Khơi dậy động lực từ đô thị vệ tinh
Tới thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng việc vận hành thành công mô hình “thành phố trong thành phố” (TP Thủ Đức) sẽ giúp TP HCM tiếp tục có thêm nhiều kinh nghiệm để làm quy hoạch đô thị vệ tinh, vốn được xem là động lực để kinh tế thành phố tăng trưởng.
Từ điểm sáng Thủ Đức
Theo quy hoạch vùng TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, TPHCM là đô thị hạt nhân còn các đô thị vệ tinh hoạt động độc lập. Trong đó, ngoài TP Thủ Đức dự kiến xây dựng thêm các khu đô thị (KĐT) mới, gồm đô thị cảng Hiệp Phước, KĐT Tây Bắc, KĐT Bình Quới - Thanh Đa và KĐT du lịch biển Cần Giờ.
TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận phía Đông của TPHCM, gồm quận 2, 9 và Thủ Đức, đến nay đã cơ bản hình thành bộ khung của chính quyền đô thị đầu tiên trực thuộc TPHCM, với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. Nhờ đó, thu ngân sách nhà nước năm 2022 của Thủ Đức đạt tới gần 20.100 tỷ đồng, với nhiều thời điểm xếp trên cả Đồng Nai, Bình Dương, vốn dĩ đã là hai khu vực kinh tế phát triển tốp đầu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thế nhưng, mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước cũng còn tồn tại một số vấn đề nan giải, thậm chí được cho là lực cản đối với sự phát triển.
Báo cáo tại HĐND TPHCM mới đây, ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng đã khiến Thủ Đức buộc phải tạm dừng 11 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chiếm 11/17 dự án của toàn TPHCM. Theo ông Tùng, dù luôn mong muốn các dự án trên địa bàn được thực hiện sớm nhất nhưng trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế thành phố phải dồn lực cho các dự án trọng điểm. Ông Tùng cũng chỉ ra các ách tắc liên quan đến công tác giải quyết thủ tục hành chính cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố; cần chấn chỉnh và đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ.
Nếu như TP Thủ Đức đóng vai trò động lực kinh tế và hình thành mô hình đô thị sáng tạo tương tác cao, KĐT Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) được định hướng trở thành đô thị vệ tinh đa chức năng, có tính đặc thù của đô thị ven cảng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị TPHCM ra biển. Đối với KĐT Tây Bắc (huyện Củ Chi) hiện nay đã bồi thường, giải phóng mặt bằng được gần 3.400 ha của giai đoạn 1. TPHCM cũng đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh phân khu tỉ lệ 1/5.000 nhằm tính toán lại quy mô và hiệu quả kêu gọi đầu tư.
Quy hoạch cần tầm nhìn xa
Theo KTS Nguyễn Văn Biểu - Giám đốc Công ty TNHH Bhomes, thành công của TP Thủ Đức sau khi đi vào hoạt động được hơn 2 năm đã chứng tỏ những thuận lợi và kinh nghiệm rất lớn của TPHCM khi thí điểm các mô hình đô thị vệ tinh. Mô hình này đã giải quyết được 2 nhu cầu lớn nhất của thành phố là tạo chỗ ở mới và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động vùng ven, nhất là trong bối cảnh số dân TPHCM đang tăng trưởng nhanh.
Cũng theo ông Biểu, các đô thị vệ tinh vốn đã được TPHCM “thai nghén” từ lâu, cùng thời điểm hình thành KĐT mới Thủ Thiêm tại TP Thủ Đức hiện nay, tuy nhiên chưa thể triển khai đúng theo kế hoạch cũng đều do vướng về cơ chế, chính sách.
Đồng tình, nhiều ý kiến ví von điểm nghẽn của TP Thủ Đức dù đã thành lập 2 năm nhưng vẫn vướng do “mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh”. Hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã là “thuốc thử” liều cao cho bộ máy chính quyền đô thị “thành phố trong thành phố”. Chỉ riêng việc phải tiếp nhận lượng hồ sơ, công việc tồn đọng rất lớn ở những phường cũ sau khi sáp nhập, dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức phải chịu nhiều áp lực, nhiều người phải xin nghỉ việc.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng đối với đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức cũng như TPHCM thì TP Thủ Đức do là một vùng trũng nên phải đối mặt với tình trạng ngập nước kinh niên hàng năm. Tình trạng ngập úng nguy cơ ngày càng nghiêm trọng khi chịu tác động bởi sụt lún địa hình, biến đổi khí hậu, lượng mưa, mực triều ngày càng tăng nhanh như hiện nay. Dù vậy, các đề án chống ngập hiện tại của TP Thủ Đức lại chưa làm rõ được các giải pháp toàn diện để kiểm soát ngập cho trung và dài hạn.
Kẹt xe và ngập nước cũng sẽ là các vấn đề của các đô thị vệ tinh đang được quy hoạch dài hạn của TP HCM. Trong đó, KTS, Kỹ sư Trần Văn Phương, chuyên gia về quy hoạch - kiến trúc tại TP HCM từng lưu ý quá trình quy hoạch về dân số và phát triển KĐT du lịch biển Cần Giờ phải tính đến các tác động để thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đồng thời, chuyên gia cũng chỉ ra rằng khu vực Cần Giờ với dân số hiện tại chỉ khoảng hơn 71.000 dân nhưng khi quy hoạch đô thị vệ tinh có thể tăng lên 3 lần so với hiện tại là quá nhiều và kèm theo đó là các khó khăn rất lớn về quản lý hạ tầng, đô thị.