Tọa đàm 'Lỗ hổng an toàn hàng không: Xử lý thế nào?'
Đảm bảo an toàn hàng không là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt trong công tác đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết phát hiện có dịch vụ hỗ trợ bay cho hành khách không giấy tờ tuỳ thân, gióng lên ‘hồi chuông’ về lỗ hổng’ an toàn hàng không.
Theo quy định, nếu không có giấy tờ tùy thân thì hành khách không đủ điều kiện lên máy bay nhưng qua đường dây hỗ trợ bay trên mạng, hành khách chỉ cần chuyển khoản đến các đại lý bán vé từ 1-3 triệu đồng sẽ được ‘tạo điều kiện’ bay nội địa trên các chuyến của các hãng hàng không…
Hiện nay, không có trường hợp nào ngoại lệ trong việc thiếu giấy tờ tùy thân khi lên máy bay. Theo quy định thì kể cả bản chụp hay photo (không công chứng) giấy tờ tùy thân cũng đều là không hợp lệ và bị từ chối lên máy bay.
Để đảm bảo an toàn hàng không theo hướng phù hợp với chủ trương về cải cách hành chính và chuyển đổi số mà vẫn nâng cao được tiện ích cho hành khách thì chúng ta cần có những giải pháp như thế nào từ trạng trạng vừa nêu ở trên?
Hôm nay, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi toạ đàm LỖ HỔNG AN TOÀN HÀNG KHÔNG: XỬ LÝ THẾ NÀO? để làm rõ các vấn đề báo đã nêu và mong muốn có một giải pháp đảm bảo an toàn cho công tác an ninh trật tự, cũng như an toàn tính mạng cho hành khách khi bay.
Tham dự buổi toạ đàm, thay mặt Ban Tổ chức tôi xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời:
1. ÔngTô Tử Hùng - Trưởng Phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam
2. Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV
3. Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu – chuyên gia ‘giải mã’ tội phạm học
4. Hoa hậu Du lịch Việt Nam Lương Kỳ Duyên
5. Luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng luật sư Tín Việt và Công sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.
6. Doanh nhân Nghiêm Bỉnh Thuận – Tổng Giám đốc Tập đoàn Nhà phố - khách hàng thường xuyên của các hãng hàng không
Và cũng được xin trân trọng giới thiệu tân Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022 Kỳ Duyên – ngoài vai trò khách mời sẽ đồng hành với vai trò MC của buổi toạ đàm hôm nay.
Hoa hậu Lương Kỳ Duyên:Để buổi toạ đàm được bắt đầu, xin trân trọng kính mời nhà báo Lê Anh Đạt – Quyền Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết phát biểu khai mạc tọa đàm.
Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết: Vừa qua, Báo Đại Đoàn Kết đã thực hiện loạt phóng sự điều tra “Lỗ hổng an toàn hàng không”. Đây là loạt bài điều tra công phu của phóng viên báo trong suốt 3 năm qua. Loạt bài viết đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả, người dân và cơ quan chức năng các cấp.
Nhưng trong khuôn khổ các bài báo sẽ không thể chuyển tải hết thông tin, vì vậy, với mục đích nhằm tìm kiếm các giải pháp góp phần ‘vá lỗ hổng an toàn hàng không’ và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách bay an toàn, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức tọa đàm “Lỗ hổng an toàn hàng không: Xử lý thế nào?”. Toạ đàm là cách làm báo hiện đại và khách quan để đại diện Cục An ninh Hàng không, các luật sư, chuyên gia hàng không và các những hành khách, bạn đọc soi chiếu vấn đề.
Loạt phóng sự điều tra kỳ công, 4 kỳ của Báo Đại Đoàn Kết chỉ ra rằng, có những nhóm hoạt động công khai, rầm rộ ‘hỗ trợ bay không giấy tờ tuỳ thân” trên mạng xã hội và các hội, nhóm kín Face Book, Zalo, Viber… nhiều khách hàng có thể lên tàu bay mà không cần giấy tờ tuỳ thân.
Loạt bài chỉ ra những ‘lỗ hổng của an toàn hàng không’, nêu lên hiện tượng ban đầu để các nhà chức trách, những người có trách nhiệm liên quan có những giải pháp thực tế, đảm bảo an toàn bay cho hành khách, người dân.
“Qua đây, tôi cũng xin trao đổi với những con người, cá nhân, đơn vị, tổ chức… mà loạt bài điều tra của Báo Đại Đoàn Kết nhắc trong bài viết là: Chúng tôi không hướng đến những câu chuyện soi mói cá nhân, nhưng câu chuyện phản ánh của báo chí, chúng tôi phải nêu lên. Qua loạt bài, mục đích hướng đến của báo là câu chuyện về ‘lỗ hổng chính sách’ nhằm ‘hoá giải’ vì cộng đồng, quốc gia”, nhà báo Lê Anh Đạt nhấn mạnh.
Nhà báo Lê Anh Đạt cũng cho biết, Báo Đại Đoàn Kết là cơ quan ngôn luận của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó chức năng quan trọng của báo là giám sát và phản biện. Báo Đại Đoàn Kết có 2 mục đặc biệt quan trọng là Tiếng dân, Giám sát phản biện.
Câu chuyện dịch vụ bay có ‘lổ hổng’, Báo Đại Đoàn Kết hướng đến có sự thay đổi về chính sách hoàn chỉnh hơn, tạo ra tiện ích bay đảm bảo chuyến bay an ninh, an toàn, hướng đến sự an toàn lớn cho người dân, quốc gia.
“Qua diễn đàn, mong các vị chuyên gia, khách mời cùng chỉ ra những giải pháp để ‘vá lỗ hổng an toàn hàng không’. Các bạn đọc, người dân, cộng đồng có thêm kinh nghiệm để tham gia chuyến bay an toàn để những chuyện đáng tiếc không xảy ra”, Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt nhấn mạnh.
