[eMaGAZINE] Bài cuối: Hài hòa lợi ích - Chìa khóa thành công
Phát biểu tại cuộc làm việc của Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với UBND các tỉnh và sở, ngành của các địa phương mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói: Đến thời điểm này, có thể tự tin khẳng định, Hà Nội sẽ có từ 70% mặt bằng sạch trở lên để khởi công dự án đúng như kế hoạch vào ngày 30/6 tới. Ông cho biết: “Chúng tôi dự kiến khởi công Dự án đường Vành đai 4 tại 4 địa điểm”.
Phát biểu tại cuộc làm việc của Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với UBND các tỉnh và sở, ngành của các địa phương mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói: Đến thời điểm này, có thể tự tin khẳng định, Hà Nội sẽ có từ 70% mặt bằng sạch trở lên để khởi công dự án đúng như kế hoạch vào ngày 30/6 tới. Ông cho biết: “Chúng tôi dự kiến khởi công Dự án đường Vành đai 4 tại 4 địa điểm”.
Đi cơ sở cùng với các cán bộ xã ở nhiều xã của huyện Thường Tín, Sóc Sơn hay Mê Linh, chúng tôi được trực tiếp gặp, trao đổi với người dân vùng dự án đi qua. Như đã nêu, đa số người dân đồng tình, ủng hộ chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong đầu tư xây dựng dự án trọng điểm quốc gia Vành đai 4- Vùng Thủ đô. Nhưng, nói như thế không phải là không có những băn khoăn, trăn trở.
Gia đình anh Phạm Chí Thảo, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, người có 288 m2 đất phải thu hồi phục vụ dự án, anh Thảo cũng như các hộ dân khác đều bày tỏ đồng tình. Tuy nhiên, anh băn khoăn, việc bồi thường với khung giá đất này là câu chuyện của cách đây hơn chục năm trước. “Đến nay nhà nước vẫn chưa điều chỉnh giá nên giá rất thấp nhưng do đây là một dự án trọng điểm của quốc gia nên nhân dân chúng tôi cũng phải đồng thuận”, anh nói.
Chung suy nghĩ, ông Phạm Xuân Tình thường trú tại thôn Nội Đồng, Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội cho hay, nhà nước thu hồi của gia đình tôi 2 thửa đất, một thửa rộng 283 m2 và một thửa hơn 90 m2. Đến nay, nhà nước đã đền bù cho gia đình tôi thửa 283 m2 còn thửa thứ 2 đang tiếp tục thực hiện chuẩn bị nhận nốt tiền đền bù.
Tuy nhiên, ông Tình đề nghị: Tôi cũng mong muốn nhà nước xem xét lại mức đền bù cho người dân làm sao cho thỏa đáng vì vẫn còn nhiều người đang băn khoăn. Tương tự, đó cũng là tâm tư của gia đình bà Tạ Thị Mai, xóm 1, xã Văn Bình, huyện Thường Tín.
Tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, chúng tôi gặp và nói chuyện với anh Phùng Văn Lừng. Anh cho biết: Tôi cũng như người dân ở đây đồng thuận với chủ trương thu hồi giải phóng mặt bằng của nhà nước để làm đường Vành đai 4, nhưng băn khoăn lắm về việc giá đền bù còn thấp so với nơi khác.
Mang vấn đề này đi hỏi các cán bộ cơ sở, chúng tôi nhận được lý giải của ông Lê Tuấn Tú, giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thường Tín, “việc áp khung giá cũ sẽ khiến người dân phản ánh, nhất là trước thông tin sửa Luật Đất đai, nâng cao giá đất. Về giá đất nông nghiệp, 14 năm nay ở Hà Nội vẫn thế, vẫn ở mức 820.000 đồng/ m2. Riêng đất ở áp theo giá thị trường nhưng thực ra rất khó. Vì Luật Ngân sách nhà nước, không ai dám nâng giá cao, hoặc đền bù không chính xác, làm thất thoát ngân sách”, ông Tú giải thích.
Anh Trịnh Văn Cừ, phụ trách công tác giải phóng mặt bằng xã Văn Khê, huyện Mê Linh cho biết, xã có khoảng 50 ha trong diện giải phóng mặt bằng; trong đó đất bãi khoảng 20 ha, hơn 20 ha đất nông nghiệp, 4 ha đất thổ cư. Và, khó khăn trước mắt anh Cừ cũng cho rằng, vẫn là vấn đề giá đền bù.
Khó khăn là thế, vậy cán bộ cơ sở làm thế nào để thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội một cách sát, đúng. Chúng tôi đã theo chân ông Trịnh Văn Hiền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn vào tận nhà anh Phùng Văn Lừng để gặp gỡ, trao đổi. Bằng cách giải thích, thuyết phục nhẹ nhàng, lúc đầu người dân tuy có nóng nảy nhưng sau đó đã “hạ hỏa” và lắng nghe giải thích từ vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã.
