Phát triển Hải Phòng đi đầu cả nước trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Ngày 20/5, UBND TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị công bố Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm định hướng toàn diện, từ cấu trúc, hướng phát triển không gian đô thị, xác định quy mô dân số và đất đai, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội - kĩ thuật - môi trường,... của thành phố. Đồng thời, tạo ra công cụ quản lý vĩ mô, cơ sở pháp lý để TP Hải Phòng thực hiện thành công Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân khẳng định: Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt với mục tiêu “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng bắc bộ và cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường hàng không và đường thủy nội địa… Tầm nhìn đến năm 2045-2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới”.
Quy hoạch điều chỉnh lần này cũng xác định rõ mục tiêu trọng tâm là xây dựng TP Hải Phòng với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao, bền vững, hoàn thiện đô thị loại I, đáp ứng tiêu chí đô thị đặc biệt năm 2030 và phát triển TP Hải Phòng theo mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”, với cấu trúc không gian: Hai vành đai - Ba hành lang - Ba trung tâm và các đô thị vệ tinh…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đề nghị, TP Hải Phòng phối với các Bộ, ban, ngành có liên quan sớm triển khai các công việc trọng tâm như: Tổ chức rà soát, lập các chương trình, khu vực và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thành phố; tổ chức lập Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Đình Vũ – Cát Hải, Quy hoạch xây dựng Khu du lịch Cát Bà…; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, đồng bộ với việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cũng nhấn mạnh, khi nghiên cứu triển khai các dự án đầu tư tại các khu vực bãi bồi, lấn biển cần phải tuân thủ các quy định về thiết lập hành lang bảo về bờ biển theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đồng thời, phải đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng, ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.
Đối với chủ trương di dời các cơ quan, nhà máy trong khu vực đô thị trung tâm để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cần đặc biệt xem xét lộ trình, đảm bảo lợi ích của nhà nước và chủ đầu tư và tuân thủ các quy định pháp luật về tài sản công, đất đai, đấu thầu,…