Trên đây là video clip tóm tắt về quá trình điều tra trong khoảng nhiều năm của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết khi thâm nhập các hội nhóm trên mạng xã hội có rao và chạy quảng cáo về việc hỗ trợ bay không giấy tờ diễn ra tại nhiều cảng hàng không trên cả nước.
Nhà báo Công Khanh: Thưa quý vị độc giả và quý vị khách mời, qua phóng sự do phóng viên Đại Đoàn kết thực hiện cho thấy có sự xuất hiện lỗ hổng an toàn bay khi nhiều người không có giấy tờ tuỳ thân nhưng bằng cách ‘đặt đúng cửa’ đã được dẫn lên tàu bay. Điều này đã được phóng viên Đại Đoàn Kết phản ánh trong loạt bài về Lỗ hổng an toàn hàng không đăng trên báo Đại Đoàn Kết thời gian vừa qua.
Câu hỏi đầu tiên của buổi tọa đàm xin dành cho ông Tô Tử Hùng, Trưởng Phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam: Thưa ông, đối với các hãng hàng không trên thế giới thì yêu cầu về an toàn hàng không được đặt ra như thế nào? Ông có thể cung cấp thông tin để bạn đọc hình dung toàn cảnh về tình hình an toàn hàng không trên thế giới và có so sánh với tình hình của chúng ta hiện nay?
Ông Tô Tử Hùng: Đại diện Cục Hàng không dân dụng, tôi rất vui và vinh dự khi được tham gia diễn đàn ngày hôm nay. Tôi tin rằng, diễn đàn của Báo là diễn đàn tốt để trao đổi dưới góc nhìn chuyên gia, cũng như người dân có thể an tâm khi sử dụng dịch vụ hàng không.
Trong 5 phương tiện giao thông vận tải, ngành hàng không dân dụng có tốc độ cao nhất, nhanh nhất, chúng ta sử dụng dịch vụ vận tải này với nhu cầu tiết kiệm thời gian. Tính nhanh, cao tốc của ngành này đòi hỏi những yêu cầu rất chặt chẽ. Chúng tôi rất hoan nghênh những ý kiến của người sử dụng, người dân để làm tốt công việc này.
Nói về công tác đảm bảo an toàn hàng không dân dụng, đây là vấn đề không chỉ với phạm vi trong nội bộ đất nước mà mang tính phạm vi toàn cầu. Một chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội có thể kết nối ngay sau đó đến Paris (Pháp). Tính kết nối quốc tế rất cao nên các quy định pháp luật tại Việt Nam thể hiện những tiêu chuẩn chung của quốc tế.
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đưa ra các quy chuẩn chặt chẽ và những khuyến cáo thực hành. Trong đó, các tiêu chuẩn bắt buộc chính phủ Việt Nam phải thực hiện và khuyến cáo thực hành phải được thực hiện ở mức cao nhất có thể.
Trong đó, việc quy định về các giấy tờ khi bay đã được thể hiện rất nhiều vụ việc trên thế giới. Chúng ta đã phải trả giá bằng rất nhiều sinh mạng và thiệt hại với ngành hàng không dân dụng.
Vào năm 1976, chuyến bay của hãng hàng không Cuba có 2 kẻ khủng bố đã lên tàu bay, sử dụng nhân thân giả, giấy tờ giả. Và đặt bom trên chuyến bay 73 hành khách. Vào năm 1985, vụ đánh bom nổi tiếng của hãng hàng không Ấn Độ, dùng tên giả và tìm cách xuống khỏi máy bay, 329 người bị tài sát. Gần đây nhất, năm 2014 có vụ mất tích máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia, trong đó có 2 cuốn hộ chiếu nằm trong danh sách hộ chiếu mất cắp, tuy nhiên phía Malaysia đã không phát hiện được và có 2 hành khách đã mua 2 cuốn hộ chiếu đó để lên máy bay với mục đích tìm kiếm tị nạn.
Hội đồng điều hành ICAO đã ra những nghị quyết để yêu cầu các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam làm đúng các tiêu chuẩn. Về tiêu chuẩn quốc tế, chúng ta có sử dụng hộ chiếu, trên đó có một dãy mã đọc được bằng máy. Tương lai gần sẽ có hộ chiếu gắn chip với các sinh trắc học.
Để phục vụ ngành hàng không dân dụng, rất quan trọng về những người được huấn luyện, đào tạo về chuyên ngành này. Hiện nay, trong quy định pháp luật có 16 loại nhân viên hàng không. Có nhiều người phục vụ công tác này chúng ta thấy thường xuyên, nhưng cũng có người phục vụ âm thầm, chúng ta không nhìn thấy.
Những nhân viên hàng không dân dụng sẽ yêu cầu được huấn luyện trong các cơ sở đào tạo, tham gia các kì thi chính thức để có thể tác nghiệp. Định kì hàng năm hoặc 2 năm, họ phải thực hiện sát hạch để kiểm tra năng lực.
Công tác đạo đức nghề nghiệp trong ngành này rất quan trọng bằng một “trái tim nóng, cái đầu lạnh”. Đây là ngành làm dâu trăm họ khi phải phục vụ rất nhiều hành khách. Các nhân viên hàng không cần hành xử về mặt đạo đức, văn hoá thông tin. Một số người làm công tác an toàn bay thì đạo đức nghề nghiệp là quan trọng nhất để đảm bảo sự an toàn như những người làm công tác soi chiếu, kiểm soát hàng không dân dụng.
Nhà báo Công Khanh: Xin cảm ơn thông tin mà ông Tô Tử Hùng đã cung cấp về các quy trình, quy định an toàn, an ninh hàng không của các nước trên thế giới. Quay trở lại với vấn đề trong nước, xin được hỏi Hoa hậu Lương Kỳ Duyên, chắc chắn hoa hậu thường xuyên di chuyển bằng máy bay, qua clip vừa rồi chị có suy nghĩ gì? Có điều gì làm chị băn khoăn, lo lắng trước thực tế này không?