Trước thắc mắc của người dân, chúng tôi cũng xác định giải thích rõ và cặn kẽ cho người dân hiểu, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thường Tín Lê Tuấn Tú khẳng định. Để được nghe giải thích thêm về quá trình thu hồi đất và quá trình tuyên truyền vận động người dân, chúng tôi đã nán lại tại Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thường Tín để chờ ông Lê Tuấn Tú đi họp dân, giải thích chủ trương suốt cả buổi sáng trở về văn phòng.
Ông Tú kể, chúng tôi phải nói cho dân hiểu: Không phải thích thu hồi chỗ nào thì thu, mà phải căn cứ vào các đồ án quy hoạch chung của thành phố, của huyện. Sau đó, xác định ranh giới thu hồi, để thực hiện việc thu hồi đất để đảm bảo bố trí nguồn đất tái định cư. Tuy nhiên, mặc dù là đất ruộng, nhưng qua khảo sát, chúng tôi cũng biết rằng đã có hiện tượng mua đi bán lại với giá cao, vì khu vực này sát làng, đã được quy hoạch đất ở từ lâu. Nay nếu bị thu hồi, thì cơ quan chức năng chỉ có thể đền bù theo giá quy định của nhà nước về giá đất nông nghiệp. Do có sự chệnh lệch về mặt kinh tế, nên đã có sự không đồng tình của một số người dân, điều này gây khó khăn cho chúng tôi, ông Tú cho hay nhưng dù có thế nào thì chúng tôi vẫn luôn vận động tuyên truyền để người dân hiểu, ông nói.
Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Văn Bình, huyện Thường Tín Trần Văn Thảnh, cũng là một người nhiều ngày ba cùng trong tuyên truyền vận động giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 đề nghị, từ thực tế vướng mắc của địa phương: Số mộ vô chủ đề nghị Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng làm thủ tục hồ sơ theo quy định và ký hợp đồng với ban tang lễ thành phố để thực hiện việc di chuyển, tránh kéo dài thời gian ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng. Số mộ cải táng chưa đến thời gian đề nghị cho thêm thời gian để thực hiện việc di chuyển.
“Đề nghị các cơ quan liên quan sớm đưa ra phương án nút giao QL1A thực hiện việc cắm mốc và bàn giao mốc giới để UBND xã thực hiện việc quy chủ đất ở cũng như đất nông nghiệp cho các hộ dân được đồng bộ”, ông Thảnh nói.
Xác định tính chất quan trọng, cấp thiết của dự án đường Vành đai 4, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng Nguyễn Mạnh Hà, nơi có tới 30,3 ha của 301 hộ gia đình cá nhân trong diện thu hồi cho biết: Đảng uỷ xã đã xây dựng và ban hành kế hoạch tuyên truyền từ xã đến thôn, cụm dân cư nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Triển khai các thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bảo đảm công khai, dân chủ theo trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật.
Từ khi được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương, có thể thấy với vai trò đầu tàu, Hà Nội đã chủ động vào cuộc, khởi động dự án từ sớm. Trong quá trình ấy, Thường vụ Thành ủy đã sát sao. Từng thành viên trong Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp xuống hiện trường, đi thực địa kiểm tra công tác triển khai. Thành phố đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến các quận huyện, phường xã. Mục tiêu là phải đồng bộ, nâng cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp, không có chuyện “quyền anh, quyền tôi”; không được để xảy ra sai sót, đặc biệt là không được để thất thoát, lãng phí, tham nhũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng từng chỉ đạo như thế.
“Nếu để xảy ra sai sót đến mức phải xử lý mà không tự phát hiện được thì bí thư, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra quận ủy, huyện ủy cũng phải chịu trách nhiệm”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nói trong một cuộc làm việc và lưu ý: Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo các quận, huyện sát sao với công việc tại cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát, chú ý bảo đảm đúng quy định pháp luật trong xác định nguồn gốc và diện tích đất ở. Nhấn mạnh phải đảm bảo nguyên tắc về bố trí vốn giải phóng mặt bằng, bảo đảm đúng nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ và quy định pháp luật; Người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội nói thêm, trong đó, riêng về vốn giải phóng mặt bằng thì chỉ diện tích thuộc chỉ giới dự án đường Vành đai 4 mới được sử dụng vốn của dự án này. Có thể nói, đến nay, nhiều quận huyện nơi có dự án đi qua đã đền bù, giải phóng mặt bằng gần đạt tiến độ đề ra. Đó là nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền Thủ đô và sự nỗ lực của các cấp chính quyền cơ sở. Đặc biệt là sự ủng hộ của Nhân dân.
Những thành tích ấy đã được đánh giá cao. Tại cuộc làm việc mới đây với Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ, rất ấn tượng với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt của thành phố trong tổ chức thực hiện dự án đường Vành đai 4, nhất là công tác giải phóng mặt bằng đã có chuyển biến mạnh, thể hiện rõ vai trò, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, mà đứng đầu là Bí thư Thành ủy, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án; nhờ đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
“Tôi tin chắc Hà Nội sẽ khởi công được dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào tháng 6 tới”, Người đứng đầu Chính phủ nói. Nhận định ấy đã phần nào diễn tả được nỗ lực, cố gắng của Thủ đô và chúng ta hy vọng: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ sớm có hình hài rõ nét trong tương lai không xa.