Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Cán bộ, công chức là công bộc, có bổn phận phục vụ nhân dân. Theo TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam, cán bộ, công chức phải đặt lợi ích của nhân dân, Tổ quốc lên trên hết, trước hết.
PV: Thưa ông, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm về đạo đức công vụ. Soi chiếu vào thực tế ngày nay chúng ta cần phải làm gì?
TS Nguyễn Viết Chức: Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất lớn. Trong các tác phẩm nổi tiếng của Người, có một tác phẩm ai cũng nhớ đến, đó là tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”. Cuốn sách tuy chỉ 100 trang nhưng nói lên rất nhiều điều. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc đến, xã hội dân chủ, một Nhà nước của dân thì cán bộ không thể giống “ông quan cách mạng”, “ông quan phụ mẫu”.
Năm 1947, chỉ 2 năm sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dù chính quyền còn non trẻ nhưng Bác Hồ đã yêu cầu sửa đổi lối làm việc. Soi rọi vào thời điểm nền công vụ hiện nay chúng ta thấy lề lối làm việc càng cần phải sửa đổi. Trong xã hội hiện nay, nếu không thay đổi lề lối làm việc, vẫn giữ những cái cũ thì sao có thể làm tốt được? Cho nên tư tưởng của Bác về sửa đổi lối làm việc, đạo đức công vụ có ý nghĩa rất lớn. Cách thức làm việc, cách tư duy, lối làm việc phải khác. Bên cạnh đó có một bài học rất quan trọng đó là, đã là cán bộ thì phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây chính là tư tưởng rất lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như vậy phải khẳng định tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh về vấn đề đạo đức công vụ là rất có ý nghĩa và đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Hiện nay, một bộ phận cán bộ bị tác động bởi nhiều yếu tố. Vậy làm sao để cán bộ giữ được mình, thưa ông?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rất nhiều về việc này. Đây là vấn đề không đơn giản. Đôi khi cán bộ của ta không hy sinh ở chiến trường mà “chết” bởi những viên đạn bọc đường. Người căn dặn, công tác cán bộ là cốt lõi, là then chốt. Bởi cán bộ là tất cả, nếu làm tốt công tác này mọi việc sẽ tốt. Nếu làm không tốt công tác này thì mọi việc sẽ hỏng. Vì mọi việc bắt đầu từ công tác cán bộ. Bộ máy có tốt hay không, đều là do cán bộ.
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay, nếu vẫn còn tình trạng “mua quan bán chức” là không thể chấp nhận được. Đảng đang rất quyết tâm, thậm chí có hẳn một nghị quyết về chống chạy chức, chạy quyền.
Đạo đức công vụ là vấn đề được đặt ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành đặc biệt là tại cơ sở nơi cán bộ tiếp xúc trực tiếp với dân. Trong khi người dân vẫn còn cảm thấy sự phiền hà, sách nhiễu của cán bộ thưa ông?
- Đây là vấn đề mang tính thời sự. Tại cơ sở, một số nơi người dân còn chưa hài lòng với chính quyền địa phương. Như vậy rõ ràng chính quyền chưa gần dân. Vẫn còn tác phong, cách thức làm việc xa rời nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, chúng ta làm cách mạng chứ không phải “làm quan” cách mạng. Các tư tưởng của Bác về đạo đức công vụ làm sao phải được thấm nhuần tới từng chi bộ, cán bộ đảng viên. Bởi cán bộ đảng viên làm mẫu thì quần chúng sẽ noi theo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rất nhiều và căn dặn cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện. Người cán bộ hôm nay được người dân kính trọng nhưng ngày mai chưa chắc đã được kính trọng nếu không giữ được phẩm chất. Người cán bộ cách mạng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Học tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh thì phải được triển khai trên thực tế. Bác Hồ luôn nói đi đôi với làm. Nền công vụ hiện nay phải học theo Bác, cái gì cũng phải thực tế, mang lại lợi ích cho cách mạng, cho nhân dân.
Cán bộ, công chức phải đặt lợi ích của tập thể, lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết. Học Bác không phải là những gì xa xôi, to tát, mỗi con người có thể học thông qua các công việc cụ thể, vì lợi ích của đất nước, nhân dân, đặt cái chung lên trên hết, ứng xử đúng mực về đạo đức công vụ.
Trân trọng cảm ơn ông!