Rủi ro khi chuyển nhượng sổ tiết kiệm
Kể từ khi mặt bằng lãi suất huy động giảm, hoạt động chuyển nhượng sổ tiết kiệm bỗng trở nên sôi động. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành tài chính, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm đã được pháp luật công nhận với quy định cụ thể, song người tham gia giao dịch vẫn cần cẩn trọng...
Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 đã có quy định về việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm. Theo đó, sổ tiết kiệm cũng được coi là giấy tờ có giá trị và người chủ sở hữu có đầy đủ các quyền định đoạt tài sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
Nở rộ mời chào chuyển nhượng sổ tiết kiệm
Trên hội nhóm ở mạng xã hội có tên “Gửi tiết kiệm ngân hàng”, một khách hàng đăng tin: Em đang có 2 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 500 triệu đồng gửi ở ngân hàng N. đáo hạn tháng 12/2023. Sổ đã gửi 7 tháng, lãi suất 12,85%. Mức giá mong muốn cho 2 sổ thời điểm hiện tại là 1045 triệu (1 tỷ 0 trăm 45 triệu đồng – PV). Mọi người có thể mua lại 1 sổ và ra quầy của N. để làm thủ tục nhanh gọn.
Không chỉ mua bán trực tiếp, hiện tại thị trường còn xuất hiện một số cá nhân hoặc tổ chức làm trung gian mua bán sổ tiết kiệm.
Cũng trên một nhóm có tên “Gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng”, tài khoản Nhung Ruby rao tin: “Có bác nào cần rút tiền tiết kiệm trước hạn nên chuyển nhượng sổ tiết kiệm lãi suất cao hoặc bạn ngân hàng nào có khách cần rút sổ tiết kiệm trước hạn thì liên hệ mình nhé”.
Tài khoản này cũng thông tin thêm: “Người mua rút tiền trước hạn vẫn được hưởng lãi suất cao theo thoả thuận mà không bị về mức lãi suất không kỳ hạn. Miễn phí chuyển nhượng sổ tiết kiệm”.
Chị Nguyễn Thị T. (Ba Đình, Hà Nội) cho biết do có khoản thu nhập định kỳ 3 tháng một lần nên chị thường xuyên đi gửi tiết kiệm ngân hàng. Hồi cuối năm ngoái, chị đã gửi một sổ tiết kiệm trị giá 300 triệu đồng với lãi suất 11,5%/năm. Đầu tháng 5, chị tiếp tục mang tiền đi gửi ngân hàng, nhưng lãi suất cùng kỳ hạn đã giảm xuống chỉ còn hơn 8%/năm. Theo nhân viên ngân hàng, hiện nay lãi suất huy động không vượt quá 9%/năm nên tất cả các ngân hàng đều hạ lãi suất.
Chị T. sau đó đã được một giao dịch viên tư vấn mua lại sổ tiết kiệm đang có lãi suất lên tới 12%, kỳ hạn còn lại là 8 tháng. Theo nhân viên tư vấn, sổ tiết kiệm này do khách hàng nhờ giới thiệu người để sang nhượng lại, do có nhu cầu tiền gấp nhưng không muốn tất toán vì sẽ bị mất gần hết phần lãi.
Thực tế, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm không phải là mới. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Tại sao thời điểm này, việc sang nhượng sổ tiết kiệm lại bùng nổ như vậy? Số liệu biểu bảng lãi suất huy động cho thấy, nếu hồi đầu tháng 3/2023, có tới 10 ngân hàng niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng từ 9-9,5%/năm, lác đác một số ngân hàng huy động từ 9-9,3%/năm cho các kỳ hạn 6 và 9 tháng thì nay chỉ còn một vài ngân hàng áp dụng lãi suất từ 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, lãi suất các kỳ hạn ngắn hơn đều đã giảm sâu xuống, phổ biến giảm từ 0,3-0,5%/năm.
Theo phân tích của giới chuyên gia tài chính, do ngân hàng đã giảm lãi suất và thấp hơn mức lãi suất được rao bán trên mạng nên nhiều người muốn chuyển nhượng sổ tiết kiệm để kiếm lời. Nhiều chủ sở hữu sổ tiết kiệm có việc cần tới tiền mà ngày đáo hạn vẫn chưa tới. Nếu rút sớm thì không được hưởng mức lãi suất đang được hưởng mà chỉ được hưởng mức lãi suất không kỳ hạn. Và như vậy, người gửi tiết kiệm cảm thấy bị mất một lượng tiền không nhỏ. Chính vì vậy nếu thực hiện việc chuyển nhượng lại, người gửi tiền sẽ tránh được sự thiệt thòi này. Còn với người mua, họ có thể được hưởng lãi suất cao hơn so với việc lập sổ mới.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm cũng phải thực hiện một số thủ tục nên việc mua bán lại sổ này chỉ hấp dẫn với những trường hợp, số tiền trao đổi lớn, chủ sổ tiết kiệm chịu hy sinh một phần lãi ngân hàng mình được hưởng cho người mua sổ. Đặc biệt, nhiều người lo ngại việc chuyển nhượng này sẽ bị lừa, bởi gần đây thông tin về các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội khá phổ biến.
