Đầy rẫy video phản giáo dục trên TikTok: Làm sao ngăn chặn?
Học sinh nói tục, dạy cách làm phao thi còn giáo viên chửi bậy, dạy cách yêu… Hàng loạt các nội dung phản giáo dục đang xuất hiện tràn lan trên TikTok, tạo ra hệ lụy xấu trong môi trường học đường.
Nhan nhản video "rác"
Theo thống kê, lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này.
Với sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể tải ứng dụng TikTok, thậm chí trẻ em dù ở lứa tuổi tiểu học cũng đã biết lướt TikTok. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin hữu ích, TikTok đang tiềm ẩn nhiều clip phản giáo dục, tác động không tốt tới nhận thức, hành vi của học sinh.
Không khó để tìm kiếm những video có nội dung “chửi giáo viên” hay những video “dạy cách làm phao thi” trên TikTok.
Chẳng hạn, khi gõ từ khóa “chửi giáo viên”, TikTok sẽ gợi ý hàng loạt video kèm dòng trạng thái: “Tui cay ông giáo viên dạy Toán từ đầu năm tới giờ”, “Khịa giáo viên xưa rồi, khịa hiệu trưởng mới chất”, “Xin câu chửi giáo viên dạy Lịch sử, cay bà này lắm rồi”, “Khịa giáo viên Thể dục đi ạ”…
Hay gõ từ khóa “dạy cách làm phao thi’, ngay lập tức TikTok sẽ gợi ý vô vàn video đa dạng các tựa đề như: “Mấy đứa chuẩn bị thi thì vào xem ngay nhé”, “Những mẹo lật bùa dễ dàng mà không sợ bị phát hiện, áp dụng cho kỳ thi sắp tới”, “Cách làm phao thi cho các sĩ tử, góc sáng tạo mới”, “Biến phòng học thành phao thi”…
Đáng chú ý, những video này thu hút hàng chục nghìn, thậm chí vài trăm nghìn lượt xem và rất nhiều lượt bình luận, trong đó có không ít bình luận hưởng ứng, ủng hộ.
Đặc biệt, những ngày qua, mạng TikTok tràn lan đoạn nhạc ''Chú bé loắt choắt" với nội dung chế từ bài thơ “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu. Những đoạn nhạc có lời phản cảm, nhảm nhí với từ khóa “chubeloatchoat” đã thu hút tới hàng chục triệu lượt xem trên nền tảng mạng xã hội này.
Một số video, người dùng tạo dáng mặc bikini, dẫm đạp lên bàn học, dẫm lên bàn giáo viên với những góc quay phản cảm. Sau khi nhận nhiều lời chỉ trích, tác giả đã ẩn bài nhạc trên YouTube và xóa bài nhạc chế gốc trên mọi nền tảng.
Những hành động và phát ngôn không phù hợp không chỉ xuất phát từ phía học sinh mà còn cả từ những người tự xưng là giáo viên.
Hàng loạt các video có nội dung như giáo viên dạy cách yêu, chửi bậy, phát ngôn gây sốc hay ăn mặc hở hang, khoe dáng ngày càng xuất hiện tràn lan. Những TikToker mượn danh sáng tạo nội dung giáo dục này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của người thầy, cũng như suy nghĩ của học sinh.
Dưới góc nhìn phụ huynh, anh Trần Trung Kiên (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vô cùng bức xúc khi xem những nội dung phản giáo dục như trên. “Nếu con tôi xem những video này, tôi sẽ cấm ngay lập tức”, anh Kiên nói.
Còn chị Nguyễn Minh Thu (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: “Có rất nhiều cách dạy học sinh bằng những bài giảng hữu ích chứ không phải là những video phản cảm trên TikTok. Những video này sẽ dẫn tới làm lệch lạc suy nghĩ, hành vi của học sinh”.
Ngăn chặn bằng cách nào?
Không ít người cho rằng TikTok đang quá lỏng lẻo trong việc kiểm soát nội dung nhất là những trào lưu "rác" như thế này xuất hiện trên xu hướng tìm kiếm.
TS Đoàn Trung Sơn - chuyên gia an ninh mạng phân tích, muốn hấp dẫn người dùng buộc TikTok phải sử dụng thuật toán mà có thể phổ biến thông tin càng nhanh càng tốt. Đây cũng là ưu thế cạnh tranh của TikTok so với nền tảng khác tại thời điểm hiện tại; đồng thời cái giá phải trả là có nhiều thông tin xấu độc xuất hiện.
