Giải ‘cơn khát’ nước sạch
Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao. Để bảo đảm nhu cầu nước sạch cho người dân Hà Nội, Sở Xây dựng đã chủ động lên phương án phân bổ, điều tiết nhằm bảo đảm nguồn cung. Tuy nhiên một số khu vực vẫn phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước cục bộ. Bên cạnh việc khan hiếm nước, giá nước sạch cũng đang rục rịch tăng khiến người dân không khỏi lo lắng. Vì vậy, “cơn khát” nước sạch vẫn là bài toán cần phải sớm có lời giải…
Nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao
Dự báo mùa hè năm nay nhiệt độ sẽ tăng cao hơn so với những năm trước, vì vậy nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân cũng sẽ tăng. Tuy nhiên theo nhận định của Sở Xây dựng, khả năng nguồn cung không đáp ứng đủ khiến hàng loạt các quận huyện của Hà Nội đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch cục bộ.
Mặc dù mới bắt đầu bước vào mùa hè, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông đã có thông báo tạm ngừng cấp nước vào đêm ngày 7 - 8/5/2023 do Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà giảm áp, ngừng cấp để thi công đấu nối. Anh Nguyễn Việt - cư dân Khu đô thị mới Dương Nội, Hà Đông lo lắng: Cứ đến mùa hè là chúng tôi lại lo thiếu nước sạch. Tháng trước nguồn nước sinh hoạt còn có màu đen, vẩn đục không thể sử dụng khiến cuộc của rất nhiều gia đình bị đảo lộn…
Trước đó, ngay từ cuối tháng 4 vừa qua, hàng trăm hộ dân ở Khu đô thị Văn Khê, Hà Đông đã rơi vào cảnh thiếu nước sạch. Tình trạng mất nước ngắt quãng đã diễn ra nhiều tháng gần đây gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt của khoảng 400 hộ dân. Không chỉ thức đêm để đợi nước, nhiều hộ dân đã phải mua nước sạch với giá đắt đỏ. Anh Đức, khu liền kề 8, khu đô thị Văn Khê cho hay: Tình trạng mất nước ngắt quãng diễn ra nhiều, có lần kéo dài cả tuần, nhưng khi nước về lại chảy nhỏ, phải dùng cả máy bơm nước thì nước mới vào bể, việc này diễn ra vào ban đêm khiến mọi người rất mệt mỏi. Thậm chí cư dân sống tại khu liền kề 7, khu đô thị Văn Khê còn phải mua nước ở ngoài để dùng trong những ngày mất nước với giá 200.000 đồng/khối, cao điểm giá nước lên đến 700.000 đồng/khối.
Tương tự, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng diễn ra tại khu vực Láng Hòa Lạc - nơi có khá đông sinh viên thuê trọ, lượng sinh viên đang đổ về đây đông đúc và không có đủ nước sinh hoạt để dùng. Theo chị Lý - quản lý 30 phòng trọ tại xóm trọ Nhàn Vượng (thôn 3, xã Thạch Hòa, Thạch Thất), từ tháng 3 người dân đã sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Để phục vụ khu trọ, mỗi ngày chị phải mua cả triệu đồng tiền nước từ xe téc nên thu không đủ bù chi.
Hay tại khu trọ Bắc Hà của bà Thi (thôn Vân Lôi, xã Bình Yên, Thạch Thất) có hơn 40 phòng, nhưng hơn nửa số phòng bỏ trống vì thiếu nước sinh hoạt. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn huyện Thạch Thất còn 11/ 23 xã chưa có hệ thống cung cấp nước sạch tập trung, trong đó bao gồm cả các xã xung quanh các Trường Đại học FPT, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong khi đó, dự kiến tháng 9 tới, 3.500 sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội và vài nghìn sinh viên Trường Đại học FPT tiếp tục chuyển lên đây và học tập.
Dự báo nhu cầu sử dụng nước mùa hè 2023, mới đây Sở Xây dựng Hà Nội vừa thông tin, tổng nhu cầu sử dụng trung bình trên địa bàn Hà Nội hiện khoảng 1.150.000-1.250.000m3/ngày - đêm. Bước vào cao điểm nắng nóng nhu cầu nước sạch sinh hoạt của người dân bình quân tăng cao hơn từ 5-10%, theo đó tổng mức tiêu thụ nước sạch sẽ khoảng 1.250.000-1.350.000m3/ngày đêm. Như vậy, tổng công suất cấp nước 1.530.000m3/ngày đêm cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong phạm vi cung cấp của hệ thống.
