Kiềm chế hỏa hoạn

PHƯƠNG CHI 21/05/2023 08:48

Bộ Công an cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 522 vụ cháy, làm chết, bị thương 46 người. Đáng lo ngại, các vụ cháy liên tiếp xảy ra trong ngày 12, 13, 17/5 vừa qua (tại Hải Phòng 1 vụ, Hà Nội 2 vụ) làm 7 người thiệt mạng tiếp tục đặt ra yêu cầu cấp bách về phòng, chống cháy nổ đối với người dân, gia đình, cơ quan, doanh nghiệp.

Hiện trường vụ cháy sáng 13/5, tại nhà dân ở phố Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội khiến khiến 4 người tử vong. Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an.

Số vụ hỏa hoạn chủ yếu tại nhà dân

Theo điều tra, số vụ cháy chủ yếu xảy ra tại nhà dân là 48 vụ (chiếm 41,03%); 18 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh (chiếm 15,38%); 13 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh (chiếm 11,11%); 12 vụ cháy phương tiện giao thông (chiếm 10,26%); 7 vụ cháy rừng (chiếm 5,98%); 2 vụ cháy trụ sở làm việc (chiếm 1,71%)…

Đáng lưu ý, Bộ Công an đã làm rõ nguyên nhân 46/117 vụ (chiếm 39,32%), trong đó do sự cố hệ thống, thiết bị điện 32 vụ (chiếm 27,35%); do sơ suất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 8 vụ (chiếm 6,84%); 2 vụ do sự cố kỹ thuật (chiếm 1,71%) và do nguyên nhân khác 4 vụ (chiếm 3,42%). Các vụ cháy chủ yếu xảy ra ở khu vực thành thị với 68 vụ (chiếm 58,12%), nông thôn 49 vụ (chiếm 41,88%).

Tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội vừa kích hoạt thêm 18 điểm chữa cháy công cộng và ra mắt thêm 2 Tổ liên gia an toàn PCCC. Ông Đoàn Văn Dương - Chủ tịch UBND phường Tứ Liên cho biết: Chúng tôi xác định việc kích hoạt các điểm chữa cháy công cộng và ra mắt Tổ liên gia an toàn PCCC là nhiệm vụ quan trọng cần làm ngay.

Trong tháng 4, tình hình cháy tại khu dân cư, nhà dân diễn biến phức tạp, chiếm tỷ lệ cao (chiếm 38,4%), xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người; tình hình cháy tại các cơ sở sản xuất, kho tàng và phương tiện giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp.

Rạng sáng 17/5, một ngọn lửa lớn bất ngờ bùng cháy tại nhà dân ở quận Ba Đình, Hà Nội khiến nhiều tài sản bị thiêu rụi. Thời điểm xảy ra cháy trong nhà có 1 cụ già, 1 cặp vợ chồng và 2 bé trai. May mắn mọi người đã leo từ ban công, men sang nhà hàng xóm để thoát thân. Trước đó, chỉ trong 2 ngày 12 và 13/5, đã xảy ra liên tiếp 2 vụ cháy nhà dân tại Hải Phòng và Hà Nội khiến 7 người thiệt mạng. Cả 2 vụ hỏa hoạn này dù diện tích bị cháy không quá lớn nhưng thiệt hại về người rất nặng nề, khiến cộng đồng không khỏi bàng hoàng.

Với riêng TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Công an TP Hà Nội thông tin: Trong 10 năm (tính từ 2013 đến 14/3/2023) trên địa bàn TP xảy ra 4.747 vụ cháy nổ; làm 154 người chết, bị thương 242 người, tài sản thiệt hại ước tính 1.401 tỷ đồng và khoảng 135ha rừng. Ngoài ra, còn có 5.244 vụ chập điện trên cột, 6.772 sự cố (chập điện trong nhà, phế liệu…). Tình hình cháy nổ trong 10 năm qua diễn biến phức tạp, thiệt hại về người và tài sản cao (154 người chết, 242 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 1.401 tỷ đồng). Địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở các quận nội thành xảy ra 2.983 vụ, (chiếm 63,03%). Loại hình cơ sở xảy ra cháy chủ yếu ở thành phần kinh tế tư nhân (nhà kho, xưởng sản xuất, các cơ sở kinh doanh dịch vụ…) và các hộ gia đình (nhà dân đơn lẻ, chung cư cao tầng, khu tập thể). Nguyên nhân gây cháy liên quan đến hệ thống thiết bị điện chiếm tỷ lệ cao (81,4%).

Thực tế cho thấy thời gian qua mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn còn không ít người dân còn chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thậm chí cố ý vi phạm quy định PCCC… Đáng nói là ngay cả việc xây nhà cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi cháy nổ xảy ra.

