Sớm 'vá lỗ hổng' an toàn hàng không

NGUYỄN HOÀI – HOÀNG CHIẾN 18/05/2023 09:00

Tọa đàm có sự tham gia của các khách mời: Ông Tô Tử Hùng - Trưởng Phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam; Luật sư Nguyễn Văn Chiến - nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV; Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu – chuyên gia “giải mã” tội phạm học; Hoa hậu Du lịch Việt Nam Lương Kỳ Duyên; Luật sư Trần Thu Nam - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Việt và Cộng sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội; Doanh nhân Nghiêm Bỉnh Thuận – Tổng Giám đốc Tập đoàn Nhà phố - khách hàng thường xuyên của các hãng hàng không.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Lê Khánh.

Loạt bài vạch trần thủ đoạn trục lợi

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt cho biết, loạt bài phóng sự điều tra 4 kỳ: “Lỗ hổng an toàn hàng không” do Báo Đại Đoàn Kết thực hiện vừa qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả, người dân và cơ quan chức năng các cấp. Đây là loạt bài điều tra công phu của nhóm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết trong suốt 3 năm qua.

Nhưng trong khuôn khổ các bài báo sẽ không thể chuyển tải hết thông tin, vì vậy, với mục đích nhằm tìm kiếm các giải pháp góp phần “vá lỗ hổng an toàn hàng không” và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách bay an toàn, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức tọa đàm: “Lỗ hổng an toàn hàng không: Xử lý thế nào?”. Tọa đàm là cách làm báo hiện đại và khách quan để đại diện Cục Hàng không Việt Nam, các luật sư, chuyên gia hàng không và đông đảo hành khách, bạn đọc soi chiếu vấn đề nhiều chiều.

Trao đổi tại buổi tọa đàm, các khách mời đều đánh giá cao loạt bài phóng sự điều tra “Lỗ hổng an toàn hàng không” do Báo Đại Đoàn Kết thực hiện.

Nói về công tác đảm bảo an toàn hàng không dân dụng, ông Tô Tử Hùng cho biết, đây là vấn đề không chỉ ở phạm vi nội bộ đất nước mà còn mang tính toàn cầu.

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đưa ra các quy chuẩn chặt chẽ và những khuyến cáo thực hành. Trong đó có các tiêu chuẩn bắt buộc và Chính phủ Việt Nam phải thực hiện và khuyến cáo thực hành ở mức cao nhất có thể, đáng chú ý quy định về các giấy tờ khi bay là rất quan trọng.

Việt Nam cũng có những quy định rất rõ ràng về việc mang giấy tờ tuỳ thân khi lên tàu bay, trong đó có khoảng 14 loại giấy tờ chứng minh nhân thân khi bay trong nước. Các loại giấy tờ này giúp các nhân viên hàng không đánh giá về mặt tiêu chí của những hành khách đi tàu bay có đúng người đó hay không. Việc xác thực nhân thân rất quan trọng.

Sau vụ 4 nữ tiếp viên xách hàng cấm gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua, có nhiều câu hỏi đặt ra đối với việc kiểm soát an ninh hàng không, đặc biệt là kiểm soát hành khách. Liên quan tới vụ việc này, ông Hùng cho biết, vấn đề giấy tờ nhân thân rất quan trọng khi sử dụng dịch vụ hàng không, mang tính bắt buộc về mặt pháp luật. Người dân buộc phải tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật trước khi bay.

Ông Hùng cũng cho hay: “Trong bài đầu tiên của loạt bài Báo Đại Đoàn Kết đăng tải, tôi thấy có nói đến từ “lỗ hổng”. Trong ngành hàng không chúng tôi rất sợ từ này. Loạt bài của Báo Đại Đoàn Kết đã được các cấp của Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải rất quan tâm và đã có những văn bản chỉ đạo. Chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu và xác minh những ai đã mặc đồng phục sân bay, đồng phục của các hãng hàng không để tham gia tư lợi, tiếp tay. Chúng tôi cũng đã thực hiện chỉ đạo xuyên suốt của các cấp ủy Đảng là: Kiên quyết, kiên trì, thường xuyên và không có vùng cấm trong việc tuân thủ nghiêm túc những quy định pháp luật cũng như có sự nhân văn trong khi áp dụng”.