Hâu hậu Kỳ Duyên: Qua clip vừa rồi, bản thân tôi nhận thấy khâu giấy tờ đảm bảo quan trọng cho mỗi hành khách khi sử dụng dịch vụ hàng không. Là một người thường xuyên sử dụng dịch vụ hàng không, tôi nhận thấy nếu không có đủ giấy tờ sẽ là yếu tố gây cản trở, trở thành bất cập cho mỗi hành khách.
Vừa rồi, sau khi được nghe Trưởng phòng An ninh hàng không, ông Tô Tử Hùng phân tích về những lỗ hổng hàng không, tôi hi vọng qua tọa đàm hôm nay sẽ đưa ra các giải pháp nhằm vá những “lỗ hổng” trong ngành hàng không.
Loạt bài của Báo Đại Đoàn Kết nhận sự quan tâm đặc biệt
Nhà báo Công Khanh: Thưa ông Tô Tử Hùng, sau vụ 4 nữ tiếp viên xách "hàng cấm" xôn xao dư luận thời gian vừa qua, có nhiều câu hỏi đặt ra đối với việc kiểm soát an ninh đặc biệt là kiểm soát hành khách. Lỗ hổng trong khâu kiểm soát giấy tờ hiện nay nếu không bịt kịp thời sẽ có nguy cơ đối tượng buôn lậu, xách hàng cấm… sẽ lợi dụng, gây khó khăn cho quá trình điều tra, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Tô Tử Hùng: Năm 2022, chúng tôi vừa có một đợt thanh sát của ICAO trong đánh việc tuân thủ các tiêu chuẩn hàng không dân dụng quốc tế. Ai đi tàu bay cũng đều có những lo lắng. Chúng ta có thể an tâm vì tính từ vụ tai nạn hàng không cuối cùng, tại Việt Nam hơn 20 năm trở lại đây không có vụ tai nạn hàng không gây chết người.
Vấn đề giấy tờ nhân thân rất quan trọng khi sử dụng dịch vụ hàng không, mang tính bắt buộc về mặt pháp luật. Người dân bắt buộc phải tìm hiểu kĩ các quy định pháp luật trước khi bay.
Việt Nam cũng có những quy định rất rõ ràng về việc mang giấy tờ tuỳ thân khi lên tàu bay, trong đó có khoảng 14 loại giấy tờ chứng minh nhân thân khi bay trong nước. Khi đi quốc tế, bắt buộc phải có giấy tờ nhận dạng ảnh,… Các loại giấy tờ này giúp các nhân viên hàng không đánh giá về mặt tiêu chí của những hành khách đi tàu bay có đúng người đó hay không. Việc xác thực nhân thân rất quan trọng.
Giấy tờ tuỳ thân còn liên quan đến việc bồi thường nếu tàu bay có sự cố.
Bên cạnh đó, giấy tờ tuỳ thân còn liên quan đến việc đảm bảo an toàn bay. Khi xử lí các tình huống xảy ra như hành khách không có đủ các giấy tờ yêu cầu, có rất nhiều cách ở sân bay cũng như hãng hàng không để xác minh. Có rất nhiều cơ quan cũng có thể tham gia xác minh.
Khi bài đầu tiên trong loạt bài của Báo Đại Đoàn Kết đăng tải, tôi thấy có nói đến từ “lỗ hổng”. Trong ngành hàng không chúng tôi rất sợ từ này. Loạt bài của Báo Đại Đoàn Kết đã được các cấp của Cục Hàng không, Bộ GTVT rất quan tâm và đã có những văn bản chỉ đạo.
Chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu và xác minh những ai đã mặc đồng phục sân bay, các hãng hàng không để tham gia tư lợi, tiếp tay. Chúng tôi cũng đã thực hiện chỉ đạo xuyên suốt của các cấp uỷ Đảng là kiên quyết, kiên trì, thường xuyên và không có vùng cấm về việc tuân thủ nghiêm túc những quy định pháp luật cũng như có sự nhân văn trong khi áp dụng.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 1745 ngày 7/4/2023 để yêu cầu tiếp tục tăng cường kỉ luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Cùng ngày, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam và Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã có những văn bản gửi quý báo đề nghị cung cấp thông tin. Nếu có việc nhận tiền để làm dịch vụ, trục lợi như quý báo đã nêu thì nó đã vi phạm về quy trình, quy tắc, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp và văn hoá doanh nghiệp của các cảng hàng không và các hãng hàng không.
Phản ánh của báo trên phạm vi rất rộng, không chỉ tại các cảng hàng không mà còn đến các hãng hàng không. Chúng tôi khẳng định không thể dung túng cho đường dây hay bất cứ cá nhân nào nếu có hành vi vi phạm như báo đã nêu.
Qua toạ đàm, chúng tôi cũng muốn làm sao để nâng cao nhận thức phòng hơn chống. Nếu ai cũng mang theo đủ giấy tờ nhân thân thì sẽ không có những đối tượng lợi dụng để trục lợi.
Loạt bài này đã giúp xã hội phát hiện ra một thủ đoạn trục lợi
Nhà báo Công Khanh: Bạn đọc Đại Đoàn Kết nêu vấn đề rằng, các đại lý ngang nhiên tự thu tiền, tự thỏa thuận hỗ trợ hành khách không giấy tờ được lên máy bay, phía sau còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ. Thưa Thượng tá, Tiến sĩ, chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu, ông có nhìn nhận như thế nào về thực trạng này. Việc không có giấy tờ tùy thân nhưng vẫn được lên tàu bay sẽ để lại những hệ quả như thế nào đến với xã hội và đặc biệt là câu chuyện an toàn hàng không?
