉnh Quảng Trị, từ cuối năm 2021 đến nay công trình không có vốn để thi công, việc gián đoạn thi công dài ngày ảnh hưởng đến chất lượng công trình, chưa phát huy hết hiệu quả công trình.
Trao đổi về vấn đề này, bà Cáp Thị Thiên Trang - Trưởng ban Ban Quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị cho biết, việc dự án Kè bờ hồ Thành cổ Quảng Trị tạm dừng thực hiện gây mất mỹ quan di tích. Để đảm bảo an toàn cho du khách đến thăm và đảm bảo thẩm mỹ của di tích, Ban Quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị Đề nghị chủ đầu tư dự án tạm thời dọn dẹp, cắm biển cảnh báo tại các điểm còn dang dở.
Trong khi đó, Ban QLDA tỉnh Quảng Trị đề nghị UBND tỉnh đồng ý kết thúc dự án, giao Ban QLDA tính toán khối lượng đã thi công, tổ chức thanh quyết toán theo điểm dừng kỹ thuật và trình quyết toán khối lượng hoàn thành công trình.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các ngành liên quan hướng dẫn Ban QLDA tỉnh xây dựng phương án trả nợ đọng vốn xây dựng cơ bản theo lộ trình cụ thể, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương thống nhất đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định.
Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng phối hợp với các ngành chức năng để trình lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị việc sử dụng các nguồn kinh phí khác nhằm tiếp tục thực hiện, hoàn thiện dự án như đã phê duyệt trước đó.