Ông Hùng khẳng định sẽ không dung túng cho đường dây hay bất cứ cá nhân nào nếu có hành vi vi phạm như báo đã nêu. Qua buổi tọa đàm, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn, khách hàng nâng cao nhận thức “phòng hơn chống”. Nếu ai cũng mang theo đủ giấy tờ nhân thân thì sẽ không có những đối tượng lợi dụng để trục lợi.

Công tác trong lĩnh vực an ninh, chuyên gia tội phạm học - Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu khẳng định, Hàng không dân dụng Việt Nam là một trong những môi trường rất an toàn. Trong nhiều năm qua, Hàng không Việt Nam không xảy ra nhiều sự cố lớn. Số liệu thống kế trong năm 2022 có hơn 600 sự cố, sự việc xảy ra, chủ yếu liên quan tới giấy tờ.

Trở lại loạt bài 4 kỳ của Báo Đại Đoàn Kết, TS Đào Trung Hiếu cho biết, khi tiếp cận loạt bày này, ông rất ngỡ ngàng và đánh giá đây là tác phẩm báo chí công phu, với tài liệu chứng cứ thu thập đầy đặn, chặt chẽ, xác định sự việc là có thật. Loạt bài của Báo Đại Đoàn Kết đã cho thấy rõ, có sự liên kết giữa các đại lý bán vé máy bay với nhân viên các hãng hàng không và cả một số cán bộ chức trách hoạt động tại sân bay. Việc này cơ quan chức năng đã nhận diện.

Nêu một số nguy cơ có thể xảy ra khi một chuyến bay không kiểm soát chặt chẽ danh tính của khách hàng như: đối tượng khủng bố, phạm tội bỏ trốn, trộm cắp tài sản, TS Đào Trung Hiếu nhấn mạnh: “Việc để lọt những người không rõ danh tính trên máy bay là vi phạm nghiêm trọng quy định của hàng không Việt Nam. Đây là hiện tượng cá biệt nhưng cần thiết nhận diện để bịt lỗ hổng trong công tác quản lý”.

Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt tặng hoa các khách mời tại buổi tọa đàm. Ảnh: Lê Khánh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Qua loạt bài phóng sự điều tra “Lỗ hổng an toàn hàng không”, có thể thấy các quy định về kiểm soát giấy tờ tùy thân đối với hành khách khi đi máy bay hiện nay còn bất cập. Hành lang pháp lý có đầy đủ nhưng Luật sư Nguyễn Văn Chiến đặt câu hỏi: “Tại sao những trường hợp không có giấy tờ như vậy có thể qua được kiểm soát về mặt an ninh?” đồng thời ông Chiến khẳng định: Đây là lỗ hổng quản lý.

“Ngành hàng không thường xuyên thanh tra, kiểm tra nhưng tại sao sự việc này vẫn diễn ra. Tôi đặt trường hợp, nếu lên máy bay mà ngồi cạnh đối tượng không rõ danh tính thì thực sự bất an. Như vậy, nếu đã xác định rõ nguyên nhân thì chúng ta phải đưa ra biện pháp kiểm tra và xử lý. Nếu đó là thông tin giả, câu view thì cũng cần xử lý” – ông Chiến nêu quan điểm.

Để giải quyết tình trạng này, theo TS Đào Trung Hiếu, giải pháp căn cơ nhất là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kiểm soát sân bay. Mới đây, ngành hàng không đã ứng dụng thí điểm sinh trắc học với khách hàng tại sân bay Phú Bài (Huế). Đây là việc làm ngành hàng không cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

Cũng theo ông Hiếu, việc truyền thông như Báo Đại Đoàn Kết đang làm là rất cần thiết, không chỉ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên trong ngành hàng không mà còn nâng cao nhận thức dân trí cho xã hội để trước khi lên máy bay, khách hàng phải có đầy đủ giấy tờ tuỳ thân, giúp họ có sự chủ động khi ra sân bay.