Phòng trộm hơn phòng cháy

Theo ghi nhận, các nhà ống trong khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh được người dân sắp xếp thiếu khoa học, chắn hết lối đi, cửa thoát hiểm duy nhất thường là cửa chính khi đã bắt lửa thì không thể có lối thoát. Rồi tại khu vực sân thượng và các cửa sổ hầu hết đều được hàn kín thành các “chuồng cọp”. Cách thiết kế này gây hạn chế cho công tác cứu hộ và cứu nạn, người ở trong nhà cũng khó thoát thân khi xảy ra hỏa hoạn. Như vụ cháy xảy ra sáng 13/5, tại nhà dân ở phố Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội khiến khiến 4 người tử vong, theo quan sát, ngôi nhà dạng ống, được che chắn bởi giàn khung thép kiên cố để chống trộm, lối thoát hiểm chính là cửa ra vào cũng được làm vật liệu sắt thép nên lực lương cứu hộ không kịp ứng phó. Trên địa bàn Hà Nội từng xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng từ những loại hình nhà ở dạng ống, nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Như vụ hỏa hoạn vào rạng sáng 21/4/2022 tại căn nhà có 2 tầng, 1 tum với diện tích khoảng 41m2 ở ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên, quận Đống Đa khiến 5 người tử vong thương tâm. Rồi vụ cháy vào rạng sáng 4/4/2021 tại nhà số 311 Tôn Đức Thắng đã làm 4 người thiệt mạng.

Ở góc nhìn chuyên môn, KTS Trần Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế & Xây dựng Top Design cho biết, việc xây dựng nhà liền kề tại đô thị hiện nay nảy sinh bất cập lớn, đó là chỉ có cửa ra vào theo một hướng. Trong nhà cũng không được thiết kế thang bộ dự phòng để thoát hiểm nên khi xảy ra sự cố cháy nổ việc thoát hiểm trở nên khó khăn, phức tạp, đặc biệt với đám cháy ở phía cửa ra vào lại càng nguy hiểm hơn.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong chỉ huy và trực tiếp tham gia nhiều vụ chữa cháy, Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho rằng: Xu hướng phòng trộm mà quên phòng cháy diễn ra ở hầu khắp các dạng nhà. Những nhà dạng ống gần như chỉ có cầu thang trong nhà là lối thoát hiểm duy nhất. Nhưng khi có cháy, lối thoát này đã bị khói, lửa chặn. Với phương thức tối ưu nhất của lực lượng PCCC là phải cắt dỡ lồng sắt để mở đường cứu nạn. Tuy vậy, việc cắt lồng sắt khá mất thời gian dẫn tới không kịp cứu người. Do đó, những “chuồng cọp” càng được gia công kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn bởi đường thoát hiểm đã bị bịt kín.

Về công tác đảm bảo an toàn PCCC với các loại hình nhà ống, nhà ở kết hợp kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội khuyến cáo: Người dân không được bịt kín hoàn toàn ngôi nhà của mình mà nên chủ động mở lối thoát hiểm ở ban công hoặc khu vực tầng thượng. Trong trường hợp lắp “chuồng cọp” thì gia chủ phải thiết kế ô cửa có khóa và để chìa khóa ở nơi dễ lấy. Khóa này cũng phải được mở thường xuyên, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố, do mất bình tĩnh nên không tìm thấy chìa khóa hoặc khóa bị gỉ sét, khó mở. Khi xảy ra hỏa hoạn, người trong nhà có thể thông qua các ô cửa này thoát ra ngoài. Nhà dân liền kề nên cùng nhau xây dựng phương án để tạo ra lối thoát hiểm ở ban công, từ nhà này sang nhà khác để khi xảy ra cháy có thể trợ giúp.

Nâng cao nhận thức người dân

Theo đó, Đại tá Phạm Trung Hiếu nhấn mạnh: Người dân cần phải luôn ý thức và chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như: ban công, sân thượng...; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại ban công của nhà; không khóa cửa lên mái, trường hợp cửa có khóa cần quy định vị trí để chìa khóa.

Để nâng cao ý thức người dân, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình như: “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”, “Điểm chữa cháy công cộng” và thường xuyên tổ chức tập huấn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho các hộ gia đình kết hợp nhà ở với sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”…

Như tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội vừa kích hoạt thêm 18 điểm chữa cháy công cộng và ra mắt thêm 2 Tổ liên gia an toàn PCCC. Ông Đoàn Văn Dương - Chủ tịch UBND phường Tứ Liên cho biết: Chúng tôi xác định việc kích hoạt các điểm chữa cháy công cộng và ra mắt Tổ liên gia an toàn PCCC là nhiệm vụ quan trọng cần làm ngay. Bởi vậy, sau khi rà soát, tuyên truyền vận động được bà con đồng thuận, chung tay, UBND phường đã phối hợp với Công an quận Tây Hồ triển khai trên diện rộng để phòng ngừa cháy, nổ trước mùa hè nắng nóng đang bắt đầu.

Địa bàn phường Tứ Liên còn nhiều khu dân cư xen lẫn khu nhà xưởng xây dựng tạm nằm trong ngõ nhỏ, sâu trên 50m. Do đó, xe chữa cháy khó tiếp cận khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Việc rà soát, triển khai các điểm chữa cháy và Tổ liên gia an toàn PCCC là giải pháp hữu hiệu cho việc xử lý cháy ban đầu, hạn chế cháy lan, cháy lớn. Sự đồng loạt kích hoạt các điểm chữa cháy công cộng cho thấy ý thức trách nhiệm của người dân đã nâng cao tinh thần, trách nhiệm vì cộng đồng không cháy, nổ.

Cả nước đang vào mùa hè với nhiều đợt nắng nóng gay gắt và khô hạn làm gia tăng nguy cơ cháy nổ. Để phòng ngừa các vụ hỏa hoạn, đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đề cao hơn vai trò, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC. Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn cháy nổ, cảnh báo nguy cơ cháy nổ. Hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thoát nạn khi có cháy xảy ra nhằm nâng cao nhận thức người dân.

PHƯƠNG CHI