Hà Nội: CSGT đường thủy nỗ lực bảo đảm an toàn giao thông trước mùa mưa bão
Thời gian qua, cùng với lĩnh vực đường bộ, đường sắt, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy cũng tăng cường tuyên truyền kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn.
Hơn 600 trường hợp vi phạm bị xử lý
Thời gian qua, các cơ quan chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an TP Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp cụ thể kết hợp với việc tuyên truyền để các đơn vị kinh doanh vận tải, người lái phương tiện và người dân khi tham gia lưu thông đường thủy nội địa chấp hành nghiêm quy định.
Với tổng chiều dài gần 100 km, quản lý tuyến sông Hồng và sông Đuống công tác đảm bảo TTATGT của lực lượng CSGT đường thủy số 2 rất vất vả và khó khăn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông đường thủy, Đội CSGT đường thủy số 2 thường xuyên tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm.
Theo Đội CSGT đường thủy số 2, từ đầu năm đến nay đội đã xử lý 669 trường hợp vi phạm; phạt tiền gần một tỷ đồng. Trong đó, 537 trường hợp vi phạm chở hàng quá vạch dấu mớn nước; 19 trường hợp tàu hết đăng kiểm; 4 trường hợp vận chuyển hàng hoá không có hoá đơn chứng từ; 3 trường hợp vi phạm nồng độ cồn…
Theo chân Đội CSGT đường thủy số 2, PV Báo Đại Đoàn Kết đã cùng lực lượng chức năng kiểm tra hàng chục con tàu chở hàng và các bến phà qua sông. Qua kiểm tra, đa phần các lái tàu, chủ phương tiện đều chấp hành nghiêm các quy định. Chỉ có một chiếc tàu chở hàng bị lập biên bản do chở quá vạch mớn nước. Cùng đó, tổ công tác cũng tuyên truyền cho các lái phà qua sông phải chấp hành nghiêm, yêu cầu các thuyền viên thường xuyên nhắc nhở hành khách mặc áo phao để đảm bảo an toàn. Mặt khác, yêu cầu các lái tàu chủ động ứng phó trước mùa mưa bão sắp tới.
Đại úy Vũ Ngọc Thắng, cán bộ Đội cảnh sát đường thủy số 2 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, các phương tiện lưu thông trên tuyến đường thủy của đội quản lý thường chở các mặt hàng như cát, đất, than, một số khoáng sản. Ngoài ra, có các phương tiện chở hành khách qua sông tại các bến phà.
“Qua kết quả kiểm tra thực tế, kiểm tra hàng trăm phương tiện đường thủy thì mới có ba trường hợp đã vi phạm về nồng độ cồn. Đội đã tiến hành lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật”, Đại úy Thắng cho hay.
Về quy định xử phạt đối với vi phạm nồng độ cồn trong lĩnh vực giao thông đường thủy, theo quy định tại Nghị định số 139/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy (có hiệu lực từ 1/1/2022), mức phạt tối thiểu là 3 triệu đồng và tối đa 35 triệu đồng.
Lý giải về mức độ nguy hiểm khi lái tàu, Đại úy Thắng chia sẻ, về việc người điều khiển vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đường thủy mức độ nguy hiểm cũng như trên đường bộ. Tuy nhiên, đường thủy có đặc thù riêng so với đường bộ là các phương tiện thường lưu thông trên tuyến đường dài. Hàng quán ở trên sông cũng không có nhiều nên việc người điều khiển phương tiện dừng đỗ tại các quán ăn, nhà hàng để sử dụng rượu, bia rất hạn chế.
Việc kiểm tra xử lý gặp không ít khó khăn
Theo Đại úy Thắng, việc tuần tra trên đường thủy cũng gặp nhiều khó khăn hơn khi kiểm tra một phương tiện trên đường bộ. Việc kiểm tra, xử lý và lập biên bản đối với một phương tiện đường thủy cũng sẽ tốn nhiều thời gian. Bởi khi phát hiện vi phạm đội phải đưa tàu vào sát mép bờ để xử lý tránh ảnh hưởng đến các phương tiện khác đang lưu thông.
“Tuy nhiên, để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chúng tôi thường xuyên chia thành các nhóm nhỏ sử dụng cano để đi kiểm tra. Khi phát hiện vi phạm sẽ báo đàm để gọi các nhóm về cùng xử lý vi phạm không để kéo dài thời gian”, vị Đại úy này cho hay.
Đặc biệt, sắp đến mùa mưa Đội CSGT đường thủy số 2 cũng thường xuyên nhắc nhở các bến phà chở khách qua sông phải thường xuyên kiểm tra các thiết bị đảm bảo an toàn trên phà để hành khách yên tâm trên những chuyến đi.
Theo Đại úy Thắng, thông thường mùa mưa bão sẽ diễn ra từ đầu tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Thực tế, nhiều năm nay trên địa bàn đơn vị quản lý gần như không xảy ra các trường hợp tai nạn giao thông. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn đội cũng thường xuyên nhắc nhở các chủ tàu, lái tàu.
“Tại các bến phà qua sông, đặc biệt là trước, trong và sau mùa mưa bão đơn vị cũng thường xuyên phối hợp tuyên truyền cho các chủ bến đò, nhất là trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi phát cho hành khách. Đảm bảo các điều kiện hoạt động an toàn khi vận chuyển hành khách.
Đối với các tàu chở hàng hóa đơn vị cũng yêu cầu các phương tiện không chở quá mớn nước an toàn khi tham giao thông”, Đại úy Thắng nhấn mạnh.
Tại khoản 3 Điều 24 Nghị định 139/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang trong ca trực mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/01 lít khí thở;
Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở;
Phạt tiền từ 20-35 triệu nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ côn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/01 lít khí thở.
Ngoài ra, trường hợp bị xử phạt trong khung 3-5 triệu đồng bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 1-2 tháng; bị phạt tiền trong khung 20-35 triệu đồng bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 2-4 tháng.
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, mức xử phạt vi phạm về nồng độ cồn đối với thuyền viên, người làm việc trên phương tiện thủy tại Nghị định số 139/2021 tăng hơn 100 lần so với quy định trước đó.