TS Đào Trung Hiếu: Cảm ơn câu hỏi của nhà báo Nguyễn Công Khanh và ông Tô Tử Hùng đã cung cấp những thông tin sâu tại buổi toạ đàm hôm nay.
Tôi là người công tác trong ngành an ninh nên nắm sâu về vấn đề này và khẳng định rằng Hàng không dân dụng Việt Nam là một trong những môi trường rất an toàn. Trong nhiều năm qua, Hàng không Việt Nam không xảy ra nhiều sự cố lớn. Số liệu thống kê trong năm 2022 có hơn 600 sự cố, sự việc xảy ra, chủ yếu liên quan tới giấy tờ. Đây là sự nỗ lực cố gắng rất nhiều của ban ngành.
Trở lại loạt bài 4 kỳ của Báo Đại Đoàn Kết, cá nhân tôi khi tiếp cận loạt bày này có sự ngỡ ngàng. Tôi đánh giá đây là tác phẩm báo chí công phu, với tài liệu chứng cứ thu thập đầy đặn, chặt chẽ, xác định sự việc là có thật. Loạt bài báo cho chúng ta thấy được có sự liên kết giữa các đại lý bán vé máy bay với nhân viên các hãng hàng không với những cán bộ chức trách hoạt động tại sân bay. Việc này cơ quan chức năng đã nhận diện.
Phải xác định rằng, loạt bài này đã giúp xã hội phát hiện ra một thủ đoạn trục lợi từ hoạt động lĩnh vực an toàn hàng không. Ở đây câu chuyện tồn tại ở một bộ phận nhân viên, thành viên cá biệt lợi dụng từ “nhân văn” để có hoạt động trục lợi này với mục đích kiếm thêm.
Trước hết phải xác định rằng, đây là việc làm sai trái mà cơ quan chức năng sẽ giải quyết để làm trong sạch, bảo đảm an toàn an ninh hàng không. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia. Nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ danh tính của khách hàng thì chuyến bay đó có thể rơi vào một số nguy cơ như: đối tượng khủng bố, phạm tội bỏ trốn, trộm cắp tài sản.
Vì vậy, để lọt những người không rõ danh tính trên máy bay là vi phạm nghiêm trọng quy định của hàng không Việt Nam. Đây là hiện tượng cá biệt nhưng cần thiết nhận diện để bịt lỗ hổng trong công tác quản lý.
Bài báo của Đại Đoàn Kết dày công xâm nhập
Hoa hậu Lương Kỳ Duyên: Vâng, có rất nhiều lý do để đưa đến thực trạng trên. Về góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Chiến có nhìn nhận sự việc này như thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Trước hết thì chúng tôi thấy rằng, các bài báo của Đại Đoàn Kết dày công xâm nhập đăng tải, hôm nay chúng ta có chuyên gia, có đại diện đang công tác trong việc bảo đảm an ninh hàng không. Nếu xác định lỗ hổng thì tôi đồng ý với ý kiến của anh Đào Trung Hiếu, chúng ta có luật chuyên ngành là Luật Hàng không quy định cụ thể về an ninh an toàn hàng không. Bên cạnh đó cũng có nhiều nghị định, thông tư, cụ thể nghị định 19/2013 quy định rất rõ về an ninh an toàn hàng không, còn có thông tư xử lý về vi phạm an ninh an toàn hàng không. Như vậy thì các quy định rất rõ, ngành hàng không cũng có ban hành quy chế an ninh, an toàn hàng không.
Hàng không Việt Nam là thành viên của ICAO, trong đó phải tuân thủ các quy định khắt khe về an ninh an toàn hàng không chung được quốc tế thừa nhận. Tuy đã có những quy định trên nhưng vẫn có trường hợp vi phạm quy định. Như vậy báo, người dân, nhà quản lý thấy được rất rõ ràng có nổi lên dịch vụ không cần giấy tờ chỉ cần tiền là lên máy bay. Như vậy, đây là vấn đề chúng ta phải ngăn chặn.
Toạ đàm hôm nay cũng là để người dân biết rõ hơn các quy định lên máy bay. Còn trường hợp dùng tiền lên máy bay mà không xác định danh tính, chúng ta phải rà soát xem hành lang pháp lý đã đầy đủ nhưng có thiếu chế tài xử lý hay không?, hay chế tài hiện hành còn quá nhẹ?.
Qua vấn đề này, báo là kênh kiến nghị, phản biện chính sách. Vì vậy chúng tôi rất chia sẻ với toạ đàm hôm nay, bởi vì mình tiếp xúc những người không rõ danh tính thì có nguy cơ tiếp xúc với tội phạm trốn truy nã. Vậy chúng ta ở đây cần có giải pháp liên quan tới câu chuyện này.
Nhà váo Công Khanh: Thưa ông Tô Tử Hùng, một số bạn đọc cho rằng để xảy ra tình trạng như vừa qua một phần do các cơ quan liên quan còn buông lỏng quản lý, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Tô Tử Hùng: Chỉ thị của Cục Hàng không Việt Nam có nhấn mạnh: Nhân viên hàng không phải làm đúng quy trình. Nếu đúng như quý báo nêu thì đây là trường hợp rất đáng lo ngại, chúng tôi cần có thông tin cụ thể để đánh giá chính xác những giấy tờ đó cấp đúng quy trình hay không. Chúng tôi cũng đã có văn bản đề nghị Báo Đại Đoàn Kết cung cấp đầy đủ thông tin những trường hợp báo nêu và sẽ cam kết cam kết bảo mật thông tin theo đúng quy định của pháp luật.
Tôi khẳng định, không có sự trục lợi từ hệ thống “làm ngơ” của các cấp lãnh đạo. Quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam là chúng tôi không ngừng, không nghỉ, kiên quyết, kiên trì, không vùng cấm, thể hiện trong hàng loạt văn bản chúng tôi đã nêu.