Tuy vậy, khả năng phân phối nước của các nhà máy trên địa bàn TP Hà Nội vẫn chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng nước tại các khu đô thị, đặc biệt tại địa bàn cấp nước của Công ty cổ phần Viwaco (khu vực quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông) đang sử dụng phần lớn nguồn nước mặt sông Đà (khoảng 170.000-180.000m3/ngày đêm). Như vậy, khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao, công suất cấp nước không đáp ứng lúc cao điểm hoặc xảy ra sự cố đường ống, gần như toàn bộ địa bàn các quận trên bị ảnh hưởng. Các địa bàn khác sử dụng nguồn nước sạch sông Đà như khu vực dọc Đại lộ Thăng Long, các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức cũng rơi vào tình trạng này nếu đường ống nước sạch Đà gặp sự cố. Do đó, cao điểm hè một số khu vực cuối nguồn, cốt địa hình cao có thể rơi vào tình trạng thiếu nước cục bộ như: Khu vực đê quai đường Âu Cơ; ngõ 267, 317 và 333 phố Hoàng Hoa Thám; tập thể cao tầng khu 7,2ha Vĩnh Phúc; đường Láng; phố Pháo Đài Láng, Vũ Ngọc Phan; ngõ 273, 295 phố Nguyễn Khoái; đầu phố Lò Đúc - Lê Văn Hưu - Hàn Thuyên; ngõ Giếng Mứt; đê Tô Hoàng, phố Lê Thanh Nghị...
Còn tại địa bàn cấp nước của Công ty CP Viwaco (khu vực quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông) khả năng cung cấp nước trung bình khoảng 234.000m3/ngày đêm, vào ngày nắng nóng nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng lên khoảng 254.000 - 264.000m3/ngày đêm. Và khi cung không đủ cầu, công suất cấp nước không đáp ứng lúc cao điểm hoặc xảy ra sự cố đường ống, các khu vực như Khương Đình, Khương Mai, Định Công, Phương Liệt, Thịnh Liệt, Phú Đô, Mễ Trì, đường Đồng Bát, phố Trần Bình, khu vực đường K2 Cầu Diễn và các khách hàng lớn như HTX Mỹ Đình, KĐT Mỹ Đình 2, chung cư 183 Hoàng Văn Thái, chung cư Hateco Xuân Phương… việc cấp nước sẽ bị gián đoạn.
Dù vậy, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng có thể xảy ra, Sở đã yêu cầu các đơn vị cung cấp nước sạch đảm bảo duy trì sản xuất, cung cấp tổng công suất khoảng 1.370.000 – 1.530.000m3/ngày đêm. Đồng thời bổ sung các giải pháp kỹ thuật cần thiết và vận hành nhà máy với công suất ngày cao nhất theo thiết kế, vận hành điều tiết hệ thống mạng lưới đáp ứng nguồn cung cho các khách hàng trong phạm vi dự án trong thời gian cao điểm.
Giá nước lại rục rịch tăng
Nước không chỉ thiếu mà tới đây người dân Hà Nội sẽ phải chi thêm tiền khi giá nước sẽ được điều chỉnh tăng (dự kiến từ tháng 7 tới). Là hộ kinh doanh giặt là, mỗi tháng cửa hàng của chị Hằng, ngách 15, ngõ 102 Trường Chinh, quận Đống Đa tiêu thụ gần 2 triệu đồng tiền nước. Với giá nước dự kiến điều chỉnh tăng tới đây chị lo lắng: Điện vừa tăng giá, rồi đến nước cũng tăng thì chắc chắc tôi sẽ phải tính toán để tăng giá mỗi sản phẩm giặt là, như vậy lượng khách sẽ giảm, tình hình kinh doanh của cửa hàng sẽ khó khăn hơn.
Thấp thỏm lo sợ với tình hình vật giá leo thang theo giá điện, nước, nhiều người phải cắt giảm chi tiêu. Bà Hiền, cán bộ hưu trí quận Cầu Giấy cho biết: Vào mùa hè, gia đình tôi (5 người) phải đóng hơn 500 ngàn đồng/tháng tiền nước. Tới đây giá nước tăng, trong khi nguồn thu nhập vẫn vậy nên chúng tôi rất khó khăn, tôi mong Nhà nước quan tâm cân nhắc việc tăng giá để cuộc sống của người về hưu chúng tôi được ổn định.
Mới đây, Sở Tài chính vừa có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP từ tháng 7/2023. Bên cạnh đó Hà Nội cũng đang cân đối giá nước sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Từ thực tế hiện tại, Sở Tài chính Hà Nội đã trình phương án đề nghị UBND Thành phố điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt, đó là điều chỉnh giá 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30m3/hộ/tháng. Cụ thể, với nhu cầu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức 100-150 lít/ngày/ người, mỗi hộ gia đình sẽ dùng 10-16m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng một tháng. Tại nông thôn, mức dùng 50-70 lít/ngày/ người, một hộ gia đình sẽ sử dụng 6-8m3/tháng nên số tiền họ phải chi thêm là 10.000-13.000 đồng/tháng.
Trong trường hợp Hà Nội áp dụng mức giá mới thì giá thu thực tế từ người dân vẫn tương đương hoặc thấp hơn so với các tỉnh, thành phố. Cụ thể, tiền nước phải chi trả 10m3 đầu tiên của người dân Hà Nội là 75.000 đồng/hộ, Bình Dương 101.500 đồng/hộ, Quảng Ninh là 81.000 đồng/hộ, Điện Biên 80.000 đồng/hộ. Đây là mức giá được cho là phù hợp trong bối cảnh chi phí đầu vào, nguyên vật liệu, nhân công đều tăng cao so với 10 năm trước, trong khi đó áp lực bảo đảm chất lượng nguồn nước luôn là ưu tiền hàng đầu.
