Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Không chủ quan

Hàn Minh 16/05/2023 07:15

Ngày 18/5 tới đây Hà Nội sẽ công bố số lượng dự tuyển vào lớp 10 của từng trường. Mặc dù tổng chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 tại Hà Nội là 55,7% nhưng tại một số quận như Hà Đông, sẽ chỉ có 33% học sinh có cơ hội được vào lớp 10 công lập.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023-2024 diễn ra từ ngày 10-11/6.

Cân nhắc cơ hội

Mặc dù theo quy định sẽ không được thay đổi nguyện vọng xét tuyển sau khi biết tỷ lệ chọi vào trường song hầu hết phụ huynh, thí sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 đều mong muốn biết thông tin này để sẵn sàng tinh thần và chuẩn bị các phương án dự phòng.

Theo ông Nghiêm Văn Bình - Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), theo quyết định giao chỉ tiêu, số lượng chỉ tiêu vào lớp 10 của các trường công lập năm nay có tăng so với năm trước. Tuy nhiên, tại một số quận, huyện có sự chênh lệch. Nguyên nhân có thể do số lượng các trường THPT công lập trên địa bàn các quận, huyện không đồng đều. Vì vậy, để giúp cho các em có cơ hội được vào học tại các trường THPT công lập, đáp ứng nguyện vọng của học sinh và cha mẹ học sinh và cũng để tránh lãng phí cơ sở vật chất…, toàn TP Hà Nội đã chia 12 khu vực tuyển sinh và mỗi khu vực có thể có từ 4-5 trường THPT công lập trở lên để giúp học sinh lựa chọn.

Dẫu vậy, vẫn có những khu vực căng thẳng như tại quận Hà Đông, chỉ có 33% học sinh có cơ hội được vào lớp 10 công lập do chỉ tiêu tuyển sinh ít, số lượng học sinh đăng ký rất đông nên nhiều phụ huynh được giáo viên tư vấn chọn nguyện vọng 3 thuộc các trường ở ngoại thành, ở huyện sẽ có tỷ lệ chọi thấp. Từ năm 2021, khi Hà Nội cho phép thí sinh đăng ký thêm nguyện vọng thứ 3 và nguyện vọng này có thể ở khu vực tuyển sinh bất kỳ trên địa bàn thành phố, đã dẫn đến thực tế thí sinh dù đăng ký nguyện vọng 1 và 2 ở các quận nội thành,… nhưng vẫn đăng ký nguyện vọng 3 vào các trường THPT ở huyện ngoại thành như Mê Linh, Ba Vì, Hoài Đức, Quốc Oai… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù chắc suất đỗ vào 1 trường THPT công lập ở ngoại thành thì khả năng các em nhập học sẽ không nhiều do khoảng cách từ nhà đến trường là vài chục km, không phù hợp với học sinh cấp 3. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, thí sinh và gia đình cần cân nhắc việc đăng ký cũng như nhập học với nguyện vọng 3 cách nhà quá xa, học sinh sẽ khó đáp ứng được trong thời gian dài, trong khi đó việc chuyển trường hiện nay cần rất nhiều điều kiện.

Chủ động phương án dự phòng

Theo thống kê, top 10 trường tại Hà Nội có tỷ lệ chọi cao nhất năm 2022 (không tính 3 trường tuyển sinh trên phạm vi toàn thành phố - THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây và Phổ thông Dân tộc nội trú), Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) có tỷ lệ chọi cao nhất, 1/3,03 (trong số hơn 3 thí sinh sẽ có 1 thí sinh đỗ), tiếp theo đó là Trường THPT Chu Văn An (1/2,87), THPT Sơn Tây (1/2,73), Trường THPT Nhân Chính (1/2,53), Trường THPT Lê Quý Đôn - quận Hà Đông (1/2,51)…

Trong khi đó, tại nhiều trường THPT ở khu vực ngoại thành Hà Nội như Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì), THPT Tự Lập (huyện Mê Linh), THPT Đại Cường (huyện Ứng Hòa), THPT Minh Hà (huyện Thạch Thất)…, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 thậm chí thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường.

Thực tế điểm cao vẫn trượt, điểm thấp lại đỗ không phải là câu chuyện mới trong tuyển sinh lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội nhiều năm qua. Nhiều ý kiến mong muốn thành phố dành thêm quỹ đất xây trường trong khu vực nội thành, các khu đô thị mới… Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo nghiên cứu, tạo điều kiện cho Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về việc xây trường chuẩn quốc gia. Ðó là cho phép tính diện tích sàn sử dụng thay thế cho diện tích đất trên tổng số học sinh; cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng, được phép xây dựng và sử dụng các tầng hầm dựa trên nguyên tắc bảo đảm an toàn cho trẻ, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao…

Dẫu vậy, thực tế là tại các quận nội thành, quỹ đất dành để xây dựng trường học rất hạn chế. Vì vậy, trong khi chờ xây mới các trường học, thì phương án phụ huynh chủ động phân luồng cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT là quan trọng. Quyền được dự thi lớp 10 THPT không ai được ngăn cấm song gia đình cũng cần xác định tâm lý, chuẩn bị thêm các phương án dự phòng cho thí sinh để giảm áp lực cho các em.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam thời gian này thí sinh cần được chuẩn bị về sức khỏe, ổn định tâm lý, có chế độ ôn tập khoa học, đặc biệt là cần giữ tinh thần vững vàng, lạc quan, bởi Hà Nội đảm bảo 100% chỗ học cấp THPT. Loại hình trường nào, trường thuộc top nào cũng không quan trọng bằng sự bình an và sự phát triển cân bằng của các em.

Hàn Minh