Nghiên cứu xây dựng Luật hoạt động giám sát của Nhân dân
Ngày 17/5, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu Đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt "Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật hoạt động giám sát của Nhân dân". Cùng dự có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Báo cáo tóm tắt nội dung đề tài, TS Nguyễn Quang Minh, Chủ nhiệm đề tài cho biết, giám sát của nhân dân đối với việc tổ chức và thực hiện quyền lực chính trị là một yêu cầu tất yếu trong Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, thể hiện sâu sắc bản chất của nền dân chủ XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hoạt động giám sát là hoạt động có tính nhân dân, tính chính trị, tính xã hội rất cao và có mục tiêu chung là nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, pháp luật về hoạt động giám sát của nhân dân đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, cần tiếp tục được quan tâm xây dựng và hoàn thiện, nhất là đối với quy định về hoạt động giám sát trực tiếp của nhân dân, về việc giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên cũng như về quy trình, thủ tục giám sát, quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể giám sát,... Để nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động giám sát của nhân dân, cần tập trung ưu tiên thực hiện việc nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật hoạt động giám sát của Nhân dân nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền giám sát của nhân dân.
Để xây dựng Luật hoạt động giám sát của Nhân dân theo đúng quy định của pháp luật và đạt được mục tiêu đề ra, Đề tài đã đưa ra một số quan điểm mang tính nguyên tắc cần thực hiện trong quá trình nghiên cứu đề xuất, xây dựng Dự án Luật cũng như những giải pháp về tổ chức thực hiện và bước đầu đề xuất những nội dung, chế định cơ bản của Dự án Luật, đề xuất Đề cương (sơ bộ) của Dự thảo Luật,...
Tại Hội nghị, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu cho rằng, việc nghiên cứu Đề tài "Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật hoạt động giám sát của Nhân dân" là quan trọng và cần thiết. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện về hình thức và nội dung nghiên cứu của Đề tài.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Đề tài khoa học "Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật hoạt động giám sát của Nhân dân" mang tính cấp thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Việc triển khai nghiên cứu Đề tài rất đúng thời điểm, bởi quyền giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của Đảng, Nhà nước, mặc dù đã được quy định trong Cương lĩnh chính trị và các văn kiện của Đảng, Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên trên thực tế việc thực hiện quyền giám sát của nhân dân còn nhiều hạn chế, bất cập, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có đạo luật quy định thống nhất cho hoạt động giám sát của nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, việc xây dựng Luật hoạt động giám sát của Nhân dân sẽ góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thực tiễn hiện nay cũng đề ra yêu cầu về nghiên cứu, đề xuất xây dựng Dự án Luật về hoạt động giám sát của nhân dân. Từ đó, Đề tài đã được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá phù hợp và cần thiết để nghiên cứu.
Từ những ý kiến đóng góp của nhà khoa học trong Hội đồng nghiệm thu, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, Ban Chủ nhiệm Đề tài cần tiếp thu các ý kiến phản biện của Đề tài, rà soát các nội dung, bổ sung đầy đủ, chính xác về từ ngữ, hoàn thiện Đề tài về hình thức và nội dung. Với kết quả nghiên cứu đề tài đã góp phần vào việc đưa ra các cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất giải pháp xây dựng Luật hoạt động giám sát của Nhân dân thời gian tới.
Qua bỏ phiếu, Hội đồng nghiệm thu đã công nhận Đề tài đạt loại xuất sắc.