Liên quan tới việc điều chỉnh mức giá nước sinh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là tiền đề để thành phố có những điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng nguồn cung cũng như bảo đảm nâng cao chất lượng nguồn nước sạch.
Về vấn đề này, theo TS Hoàng Thị Huê - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển hướng từ quản lý cung cấp nước sang quản lý cầu về nước giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược quản lý nguồn nước ngọt đang ngày càng khan hiếm. Phương thức quản lý cầu về nước sinh hoạt đô thị đã được chứng minh là một phương thức quản lý rất hiệu quả trong bối cảnh nhiều khó khăn trong hoạt động cấp nước sinh hoạt cho đô thị. Theo cách quản lý này, việc quản lý giá nước hợp lý và khung giá nước phù hợp cần tính đúng, tính đủ. Tiếp tục áp dụng mức giá lũy tiến để tăng cường tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nước sạch đô thị. Đồng thời, việc tăng giá nước cần có lộ trình hợp lý và sự đồng thuận của người tiêu dùng.
Ông Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội: Hạn chế thấp nhất gián đoạn khả năng cấp nước
Sở đã xây dựng các giải pháp ứng phó với những tình huống cụ thể gây gián đoạn khả năng cấp nước. Cụ thể, trong trường hợp có sự cố vỡ ống hoặc giảm áp lực, thiếu nguồn từ Nhà máy nước mặt sông Đà, Công ty Viwasupco sẽ duy trì vận hành tối ưu nhà máy và van điều tiết đảm bảo tuyến ống dẫn truyền số 1, sẵn sàng đấu nối bổ sung sử dụng đoạn tuyến số 2 đã hoàn thành. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ vật tư, vật liệu, ống dự phòng, phương tiện, thiết bị và nhân lực thi công thực hiện sửa chữa, khắc phục sự cố vỡ ống để cung cấp nước cho người dân một cách nhanh nhất.
Trong thời gian này, Công ty CP Viwaco sẽ phối hợp với Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà điều tiết, sử dụng nguồn nước sạch 30.000m3 từ bể chứa trạm điều tiết Tây Mỗ để cấp nước cho các khu vực. Phối hợp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty CP Nước mặt sông Đuống điều tiết, sử dụng tối đa nguồn nước sạch sông Đuống cho đơn vị tại các điểm kết nối hỗ trợ cấp nước giữa các đơn vị nhằm đảm bảo việc cấp nước.
Tương tự, khi Nhà máy Nước mặt sông Đuống xảy ra sự cố hoặc tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa đường ống truyền dẫn Công ty CP Nước mặt sông Đuống sẽ khẩn trương tổ chức phương án sửa chữa khắc phục sự cố, đặc biệt là các đường ống qua sông để đảm bảo kế hoạch cấp nước an toàn; xây dựng phương án cấp nước, giảm thiểu ảnh hưởng do thiếu nguồn cấp từ nhà máy nước mặt sông Đuống. Đồng thời, đưa vào sử dụng vận hành đoạn tuyến số 2 đã hoàn thành.
Và trong thời điểm này, Công ty Nước sạch Hà Nội sẽ triển khai phương án khai thác nguồn cấp nước dự phòng, phát huy tối đa công suất thiết kế để bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy Nước mặt sông Đuống; Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà sẽ tăng công suất, bổ sung nguồn cấp cho Công ty CP Viwaco, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và Công ty TNHH Nước sạch Hà Nội để bù đắp nguồn nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Đuống, để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng có thể xảy ra.
TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính): Nhà nước cần kiểm soát việc tăng giá nước sạch
Đây không phải là lần đầu tiên đưa ra đề xuất tăng giá nước sạch. Với những tính toán của doanh nghiệp, việc tăng giá nước sạch là cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là minh bạch các yếu tố đầu vào, cơ cấu tính giá và tác động của tăng giá đến đời sống.
Mặt khác, nước sạch là một mặt hàng độc quyền vì thế Nhà nước cần kiểm soát việc tăng giá nước sạch cũng như giá cả của mặt hàng này sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế sản xuất và không gây lo ngại trong dân. Chính vì nước sạch là mặt hàng độc quyền nên cần thiết phải đảm bảo đủ chi phí cho công ty nước sạch thì đơn vị này mới có thể tồn tại được. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần kiểm soát chi phí này.
Hiện thị trường dịch vụ nước sạch còn nhiều vấn đề chưa hoàn chỉnh, từ khâu tổ chức đến khâu điều tiết, vận hành thị trường. Việc thu hút đầu tư tư nhân là cần thiết để mở rộng nguồn cung nước sạch, đảm bảo được quyền tiếp cận nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, để tư nhân tham gia, các khuôn khổ, quy định cho thị trường cần được hoàn thiện thêm.