Chúng ta dẫu có làm rất tốt nhưng những yếu tố tạo thuận lợi cho người làm sai vẫn tồn tại đâu đó. Trong năm nay, đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cho thấy, lượng hành khách toàn cầu tăng 88% so với trước đại dịch. Việc đi lại sau đại dịch cũng tăng lên rất nhiều.
Trong nội địa, để tạo điều kiện cho hành khách, chúng tôi có rất nhiều loại giấy tờ để chứng minh nhân thân hành khách. Tuy nhiên sự thiếu hiểu biết là mảnh đất sinh sôi cho các trường hợp bị lợi dụng, trục lợi. Chúng tôi cũng có đường dây nóng để bất cứ hành khách và người dân nào đều có thể phản ánh trên website của Cục Hàng không Việt Nam.
"Đây là lỗ hổng quản lý"
Nhà báo Công Khanh:Được biết, sau khi báo Đại Đoàn Kết đăng tải loạt bài nêu ra vấn đề về các hội nhóm hỗ trợ bay không giấy tờ, báo đã nhận được phản hồi tích cực và sự phối hợp có trách nhiệm của các cơ quan chức năng như Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài… và bây giờ chúng ta cùng xem một clip ngắn mang tính chất tổng hợp các tài liệu mà cơ quan chức năng đã phản hồi về loạt bài điều tra của báo Đại Đoàn Kết.
Hoa hậu Kỳ Duyên: Theo luật sư cần phải có các giải pháp thúc đẩy việc phục vụ hành khách tốt hơn nhưng vẫn đảm bảo an ninh, an toàn hàng không?
Luật sư Trần Thu Nam: Các thông tin liên quan cần phải cung cấp cho cơ quan chức năng để xác định có hay người không đủ các giấy tờ, tài liệu, theo quy đinh của hàng không mà lên được máy bay. Bởi nếu vấn đề này không được làm rõ sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng không.
Câu hỏi đặt ra là đây có phải là “lỗ hổng” hàng không hay không? Tôi hoàn toàn đồng ý với TS. Đào Trung Hiếu và Luật sư Chiến rằng, chúng ta đã có đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để kiểm tra, giám sát thực thi trong quá trình kiểm soát an ninh hàng không. Tuy nhiên, cần hiểu rằng “lỗ hổng” ở đây có thể do những người thực thi gây ra.
Dù các nhân viên hàng không được đào tạo một cách chuyên nghiệp, và có những bộ quy tắc đạo đức, tuy nhiên vẫn có một số cá nhân vì lợi ích bản thân mà làm hỏng hệ thống, phá vỡ các quy trình đưa ra.
Qua những phóng sự điều tra của Báo Đại Đoàn Kết, phóng viên đã chứng minh được, thực tiễn nhiều người không có đủ các giấy tờ nhưng vẫn được bay. Có thể thấy “lỗ hổng” ở đây có thể xuất hiện bất thình lình, ở một giai đoạn sau đó lại mất đi. Có thể do một số người trong hệ thống không thực hiện đúng các quy trình an ninh hàng không cũng tạo ra “lỗ hổng”. Đó là do con người.
Như ông Tô Tử Hùng nói, hàng không nó có 2 vấn đề, trong đó an ninh hàng không là vấn đề quan trọng nhất. Tại sao hàng không phải có những quy định kiểm soát chặt chẽ như vậy? Bởi nó tiềm tàng những nguy cơ rất nguy hiểm. Thực tế thì có những trường hợp một số cá nhân đã không thực hiện đúng các quy trình, tạo ra những “lỗ hổng” hàng không. Nhiều người đã lên máy bay khi không có giấy tờ tùy thân theo quy định.
Hành khách hàng không khi mua vé máy bay là đã gồm tiền vé, tiền phí sân bay, tiền phí an ninh,… Ngoài tiền đó thì đương nhiên là người đi máy bay sẽ không phải cần nộp những khoản phí khác.
Trong một số trường hợp nhất định như CMND hết hạn, bị mờ, gia đình tang gia, chữa bệnh,… vì vấn đề về nhân đạo chúng ta có thể tạo điều kiện nhưng vẫn phải đảm bảo về an ninh hàng không. Những trường hợp này đương nhiên không được thu về thêm bất cứ khoản phí nào. Vậy khoản tiền thu thêm như báo phản ánh là khoản tiền gì?
TS. Đào Trung Hiếu nói đó là trục lợi, nhưng trên quan điểm luật sư chúng tôi thì đó là chiếm đoạt. Bởi nó chuyển quyền sở hữu từ người này đến người kia, mà theo quy định của pháp luật thì không được thu những khoản tiền đó.
Về mặt hình sự, hành vi đó có thể cấu thành tội phạm. Nếu một người đưa ra các thủ đoạn không đảm bảo an ninh hàng không để trục lợi có thể cấu thành rất nhiều tội danh như là chiếm đoạt tài sản, làm giả tài liệu cơ quan tổ chức,... Người sử dụng tài liệu đó cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Gần đây, Bộ Công an triển khai rất nhiều các biện pháp nhiều chương trình hữu ích, giúp cho cả ngành hàng không và cả người dân qua tài khoản định danh điện tử, dùng sinh trắc học,…
Tuy nhiên, còn một số chương trình nữa nên triển khai nhanh như cấp định danh điện tử, CCCD cho trẻ vị thành niên. Nếu triển khai được sớm thì sẽ rất thuận lợi, là biện pháp hiệu quả cho việc rút ngắn các thủ tục hàng không.
