Bệnh viện quá tải vì nắng nóng
Những ngày qua, nắng nóng diễn ra trên diện rộng, số trẻ em, người già nhập viện tăng đột biến tại các bệnh viện tuyến Trung ương.
Gia tăng bệnh nhân nhập viện
Nắng nóng với nền nhiệt cao khiến cuộc sống người dân đảo lộn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe như: Say nắng, say nóng, sốc nhiệt… Ghi nhận tại Bệnh viện Xanh Pôn, (Hà Nội) trung bình mỗi ngày, có tới 800 bệnh nhân nhập viện, tăng trên 15% so với trước. Trong đó, gần một nửa là trẻ nhỏ. Không ít trường hợp được đưa đến bệnh viện trong tình trạng khá nặng. Trước số bệnh nhân tăng cao, bệnh viện đã yêu cầu các khoa, phòng tăng cường thêm quạt mát, điều hòa nhiệt độ, nước uống. Đồng thời, thêm bàn khám bệnh, bàn thu viện phí, phân giờ khám...
Trong khi đó, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi trung ương mỗi ngày tiếp nhận từ 2.500 - 3.000 bệnh nhi đến khám trong tình trạng ho, viêm hô hấp cấp, sốt cao dài ngày, nôn trớ, tiêu chảy, sốt virus, viêm não, phát ban... do thời tiết nắng nóng gây ra.
BS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, thời gian gần đây, số lượng trẻ đến khám tại bệnh viện gia tăng. Nhiều gia đình không đưa người bệnh đi khám ở tuyến tỉnh mà lên thẳng bệnh viện tuyến trung ương khám để yên tâm hơn. Do vậy, bệnh viện luôn rơi vào tình trạng quá tải, căng thẳng. Đa số trẻ đến khám đều mắc các triệu chứng ho kéo dài, sốt cao, nôn trớ, tiêu chảy. Nhiều trẻ đã ốm bệnh kéo dài nhiều ngày mới được bố mẹ đưa đến khám.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng bệnh nhân nhập viện cũng tăng nhanh. BS Ngô Minh Nguyệt - Trưởng khoa Da liễu cho biết, thời tiết nắng nóng khiến người dân đến khám với các triệu chứng ngứa ngáy, mẩn đỏ, sẩn mề đay gia tăng, chiếm 10-20% số ca bệnh đến khám hàng ngày. Nguyên nhân do trời nắng nóng làm giãn mạch, các tế bào cũng hô hấp nhiều hơn, da tiết mồ hôi nhiều, cùng với bụi bặm, nắng gắt càng da tăng các phản ứng dị ứng. Thời tiết nắng nóng cũng làm gia tăng các độc tố trong thức ăn, do đó người bị dị ứng bởi thức ăn cũng tăng.
Cùng với đó, lượng người già nhập viện do tai biến, đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai cũng tăng lên. Còn tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, nắng nóng gay gắt cũng khiến nhiều người cao tuổi phải nhập viện. Bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho nhiều người cao tuổi bị tai biến mạch máu não và viêm phổi.
Nguy cơ say nắng, say nóng
Nhiệt độ tăng cao khiến cơ thể người cao tuổi khó tự cân bằng, giảm sức đề kháng. Đây cũng là cơ hội để các bệnh lý mạn tính tái phát và có thể tiến triển nặng hơn. Bên cạnh đó, tình trạng say nắng, say nóng cũng thường xảy ra trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột.
BS Đặng Hoàng Điệp - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, say nắng, say nóng không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... mà còn có khả năng dẫn đến đột quỵ. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.
Theo BS Hiệp, các dấu hiệu nhẹ ban đầu của say nắng, say nóng gồm: Nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da, có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Các biểu hiện nặng hơn thường bao gồm: Tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh, bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê. Khi thân nhiệt tăng quá cao còn gây rối loạn điền giải nặng, rối loạn thăng bằng nội môi, có thể xuất huyết do rối loạn đông máu nặng. Nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
BS Điệp khuyến cáo, khi phải ra ngoài trời nắng nóng, người dân cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu. Đồng thời, đội mũ rộng vành, có điều kiện thì sử dụng kem chống nắng.
Cũng không nên làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút. Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm... Tạo không gian thoáng mát trong môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò... Việc này rất có ý nghĩa trong việc phòng chống bị say nắng, say nóng.
Các yếu tố dễ dẫn đến say nắng say nóng thường là do trẻ em hoặc người già có khả năng điều nhiệt, thích nghi kém với nắng nóng. Sự thiếu thích nghi với khí hậu nắng nóng hoặc tập luyện và làm việc trong môi trường nắng nóng. Một số yếu tố nguy cơ khác bao gồm: Mặc quần áo không phù hợp (quá dày, bó sát, không thấm nước, hấp thụ nhiệt…); Lao động trong môi trường nắng nóng, mất nước nhưng không uống đầy đủ nước, hoặc môi trường quá nóng làm mất nước nhanh chóng; Một số tình trạng bệnh lý, sốt, rối loạn nội tiết tố, béo phì…