Ông N.Đ.T (Hưng Yên) là một khách hàng có sổ tiết kiệm được gửi vào giai đoạn lãi suất cao hồi cuối năm 2022, nhưng nay đang cần vốn gấp mà không muốn mất đi phần lãi trước đó. Ông T. cho biết, ông có 3 cuốn sổ tiết kiệm gửi ở ngân hàng SCB lãi suất cao vì được cộng nhiều ưu đãi, đáo hạn vào tháng 1/2024. Thời điểm này ông có việc riêng gia đình cần giải quyết bằng tiền mặt. Dù đã tìm hiểu nhiều thông tin, chẳng hạn như được rút tiền gửi từng phần, hay chuyển nhượng sổ tiết kiệm để giữ được phần lãi đã gửi nhưng ông N.Đ.T vẫn không khỏi lắng. “Tôi chưa biết trường hợp nào cụ thể đã thực hiện chuyển nhượng sổ tiết kiệm cho người lạ nên chưa hiểu đàm phán với bên mua lại sổ như thế nào ” - ông T. nói.
Thực hiện theo đúng quy định
Theo Thông tư số 48, quy định tiền gửi tiết kiệm, quy định chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm được thực hiện như sau: Tổ chức tín dụng hướng dẫn người gửi tiền cách thực hiện chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm hợp pháp. Trường hợp sổ được chuyển nhượng theo thừa kế, đối tượng nhận sang tên cần đảm bảo là công dân Việt Nam (nếu là sổ gửi bằng đồng Việt Nam), hoặc công dân Việt Nam là người cư trú (nếu sổ gửi bằng ngoại tệ).
Tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng hiện nay, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm yêu cầu hoàn thiện giấy tờ cả 3 bên: chủ cũ, chủ mới, ngân hàng chủ quản. Vì thế, thủ tục này chỉ được thực hiện tại chi nhánh/ phòng giao dịch dưới sự hỗ trợ trực tiếp của giao dịch viên.
Phí sang tên sổ tiết kiệm của các ngân hàng hiện nay đang dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/ lần/ sổ hoặc tài khoản. Tùy thuộc ngân hàng mà mức phí này được quy định khác nhau.
Dù việc chuyển nhượng, mua bán có lợi cho cả 2 bên, nhưng các chuyên gia cho rằng, người chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng cần tuân thủ các quy định tại Thông tư 48 để tránh rủi ro. Bởi nếu việc chuyển nhượng được thực hiện ngoài ngân hàng thông qua các hình thức như ký hợp đồng ủy quyền nhận tiền thay khi đến hạn vẫn tiềm ẩn rủi ro vì bên ủy quyền có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Lúc này, ngân hàng sẽ không có trách nhiệm giải quyết do việc chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết việc mua bán – chuyển nhượng sổ tiết kiệm lãi suất cao cũng diễn ra ở các nước trên thế giới. Vì có cung ắt sẽ có cầu, tuy nhiên cần thực hiện theo đúng quy luật để tránh các phát sinh gây tranh cãi, kiện tụng về sau.
Luật sư Nguyễn Ba Đô (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm được pháp luật quy định rất rõ ràng, nhưng hiện nay do có tình trạng mua bán thông tin, rồi tìm kiếm thông tin cá nhân từ trang mạng xã hội, nhiều cá nhân thật thà trao đổi dữ liệu cá nhân. Từ đó kẻ xấu, kể gian đã thực hiện các âm mưu lừa đảo dựa trên nguồn thông tin thu thập được trên không gian mạng.
“Để tránh việc bị lừa đảo, người cần chuyển nhượng và người có nhu cầu nhận chuyển nhượng nên hỏi kỹ thông tin tại ngân hàng. Nếu cung – cầu gặp nhau, việc giao dịch cần có sự hướng dẫn của nhân viên ngân hàng. Như vậy vừa tránh rủi ro, vừa đảm bảo lợi ích tối đa cho cả hai bên mà không bị tốn phí cho bên môi giới” – ông Đô nhấn mạnh.
Các bước chuyển nhượng sổ tiết kiệm:
Chủ nhân hiện tại và người được chuyển nhượng, cùng đi tới chi nhánh/ phòng giao dịch ngân hàng nơi mà người chuyển nhượng đã mở sổ tiết kiệm.
Ngân hàng sẽ cung cấp cho chủ sở hữu sổ tiết kiệm giấy chuyển nhượng sổ tiết kiệm và yêu cầu điền thông tin đầy đủ, chính xác vào đó. Mỗi ngân hàng sẽ có một mẫu giấy chuyển nhượng sổ tiết kiệm riêng.
Bên thực hiện chuyển nhượng sổ tiết kiệm nộp lại giấy chuyển nhượng sổ tiết kiệm cùng chi phí theo yêu cầu của ngân hàng cấp sổ.
Nhân viên ngân hàng sau khi nhận đầy đủ giấy tờ cần thiết sẽ tiến hành xác thực lại những gì đã được kê khai trong giấy chuyển nhượng sổ tiết kiệm và thực hiện các thao tác chuyên môn.
Cuối cùng, thủ tục hoàn thành, người được chuyển nhượng sẽ giữ một tờ giấy chuyển nhượng sổ tiết kiệm và ngân hàng giữ một bản.
Khi người nhận chuyển nhượng cần tất toán sổ tiết kiệm thì chỉ cần mang theo chứng minh thư nhân dân, sổ tiết kiệm và giấy chuyển nhượng đến ngân hàng làm thủ tục tất toán. Số tiền gửi cũng như khoản tiền lãi không hề bị ảnh hưởng bởi sự chuyển nhượng này.
Trong đó cần lưu ý để thực hiện chuyển nhượng thành công, khách hàng cần nhớ: Chữ ký của người chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm phải đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký với ngân hàng mở sổ. Một sổ tiết kiệm được chuyển nhượng quyền sở hữu tối đa 2 lần. Số tiền chuyển nhượng quyền sở hữu sổ tiết kiệm là toàn bộ số dư gốc và lãi chưa lĩnh tính đến ngày chuyển quyền sở hữu đó.