Trở lại câu chuyện những hành khách đã sử dụng dịch vụ, trả thêm khoản phí do không đủ giấy tờ tuỳ thân, họ cũng rất lo ngại rằng khi lộ ra thì họ có thể bị cấm bay hoặc đồng phạm trong vấn đề đưa hối lộ. Tuy nhiên, quan điểm của tôi cho rằng, cần bắt buộc phải công khai, đưa đến các cơ quan chức năng để xác định những cá nhân nào đã làm trái quy trình, có sự móc ngoặc, có sự thông đồng giữa nhân viên an ninh, nhân viên hãng hàng không hay không khi để “lọt” các trường hợp không đảm bảo an ninh hàng không nhưng vẫn được bay. Để từ đó bịt ngay “lỗ hổng” này, đảm bảo an ninh ngành hàng không cũng như an toàn của hành khách.
Nhà báo Công Khanh:Thưa luật sư Nguyễn Văn Chiến, ông thấy các quy định về kiểm soát giấy tờ tùy thân đối với hành khách khi đi máy bay hiện nay có bất cập gì? Chúng ta có thể có những thay đổi gì để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hành khách nhưng vẫn đảm bảo được an ninh, an toàn hàng không?
Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Rõ ràng chúng ta đã trao đổi về hành lang pháp lý, chúng ta có rất đầy đủ tuy nhiên yếu tố thực hiện rất quan trọng. Vậy lỗ hổng này đang ở khâu nào? Chúng ta thấy rõ rằng, lỗ hổng ở khâu tổ chức thực hiện.
Các đại lý bán vé cho những khách hàng không giấy tờ, họ cho là nhân văn khi giúp đỡ những người bị yếu thế nhưng ngành hàng không có quy định phân cấp rất rõ ràng nhiệm vụ các bộ phận. Ở đây đặt câu hỏi, những người bán vé sao lại xử lý được hành khách lên máy bay không giấy tờ, không cần xác minh danh tính. Tại sao những trường hợp không có giấy tờ như vậy qua được kiểm soát về mặt an ninh khi không rõ danh tính. Đây là lỗ hổng quản lý.
Như vậy, ở đây cần sự phối hợp giữa cơ quan chức năng để xử lý. Ngành hàng không thường xuyên thanh tra, kiểm tra nhưng tại sao sự việc này diễn ra. Nếu đó là thông tin giả, câu views thì cũng xử lý. Tuy nhiên, tôi đặt trường hợp nếu ngồi cạnh với đối tượng không rõ danh tính thì rất bất an. Như vậy, chúng ta đã xác định rõ nguyên nhân thì chúng ta phải tìm ra biện pháp kiểm tra và xử lý.
Quan buổi toạ đàm hôm nay rất mong các vị khách mời ở đây chúng ta đưa ra những khuyến nghị để giải quyết kịp thời.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Nhà báo Công Khanh:Thưa thượng tá Đào Trung Hiếu, ông có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này hay không?
Thượng tá Đào Trung Hiếu: Theo tôi, giải pháp căn cơ nhất là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kiểm soát sân bay. Tôi được biết, hôm qua ngành hàng không đã ứng dụng thí điểm sinh trắc học với khách hàng tại sân bay Phú Bài. Đây là việc làm mà thời gian tới ngành hàng không cần đẩy mạnh.
Rõ ràng, việc điều tra, làm rõ vụ việc nêu trên là đương nhiên phải làm của cơ quan chức năng. Và khi đã rõ rồi, cần xử lý thật nghiêm và tuyên truyền để nâng cao thay đổi hành vi cho chính đối tượng.
Cuối cùng, việc chúng ta truyền thông như này rất cần thiết không chỉ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên trong ngành hàng không mà còn nâng cao nhận thức dân trí cho xã hội để trước khi lên máy bay, khách hàng phải có đầy đủ giấy tờ tuỳ thân, giúp họ có sự chủ động khi ra sân bay.
Nhà báo Công Khanh:Tôi xin tiếp tục đặt câu hỏi cho anh Nghiêm Bỉnh Thuận. Tôi được biết doanh nghiệp của anh là doanh nghiệp ứng dụng rất tốt nền tảng số, anh có đề xuất gì về việc ứng dụng công nghệ số vào việc nâng cao tiện ích cho hành khách mà vẫn đảm bảo tính an toàn?
Doanh nhân Nghiêm Bỉnh Thuận: Trước mắt ở vai trò khách hàng, tôi chia sẻ quan điểm như sau. Theo như ông Tô Tử Hùng đã chia sẻ, sự việc của báo Đại Đoàn Kết đưa lên khẳng định là sẽ tăng lòng tin của những hành khách đi máy bay, vì nó là hàng loạt bài báo phát hiện ra vấn đề và đưa ra giải pháp, chứ không đưa ra vấn đề theo kiểu thông tin xấu và độc hại.
Tôi tin rằng sau khi sự việc này được đăng tải, những vấn đề còn tồn tại sẽ được xử lí một cách triệt để. Và theo ý kiến của ông Đào Trung Hiếu: “Không có gì thuận tiện hơn công nghệ, nó có khả năng xác thực chính xác nhất, công tư phân minh, ít có sự can thiệp của con người nhất”.
Hiện nay, Bộ Công an đã triển khai công nghệ định danh điện tử, check mã QR Code trong định danh cá nhân. Nếu như trong tương lai ứng dụng được triệt để công nghệ vào khâu kiểm tra thì sẽ đảm bảo cao nhất về sự an toàn và minh bạch trong an ninh hàng không.
Nhà báo Công Khanh:Sau khi loạt bài 4 kỳ về Lỗ hổng an toàn hàng không của Báo Đại Đoàn Kết đăng tải, chúng tôi cũng nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Không ít bạn đọc cho rằng quy định kiểm soát giấy tờ tuỳ thân hiện nay quá máy móc và cứng nhắc, không có bất cứ ngoại lệ nào nên mới tạo cơ hội “làm ăn” cho một số nhóm đối tượng thu lợi bất hợp pháp. Hiện nay chúng ta đang chuyển đổi số, việc áp dụng kiểm tra giấy tờ tuỳ thân hiện nay trong các chuyến bay nội địa, với hành khách là người Việt Nam không còn phù hợp, ông Tô Tử Hùng nghĩ sao về vấn đề này? Ví dụ việc: ứng dụng công nghệ sinh trắc học trong quá trình làm thủ tục đi tàu bay của hành khách bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi, hạn chế tiêu cực, phiền hà.
