Từ con quay tuổi thơ đến triển lãm đầu tiên
Hoàng Tường Minh là điêu khắc gia tại TP HCM. Ông đã tham gia khoảng 30 triển lãm chung về điêu khắc, tham gia 10 trại điêu khắc chuyên nghiệp ở trong nước và quốc tế. Thế nhưng đến tuổi 60, điêu khắc gia Hoàng Tường Minh mới làm triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Áp lực ngược”, đang diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP HCM.
Nhìn ngắm các tác phẩm trong triển lãm của Hoàng Tường Minh, điêu khắc gia Trần Luân Tín cho rằng: “Hoàng Tường Minh đã hình tượng hóa các áp lực bằng những chất liệu rắn và bằng cách chồng chất, xô lệch, vặn xoắn chúng. Và tôi đặc biệt thích thú những ngón tay không cần đầy đủ, gân guốc. Không biết chúng ấn xuống hay kéo lên. Tuy nhiên cái cách mà tác giả sắp đặt chúng thì như bảo rằng “Chuyện nhỏ!”. Cũng theo ông Tín, Hoàng Tường Minh không đặt cái gì trên cái gì, hồn nhiên say sưa, thiết tha chinh phục cái sự khó của chất liệu bằng năng lực sáng tạo.
Điêu khắc gia Hoàng Tường Minh sinh tại Tuyên Quang, 7 tuổi, đã tự làm đồ chơi cho mình bằng tre nứa, gỗ, đất sét. Anh nhớ mãi con quay bằng gỗ ổi là sản phẩm đầu tay của mình, quay rất tít và anh yêu thích nó. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, trẻ con không được như bây giờ, mọi đứa trẻ đều phải tự làm đồ chơi cho mình. Khi nhìn thấy một khúc gỗ, một đoạn tre nứa, Hoàng Tường Minh đều thấy gợi lên một hình thù nào đó, và anh đã đẽo gọt bằng dao để tạo nên món đồ chơi cho mình. Khi ấy, ai cũng khen anh khéo tay.
Năm 1985, anh thì thi vào Đại học Mỹ thuật, Khoa Điêu khắc hệ chính quy 5 năm từ 1985 đến 1990.
Học điêu khắc thì phải bắt buộc phải qua đất sét, sau đó là gỗ, khi có dụng cụ máy móc thì mới đến kim loại và đá. Làm nhiều thì rút được nhiều kinh nghiệm. Làm điêu khắc là phải có kỹ năng, ngoài ra còn phải có sức khỏe. Nghề điêu khắc luôn có những khó khăn, nhưng vượt qua được thì đó chính là niềm vui, hạnh phúc của người làm nghề.
Để có ý tưởng cho tác phẩm, Hoàng Tường Minh bắt đầu bằng việc quan sát, xem, đọc, nghiền ngẫm… Nhưng đôi khi, ý tưởng cũng chợt đến thật bất ngờ. Khi đã có ý tưởng, anh tái hiện bằng việc vẽ, rồi nặn những mẫu nhỏ (mà dân trong nghề gọi là bóp phác thảo), khâu này anh làm rất kỹ. Quan trọng nhất của việc sáng tạo một tác phẩm điêu khắc, phải rất phải kiên trì.
Đến bây giờ, Hoàng Tường Minh vẫn thấy mình rất may mắn vì chọn đúng nghề. Những dấu mốc đáng nhớ về điêu khắc của Hoàng Tường Minh, bắt đầu từ năm 1990, khi anh tốt nghiệp đại học và có tác phẩm “Già làng” đạt huy chương Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Năm 1991 cùng một số bạn là hoạ sĩ và nhà điêu khắc lập xưởng điêu khắc. Năm 2003, anh dự Trại sáng tác Điêu khắc Quốc tế An Giang; Năm 2005, dự Trại Sáng tác Điêu khắc Quốc tế Goyang Hàn Quốc; Năm 2007 là Trại sáng tác Điêu khắc Quốc tế HassLa Hàn Quốc...
Để có triển lãm cá nhân đầu tiên của tuổi 60, nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh cũng được sự động viên giúp đỡ rất nhiều từ bạn bè, đồng nghiệp. Sau triển lãm, dự định của Hoàng Tường Minh là tiếp tục với sáng tác “Nguồn” và “Áp lực.”.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông: “Series “Áp lực” của Hoàng Tường Minh thuộc giai đoạn sáng tạo gần đây nhất, nó là một hướng mở và dự báo sẽ tiếp tục được ông khai thác, ngoài ra, xét trong bối cảnh hiện tại đây cũng sẽ là hướng tiếp cận của nhiều nghệ sĩ trẻ, những người sẽ cùng Hoàng Tường Minh tạo ra các sắc thái đa dạng cho nghệ thuật điêu khắc. Triển lãm điêu khắc cá nhân “Áp lực ngược” của Hoàng Tường Minh tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh sẽ tạo ra một không gian vừa thưởng thức nghệ thuật thị giác vừa gợi mở khả năng tương tác tư duy, “áp lực” sẽ là lực đẩy hai chiều giữa người sáng tạo và công chúng”.