Nhà báo Lê Anh Đạt thông tin tới các vị khách mời và bạn đọc về một số ý kiến khi theo dõi Tọa đàm đã gửi về tòa soạn cho rằng, một số hành khách khi sử dụng “dịch vụ bay không giấy tờ tùy thân”, cứ nghĩ đó là dịch vụ cho phép vì những người thực hiện đều liên quan các hãng, nhân viên sân bay… Họ không phân biệt được đây là dịch vụ trôi nổi, bất hợp pháp. Bởi vậy, việc tuyên truyền kịp thời để phân biệt đúng, sai trước thông tin tràn lan trên mạng xã hội là việc rất cần thiết.

Là một doanh nghiệp ứng dụng rất tốt nền tảng số, đồng thời là khách hàng thường xuyên của các hãng hàng không, doanh nhân Nghiêm Bỉnh Thuận nêu quan điểm: “Sự việc của Báo Đại Đoàn Kết đưa lên sẽ tạo niềm tin cho hành khách đi máy bay. Bởi đây là loạt bài báo phát hiện vấn đề và đưa ra giải pháp, chứ không đưa ra vấn đề theo kiểu thông tin xấu và độc hại”.

Ông Thuận cũng bày tỏ tin tưởng, sau khi sự việc này được đăng tải, những vấn đề còn tồn tại ở ngành hàng không sẽ được xử lý một cách triệt để.

TS Đào Trung Hiếu thì nhấn mạnh: “Không có gì thuận tiện hơn công nghệ, nó có khả năng xác thực chính xác nhất, công tư phân minh, ít có sự can thiệp của con người nhất”.

Hiện nay, Bộ Công an đã triển khai công nghệ định danh điện tử, check mã QR Code trong định danh cá nhân. Nếu như trong tương lai ứng dụng được triệt để công nghệ vào khâu kiểm tra thì sẽ đảm bảo cao nhất về sự an toàn và minh bạch trong an ninh hàng không” - Doanh nhân Nghiêm Bỉnh Thuận.

Ông Lê Anh Đạt – Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết:

Cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ

Báo Đại Đoàn Kết đã rất trách nhiệm trong việc phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng. Bởi vậy, mong rằng các cơ quan chức năng cần vào cuộc tích cực hơn nữa. Ngoài việc yêu cầu Báo cung cấp thông tin thì một số việc các cơ quan chức năng nên làm ngay. Đó là, điều tra, xử lý các trang web, các cá nhân sử dụng mạng xã hội đang hoạt động ngang nhiên, thậm chí có dấu hiệu coi thường pháp luật khi công khai chạy quảng cáo, tăng lượt view cho “dịch vụ bay không giấy tờ tùy thân”.

Thứ hai, các mật khẩu, mật mã trên vé máy bay đã giúp một số hành khách lên máy bay mà không cần giấy tờ tùy thân là không khó để giải mã. Và những mật khẩu, mật mã này, nếu có đường dây, ai liên quan cũng có thể đưa ra ánh sáng. Lỗ hổng có thể xuất phát từ quá trình tổ chức thực hiện, liên quan đến quy trình và yếu tố con người. Vì vậy, cần rà soát, đánh giá quy trình và con người. Cần mạnh tay về pháp luật, cũng như siết chặt các quy trình, quy định và đạo đức trong công việc. Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để tránh việc tiền mất, trở thành đối tượng vi phạm pháp luật (kể cả vô tình).

Qua loạt bài điều tra “Lỗ hổng an ninh hàng không”, Báo Đại Đoàn Kết muốn hướng đến những điều tốt đẹp, nêu sự việc cụ thể để nhận diện vấn đề lớn, qua đó mong muốn chính sách sẽ sớm được hoàn thiện (nếu đã lỗi thời, lạc hậu, cản trở) để phục vụ tốt hơn cuộc sống của người dân. Rất mong vấn đề đã nêu trong buổi tọa đàm sẽ được cơ quan chức năng đón nhận để kịp thời có giải pháp.

