Cần thiết môn Hà Nội học
Hiện nay, tùy theo từng cấp học, nội dung giáo dục địa phương sẽ được tích hợp trong các hoạt động trải nghiệm và trong việc tổ chức dạy học các môn học. Riêng tài liệu giáo dục địa phương đã được Hà Nội biên soạn và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chương trình với lớp 1, lớp 2 và lớp 6.
Giáo dục cho học sinh về tình yêu Hà Nội
Là khóa học sinh THPT đầu tiên được học môn giáo dục địa phương, Lê Mai Anh - học sinh lớp 10 Trường THPT Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội cho biết, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên em rất yêu thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử cũng như các danh lam thắng cảnh của Thủ đô. Môn học giáo dục địa phương mặc dù có nhiều nội dung giáo viên không tính điểm số, chỉ đánh giá đạt hay không đạt, nhưng xuất phát từ sự gắn bó với quê hương, em và các bạn đều rất hào hứng, chủ động tìm hiểu, tập hợp các kiến thức mà bài học cũng như giáo viên đặt ra khiến mỗi tiết học đều rất bổ ích.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận thực tế hiện nay hầu hết các nhà trường đều gặp khó khăn về việc đưa học sinh đi trải nghiệm, học tập tại các di tích, địa điểm ngoài trường. Bên cạnh đó cơ sở vật chất, không gian văn hóa, học liệu để nghiên cứu học tập những nội dung kiến thức liên quan đến Hà Nội còn thiếu, chưa được đầu tư.
Ngay như tài liệu giáo dục địa phương cũng vướng mắc trong việc tổ chức in ấn và phát hành. Theo ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, lý do là vì việc này liên quan đến các thủ tục pháp lý, đấu thầu hay tham mưu để thành phố cấp ngân sách in. Giải pháp là tìm phương án để xã hội hóa, tổ chức, in ấn kịp thời.
Khó khăn của Hà Nội gặp phải cũng tương tự với nhiều địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, với ý nghĩa quan trọng là Thủ đô của cả nước, nhiều ý kiến đề xuất giáo dục địa phương của Hà Nội phải là một môn khoa học.
Theo TS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, Chủ nhiệm Đề án 1209, môn học này sẽ giúp học sinh thêm yêu Hà Nội, là nguồn nhân lực trẻ có khát vọng vươn lên thực hiện các nhiệm vụ cao cả mà Đảng và nhân dân cả nước giao trách nhiệm cho Thủ đô.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Phùng Hữu Phú - Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, giáo dục địa phương của Hà Nội phải là giáo dục Hà Nội học cho học sinh phổ thông. “Đã đến lúc đưa Hà Nội học trở thành môn học chính của giáo dục phổ thông. Thành ủy Hà Nội cần sớm có cuộc làm việc với Bộ GDĐT về nội dung này; đồng thời sớm ban hành chủ trương để phát triển ngành Hà Nội học” - ông Phú kiến nghị.
Bài toán đội ngũ
Không phải đến bây giờ mà đã từ nhiều năm nay, vấn đề cần phải nghiên cứu Hà Nội học một cách hệ thống, có tính liên ngành đã được đặt ra. Khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nội dung giáo dục địa phương, gồm kiến thức về Hà Nội, yêu cầu này lại càng được đặt ra bức thiết. Trong đó, yếu tố nguồn nhân lực cốt lõi (giáo viên) để truyền dạy, phổ biến kiến thức về Hà Nội ở mọi lĩnh vực cho thế hệ trẻ Thủ đô là vấn đề cần được quan tâm.
PGS.TS Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, cần thiết đưa môn Hà Nội học vào trong các trường từ tiểu học đến THPT. Trong đó, nhân tố quyết định thành công chính là đội ngũ giáo viên. Vì vậy, ông Liệu đề xuất Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cần phải mở mã ngành đào tạo cử nhân sư phạm về Hà Nội học để giảng dạy cho các trường. Có như vậy quá trình dạy và học mới thực sự hiệu quả và bổ ích cho người học.
Thực tế hiện nay các thầy cô giảng dạy môn giáo dục địa phương của Hà Nội chưa được trang bị kiến thức chuyên sâu về Hà Nội cũng như thiếu hụt phương pháp truyền tải có hiệu quả kiến thức về Hà Nội học cho học sinh.
Tại Hội thảo Khoa học “Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội – thực trạng và giải pháp” được tổ chức mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cần chú trọng truyền tải các thông tin, kiến thức về Hà Nội học cho sinh viên. Trong đó, Hà Nội học phải trở thành môn học mũi nhọn trong chương trình nghiên cứu và đào tạo của nhà trường.
UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm 100% số giáo viên giảng dạy môn giáo dục địa phương ở 3 cấp tiểu học, THCS và THPT sẽ được bồi dưỡng cơ bản về kiến thức Hà Nội học. Đồng thời, đề án bảo đảm 100% số sinh viên sư phạm được đào tạo tích hợp kiến thức Hà Nội học khi tham gia học tập tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 16 tỷ đồng.