Ông Tô Tử Hùng: Đây là vấn đề công luận và Chính phủ đang rất quan tâm. Gần đây nhất, năm 2016, Đại hội đồng ICAO đã ra nghị quyết yêu cầu các quốc gia thành viên thiết lập và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu hành khách chuẩn hoá với các tiêu chuẩn quốc tế, giúp các cơ quan chuyên môn chấp nhận, nhằm đảm bảo tốt an toàn hàng không dân dụng, tiến tới loại bỏ dần các giấy tờ đi tàu bay không phải do cơ quan quản lí dữ liệu công dân cấp.
Mục đích các loại giấy tờ để xác minh nhân thân. Tuy nhiên, với sự phát triển công nghệ, chúng ta đang chuyển đổi số, chúng ta không nằm ngoài bước tiến cách mạng công nghệ đó.
Ngày 6/1/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030 (đề án 06). Việc này đã được triển khai rất dốt ráo, ngành hàng không dân dụng là một trong những lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số.
Quan trọng nhất khi đi tàu bay là được xác thực. Nếu trước đây được xác thực bằng những chi tiết trên một tờ giấy bản chính. Thay vào đó, hiện nay chúng ta sẽ sử dụng công nghệ số, bằng các thiết bị máy móc để xác thực. Đơn cử như những dữ liệu sinh trắc học: khuôn mặt, vân tay, tròng mắt,…
Điều mà chúng tôi cũng như các hành khách mong muốn là làm sao ứng dụng những công nghệ này để thuận lợi hơn trong việc làm thủ tục. Chúng tôi đã áp dụng thí điểm tại một số cảng hàng không quốc tế: Phú Bài, Cát Bi, Nội Bài,… để biết được tốc độ nhận diện cũng như những trở ngại có thể xảy ra trước khi áp dụng chính thức.
Ứng dụng một nhận diện có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian. Để xác thực được danh tính thông qua các công nghệ mới liên quan đến sử dụng kho dữ liệu của Bộ Công an đang phát triển. Do đó, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, cụ thể như cục C06 trong vấn đề phát triển các ứng dụng hay quá trình nhận diện.
Gần đây nhất, chúng tôi có những văn bản thông báo và truyền thông để trang bị cho người dân những nhận thức và yêu cầu cần thiết khi mang các loại giấy tờ khi đi tàu bay. Theo quan điểm của tôi, phòng bao giờ cũng tốt hơn chống. Để những vi phạm không còn đất sống thì buộc chúng ta phải truyền thông, trang bị cho người dân hiểu và đồng lòng thực hiện là rất cần thiết.
Tiêu cực sẽ có, chúng ta không thể đảm bảo sống trong môi trường không có tiêu cực, chắc chắn sẽ có nhưng quan trọng là chúng ta phải xử lí nghiêm. Chúng tôi rất mong sẽ có thông tin sớm để xử lí. Nếu vi phạm được xử lí nghiêm sẽ là một tấm gương cho những người khác nhìn thấy.
Hoa hậu Lương Kỳ Duyên: Xin cảm ơn những ý kiến quan trọng của ông Tô Tử Hùng và chắc hẳn những ý kiến, những đóng góp của chuyên gia an ninh hàng không, của các luật sư và cả các hành khách sẽ là cơ sở để chúng ta gợi mở những giải pháp vừa ngăn chặn hữu hiệu việc lợi dụng sơ hở trong việc kiểm soát an ninh, an toàn bay đối với hành khách hàng không để trục lợi và tiện lợi nhưng phải đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối trên mỗi chuyến bay.
Buổi tọa đàm diễn ra trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ, được livetream trên Báo điện tử Đại Đoàn Kết cũng như với sự tham gia đưa tin của nhiều cơ quan báo đài như báo Đại biểu Nhân dân, báo Dân trí, báo An ninh Thủ đô, báo Pháp luật Việt Nam, báo Công luận.. cũng như nhận sự theo dõi quan tâm của độc giả cả nước.
Nội dung của buổi tọa đàm sẽ là những tiền đề để chúng ta góp tiếng nói phản ánh thực trạng và thúc đẩy các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý vi phạm, đồng thời nghiên cứu xem xét có thể thay đổi, bổ sung chính sách, quy định phù hợp quy trình chuyển đổi số trong quản lý hành chính hàng không, tạo điều kiện cho khách hàng cùng tham gia thực hiện và xây dựng quy trình đảm bảo cho an ninh, an toàn hàng không.
Xin trân trọng cảm ơn các quý vị khách mời đã tham gia buổi toạ đàm và đã có những trao đổi , đóng góp rất thiết thực, hữu ích về vấn đề này.
Và sau đây, xin trân trọng mời nhà báo Lê Anh Đạt, Q.TBT Báo Đại Đoàn Kết phát biểu kết thúc tọa đàm.
Phát biểu kết thúc Toạ đàm, Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết chia sẻ:
Buổi Toạ đàm đã cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích, gợi mở được nhiều vấn đề, không chỉ với bạn đọc mà cả các phóng viên, nhà báo.
Trước khi gói lại một số vấn đề, nhà báo Lê Anh Đạt thông tin tới các vị khách mời và bạn đọc về một số ý kiến khi theo dõi Tọa đàm đã gửi về tòa soạn cho rằng, một số hành khách khi sử dụng “dịch vụ bay không giấy tờ tùy thân”, cứ nghĩ đó là dịch vụ cho phép vì những người thực hiện đều liên quan các hãng, nhân viên sân bay… Họ không phân biệt được đây là dịch vụ trôi nổi, bất hợp pháp. Bởi vậy, việc tuyên truyền kịp thời để phân biệt đúng, sai trước thông tin tràn lan trên mạng xã hội là việc rất cần thiết.