Ông Tô Tử Hùng – Trưởng Phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam:

Phòng bao giờ cũng tốt hơn chống

Tôi khẳng định, không có sự trục lợi từ hệ thống, “làm ngơ” của các cấp lãnh đạo. Quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam là kiên quyết, kiên trì, không vùng cấm nếu có vi phạm, thể hiện trong hàng loạt văn bản chúng tôi đã nêu. Chúng ta dẫu làm tốt đến mấy nhưng có thể thấy, những yếu tố tạo thuận lợi cho người làm sai vẫn tồn tại đâu đó. Sự thiếu hiểu biết là mảnh đất sinh sôi cho các trường hợp bị lợi dụng, trục lợi. Chúng tôi cũng có đường dây nóng để bất cứ hành khách và người dân nào đều có thể phản ánh trên website của Cục Hàng không Việt Nam.

Sự phát triển công nghệ và chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, chúng ta không nằm ngoài guồng quay đó. Ngành hàng không dân dụng là một trong những lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. Điều mà chúng tôi cũng như các hành khách mong muốn là làm sao ứng dụng công nghệ để thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục. Chúng tôi đã áp dụng thí điểm tại một số cảng hàng không quốc tế: Phú Bài, Cát Bi, Nội Bài,… để biết được tốc độ nhận diện cũng như những trở ngại có thể xảy ra trước khi áp dụng chính thức.

Để xác thực được danh tính thông qua các công nghệ mới liên quan đến sử dụng kho dữ liệu của Bộ Công an đang phát triển, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, cụ thể như Cục C06 trong vấn đề phát triển các ứng dụng hay quá trình nhận diện. Bên cạnh đó, chúng tôi có những văn bản thông báo và truyền thông để trang bị cho người dân những nhận thức và yêu cầu cần thiết khi mang các loại giấy tờ khi đi tàu bay. Theo quan điểm của tôi, phòng bao giờ cũng tốt hơn chống. Để những vi phạm không còn đất sống thì buộc chúng ta phải truyền thông, trang bị cho người dân hiểu và đồng lòng thực hiện. Chúng ta không thể đảm bảo sống trong môi trường không có tiêu cực, nhưng quan trọng là chúng ta phải xử lý nghiêm. Chúng tôi rất mong sẽ có thông tin sớm để xử lý. Khi vi phạm được xử lý nghiêm sẽ là một tấm gương để những người có ý định vi phạm phải e ngại và không dám vi phạm nữa.

Luật sư Trần Thu Nam – Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

“Lỗ hổng” do con người

Dù các nhân viên hàng không được đào tạo một cách chuyên nghiệp và có những bộ quy tắc đạo đức, tuy nhiên vẫn có một số người vì lợi ích cá nhân mà làm hỏng hệ thống, phá vỡ các quy trình đưa ra. Một số người trong hệ thống không thực hiện đúng các quy trình an ninh hàng không cũng đã tạo ra “lỗ hổng”. Lỗ hổng đó là do con người.

Trong một số trường hợp nhất định như chứng minh nhân dân hết hạn, bị mờ hoặc gia đình có việc bất khả kháng… vì vấn đề nhân đạo, chúng ta có thể tạo điều kiện nhưng vẫn phải đảm bảo về an ninh hàng không. Những trường hợp này đương nhiên không được thu thêm bất cứ khoản phí nào. Do vậy, những khoản tiền thu thêm như Báo Đại Đoàn Kết phản ánh có thể gọi là hành vi chiếm đoạt. Bởi nó chuyển quyền sở hữu từ người này đến người kia, mà theo quy định của pháp luật thì không được thu những khoản tiền đó. Về mặt hình sự, nếu một người đưa ra các thủ đoạn không đảm bảo an ninh hàng không để trục lợi, có thể cấu thành rất nhiều tội danh như: chiếm đoạt tài sản, làm giả tài liệu cơ quan tổ chức,... Người sử dụng tài liệu đó cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do vậy, cần phải công khai và cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để xác định những cá nhân nào đã làm trái quy trình, có sự móc ngoặc hay không, có sự thông đồng hay không giữa nhân viên an ninh, nhân viên hãng hàng không để “lọt” các trường hợp không đảm bảo an ninh hàng không nhưng vẫn được bay. Từ đó bịt ngay “lỗ hổng” này nhằm đảm bảo an ninh ngành hàng không cũng như an toàn của hành khách.

NGUYỄN HOÀI – HOÀNG CHIẾN