Lấy phiếu tín nhiệm để 'tự soi, tự sửa'
Liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, qua đó để “tự soi, tự sửa”, lãnh đạo tốt hơn chứ không phải soi tìm khuyết điểm.
PV: Cá nhân ông đánh giá như thế nào về lần kiểm điểm này?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Tại các cuộc họp Trung ương thường kỳ, Trung ương đều gắn kiểm điểm của trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo giữa 2 kỳ họp đó. Lần này có cái khác là Trung ương kiểm điểm nửa nhiệm kỳ, nghĩa là có những yêu cầu khác hơn, cao hơn. Trước hết là đánh giá về sự lãnh đạo của Trung ương, đặc biệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư như thế nào trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa rồi. Trong đánh giá sự lãnh đạo ấy tổng kết được mặt mạnh, thành công nổi bật trong lãnh đạo, mặt còn hạn chế, từ đó rút ra bài học cần thiết để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Nhất là về phương thức lãnh đạo theo Nghị quyết Trung ương 6 để hoàn thành tốt các mục tiêu của Đại hội XIII đã đề ra.
Trong phần kiểm điểm đánh giá, có sự đánh giá về những thành tựu, thành công trong xây dựng phát triển đất nước trong nửa nhiệm kỳ có thành tựu gì nổi bật, chỉ ra các thách thức khó khăn trong nửa nhiệm kỳ qua. Rồi những vấn đề mới, thách thức đặt ra hiện nay để từ đó Trung ương có những quyết sách quan trọng để thực hiện tốt hơn mục tiêu của Đại hội XIII đã nêu ra và tổng kết khách quan, trung thực để đi đến mục đích nửa sau nhiệm kỳ khóa XIII thì Đảng lãnh đạo tốt hơn; Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo tốt hơn. Đất nước phát triển thuận hơn để khắc phục được khó khăn thách thức mới nảy sinh. Bởi theo đánh giá của cá nhân tôi, hiện nay đang có nhiều thách thức mới, kể cả tác động từ quốc tế và trong nước.
Lần này dự thảo Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ có đề cập và đánh giá về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực. Đó có phải là điểm mới, thưa ông?
- Đây là vấn đề nằm trong công tác xây dựng Đảng. Bởi trong xây dựng Đảng có đánh giá kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ thế nào? phương thức lãnh đạo ra sao? Qua kiểm điểm để thấy “xây” thành công như thế nào? Còn “chống” thì phải tập trung vào chống những biểu hiện mà Hội nghị Trung ương 4 các khóa XI, XII, XIII đã chỉ ra. Đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong sự suy thoái có vấn đề tham nhũng, tiêu cực. Cần đánh giá kỹ về thành công trong công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn vừa rồi. Đặc biệt, là vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và việc thành lập các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực. Đây cũng là “xây” và “chống” trong xây dựng Đảng.
Tôi nhấn mạnh rằng, quan điểm rất cơ bản của Đại hội XIII về xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn liền với “xây dựng hoàn thiện hệ thống chính trị”.
Theo ông, việc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ giúp ích như thế nào cho việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII?
- Mỗi người, từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư đều phải viết tự kiểm điểm, tự đánh giá của mình. Trên cơ sở đó Trung ương sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả của đánh giá cũng là lấy phiếu, do đó lấy phiếu trung thực, khách quan, với tinh thần xây dựng để sửa chữa phần chưa làm tốt, và phát huy tốt phần làm được để có thể lãnh đạo tốt hơn trong thời kỳ mới.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ. Và đó chính là dịp để giúp người được lấy phiếu “tự soi”, “tự sửa” tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện thưa ông?
- Lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai từ khóa XI, XII. Lần này triển khai lấy phiếu trên cơ sở kinh nghiệm từ các lần lấy phiếu trước đó. Nhưng quan trọng là qua lấy phiếu để lãnh đạo tốt hơn chứ không phải để soi tìm khuyết điểm. Đây sẽ là cơ sở để tới đây chúng ta lấy phiếu tại Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị. Trên cơ sở Đảng làm trước thì sau này các cơ quan khác trong hệ thống chính trị sẽ làm sau, đạt được kết quả tốt.
Trân trọng cảm ơn ông!