Theo TS Đoàn Trung Sơn, việc TikTok điều chỉnh thuật toán để hạn chế phạm vi phổ biến thông tin là hoàn toàn có thể. Thực tế, các nền tảng khác cũng đã làm như vậy, buộc người dùng phải chi tiền quảng cáo nếu muốn thông tin có thể tiếp cận nhiều người dùng.
“Cá nhân tôi tin rằng khi qua giai đoạn tăng nóng của người dùng thì nền tảng này buộc phải quan tâm tới chất lượng thông tin. Nếu cho TikTok phát triển 1 thời gian nữa thì số lượng người dùng và nội dung sẽ bão hòa. Khi ấy sẽ kiểm soát được chất lượng thông tin. Số lượng thông tin tích cực càng nhiều thì dần lượng thông tin tiêu cực sẽ giảm”, TS Đoàn Trung Sơn nêu quan điểm.
Chuyên gia này cũng đánh giá, mạng xã hội rất dễ gây nghiện bởi vì sự hấp dẫn của các nội dung trong video. Các nền tảng như TikTok nói riêng và các mạng xã hội nói chung có tính thông tin đa chiều. Tiềm ẩn nhiều nội dung xấu độc.
“Với sự nhận thức có chừng mực của học sinh khi tiếp nhận thông tin đó sẽ dẫn tới những hành vi không mong muốn. Đồng thời việc người trẻ sử dụng TikTok quá nhiều có thể dẫn tới ảnh hưởng cuộc sống bên ngoài”, TS Đoàn Trung Sơn cảnh báo.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Sơn - chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên (Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) cho rằng, xuất phát điểm của TikTok là tốt, tạo ra một hiện tượng độc, lạ, để thể hiện bản thân, bán hàng tạo doanh số khủng... Nhưng không ít người dùng không hiểu về truyền thông bám theo trào lưu này biến những thứ độc lạ theo hướng tiêu cực như chửi bậy, khịa, nhây… để tạo thu hút, dẫn tới hiện tượng ai cũng muốn làm TikToker để nổi tiếng.
Ông Sơn phân tích, hệ lụy thực tế mà chúng ta có thể nhìn thấy được từ việc học sinh xem những thông tin "rác, bẩn" như nói tục, bạo lực, hành động phi văn hóa, phi đạo đức, phá luật lệ là học sinh hiện nay nói bậy nhiều hơn, kể cả những học sinh ngoan cũng cuốn theo trào lưu đó. Điều này làm lệch lạc trong hành động, bóp méo nhận thức của học sinh, ảnh hưởng lâu dài.
Về phía giáo viên, ông Sơn ủng hộ việc một số giáo viên sử dụng TikTok theo hướng tích cực hỗ trợ dạy học, hệ thống bài giảng để học sinh dễ nhớ bài. Tuy nhiên bên cạnh đó, không phủ nhận có hiện tượng giáo viên lợi dụng nền tảng này với mục đích quảng cáo, câu view.
Theo ông Sơn, TikTok cũng như các nền tảng mạng xã hội khác sử dụng thuật toán, nếu người dùng quan tâm tới những bài giảng thì TikTok sẽ liên tục xuất hiện những nội dung tích cực đó và ngược lại.
Ông Sơn ví những video xấu độc trên nền tảng mạng xã hội như bạo lực học đường, rất khó kiểm soát. Thế nên, cha mẹ thay vì cấm đoán hãy giáo dục gián tiếp bằng cách chia sẻ với con, giúp con hiểu được tác động của những video xấu độc sẽ ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe cảm xúc, trí tuệ và hành động của con.
Về phía những TikToker tự xưng là giáo viên cần nhận thức đúng đắn, những video có nội dung phản giáo dục sẽ làm hỏng hình ảnh, đạo đức nghề giáo.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần nâng cao nhận thức cho giáo viên và học sinh khi sử dụng mạng xã hội, bằng cách biến giờ sinh hoạt thành những trò chơi, có chiến dịch truyền thông có thể thay bằng các vở kịch, hay các cuộc thi. “Có rất nhiều cách làm, quan trọng là thầy cô có muốn làm hay không”, ông Sơn chia sẻ.