Nhà báo Lê Anh Đạt cho rằng, qua phân tích của các chuyên gia, chúng ta khẳng định: hành lang pháp lý của chúng ta chặt chẽ, kín kẽ, hệ thống bay dân dụng của chúng ta an toàn. Tuy nhiên, thực tế vẫn xuất hiện, lỗ hổng, lỗ thủng và đã có người lên máy bay không giấy tờ tùy thân qua lỗ hổng, lỗ thủng này. Có người thu lợi bất chính qua lỗ hổng, lỗ thủng này. Vậy lỗ hổng, lổ thủng này đến từ đâu?
Nhà báo Lê Anh Đạt cho rằng, có một số vấn đề cần trao đổi thêm. Báo Đại Đoàn Kết đã rất trách nhiệm trong câu chuyện này và đã phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, tuy nhiên, cũng cần lưu ý, là các cơ quan chức năng cần vào cuộc tích cực hơn nữa. Ngoài việc yêu cầu Báo cung cấp thông tin thì một số việc các cơ quan chức năng nên làm ngay. Đó là, điều tra, xử lý các trang web, các cá nhân sử dụng mạng xã hội đang hoạt động ngang nhiên, thậm chí có dấu hiệu coi thường pháp luật khi công khai chạy quảng cáo, tăng lượt view cho “dịch vụ bay không giấy tờ tùy thân”. Nếu vào cuộc điều tra, từ những manh mối này, nhiều cá nhân liên quan sẽ được làm rõ. Thứ hai, các mật khẩu, mật mã trên vé máy bay đã giúp một số hành khách lên máy bay mà không cần giấy tờ tùy thân là không khó để giải mã. Và những những mật khẩu, mật mã này, nếu có đường dây, ai liên quan cũng dễ đưa ra ánh sáng.
Nhà báo Lê Anh Đạt nhấn mạnh, báo chí có nguyên tắc bảo vệ nguồn tin. Các nhà báo và các cơ quan báo chí thường phải coi đây là tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, không vì cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng mà phản bội lại nguồn tin. Các cơ quan chức năng không quá lạm dụng việc này.
Có một vấn đề nữa, là các đối tượng đã bám vào sự chông chênh trong việc ứng xử nhân văn (giải quyết các trường hợp nhỡ bay vì không có giấy tờ tùy thân, trong những hoàn cảnh rất dễ nhận được thông cảm) khi việc giải quyết các trường hợp nhỡ nhàng, và lợi dụng sự cấp bách phải bay của những hành khách này để trục lợi. Câu hỏi đặt ra là, quy định của chúng ta đối với các trường hợp nhỡ nhàng có hoàn cảnh đặc biệt có quá cứng nhắc không, trong khi các đối tượng lại lợi dụng câu chuyện này để kiếm lợi. Rõ ràng, chỗ này, chúng ta cần suy nghĩ thêm, và cần dứt khoát thái độ quan điểm để tránh bị lợi dụng, gây hệ lụy.
Từ giải pháp của các chuyên gia tại cuộc Tọa đàm, Nhà báo Lê Anh Đạt nhấn mạnh mấy ý sau:
Thứ nhất, còn sử dụng giấy tờ tùy thân, trải qua các khâu thẩm duyệt để được bay thì còn có tiêu cực. Bởi vậy, cần áp dụng công nghệ, sinh trắc học, dữ liệu điện tử… để giảm các thủ tục có sự tham gia, can thiệp của con người. Một giải pháp công nghệ có thể giải quyết căn bản những băn khoăn, lo lắng của chúng ta, và lỗ hổng sẽ được bít lại đáng kể.
Thứ hai, lỗ hổng đã xuất hiện trong khi hành lang pháp lý của chúng ta chặt chẽ thì có thể lỗ hổng ấy xuất phát từ quá trình tổ chức thực hiện, liên quan đến quy trình và yếu tố con người. Vậy, phải xem xét lại đội hình, đội ngũ, công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, cũng như kỷ luật trong thực hiện quy trình công việc. Cần rà soát, đánh giá quy trình và con người. Dùng cả xử lý mạnh về pháp luật, cũng như siết chặt các quy trình, quy định và đạo đức trong công việc.
Thứ ba, cần phải tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để tránh việc tiền mất, nhưng lại vi phạm pháp luật (kể cả vô tình).
Cuộc tọa đàm hôm nay, Ban Tổ chức không kết luận mà gửi toàn bộ thông tin, giải pháp đến các cơ quan chức năng, qua đó đề nghị các cơ quan này tham khảo, giải quyết triệt để, đảm bảo an toàn cho các chuyến bay, mang lại bình yên cho nhân dân.
Báo Đại Đoàn Kết- Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chức năng giám sát, phản biện (báo có 2 chuyên mục: Giám sát- Phản biện và Tiếng dân) đã nêu vấn đề và mong các cơ quan chức năng nếu thấy có lỗ hổng thì có giải pháp để đảm bảo an toàn cho người dân. Báo đã thực hiện một cách có trách nhiệm trước những vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống.
Qua loạt bài viết điều tra "Lỗ hổng an ninh hàng không", Báo Đại Đoàn Kết hướng đến những điều tốt đẹp, nêu sự việc cụ thể để nhận diện vấn đề lớn về chính sách, qua đó mong muốn được hoàn thiện chính sách (nếu đã lỗi thời, lạc hậu, cản trở) để phục vụ tốt hơn cuộc sống người dân. Rất mong vấn đề đã nêu trong Toạ đàm sẽ được cơ quan chức năng đón nhận để kịp thời có giải pháp.