Dinh dưỡng cho thí sinh mùa thi để đảm bảo sức khỏe
Việc tăng cường bổ sung dưỡng chất cho các sĩ tử là điều cần thiết trong giai đoạn thi cử.
Theo SKĐS, không chỉ diễn ra trong vài ngày, việc thi cử được coi như một cuộc đua đường dài diễn ra trong một khoảng thời gian vài tháng. Vì vậy việc chăm sóc sức khỏe cho các sĩ tử trong thời gian ôn thi là điều vô cùng quan trọng.
Kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT đang cận kề, việc bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho các sĩ tử là điều cha mẹ cần lưu ý, nhất là trong thời tiết nắng nóng của mùa thi.
Do vậy đây là thời điểm căng thẳng, áp lực do khối lượng bài vở lớn, cường độ học tập cao, căng thẳng. Việc không đảm bảo được sức khỏe sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng ôn luyện của các sĩ tử. Chính vì thế, việc cha mẹ bổ sung dưỡng chất cần thiết và chăm sóc sức khỏe cho con trong thời điểm ôn thi này cực kỳ quan trọng.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Đối với những nhóm người thường xuyên căng thẳng và làm việc quá sức cần có chế độ ăn cân bằng với 4 nhóm thực phẩm như chất đạm, đường bột, rau xanh quả chín. Tuyệt đối không nên ăn nhiều chất đạm, thịt vì ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa gây đầy bụng, khó tiêu. Nên ăn nhiều rau xanh, bình quân người lớn nên ăn ít nhất 400g rau xanh/1 người/1 ngày".
Ngoài ra BS. Lâm cũng chia sẻ thêm, nhằm tránh triệu chứng chướng bụng, khó tiêu cho các con, cha mẹ nên bổ sung nhiều chế phẩm lên men từ rau xanh như kim chi, cà, dưa muối… hay các chế phẩm từ sữa lên men như sữa chua giúp tăng cường hệ vi sinh đường ruột.
Đồng thời, BS. Lâm cũng cho biết thêm: "Thời gian này sĩ tử cần phải thường xuyên vận động tập thể dục thể thao. Cha mẹ cũng cần xây dựng một chế độ ăn cân bằng đủ các nhóm thực phẩm. Ngoài ra cần hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm rán nướng".
Việc sử dụng nước ngọt, nước bò húc hay nước trái cây đóng chai nhằm tăng cường sức khỏe là không đúng với khoa học. Cũng theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nước ngọt hay nước trái cây đóng hộp có thành phần bao gồm cả hương liệu hóa tổng hợp, có rất nhiều đường. Người sử dụng thường xuyên những sản phẩm này rất có hại cho sức khỏe như thừa đường, có nguy cơ gây thừa cân béo phì, thậm chí mắc các bệnh mạn tính không lây như đái tháo đường, tim mạch.
BS. Lâm cũng khuyên cha mẹ có thể sử dụng trái cây tự nhiên để ép lấy nước cho trẻ uống, vừa tăng cường dưỡng chất, tránh những chất độc hại cho cơ thể, đồng thời cũng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, cafe là thức uống được nhiều người lựa chọn vì nó có tác dụng tỉnh táo, chống lại những cơn buồn ngủ. Tuy nhiên nếu lạm dụng có thể gây ra nhiều tác hại trầm trọng cho sức khỏe, nhất là đối với trẻ em, học sinh.
Trong cafe có caffeine, khi nạp quá nhiều chất này dẫn đến cảm giác căng thẳng, lo âu, bồn chồn, từ đó sẽ làm giảm hiệu suất công việc. Ngoài ra nhiều người khi uống cafe sẽ gặp một số vấn đề liên quan đến giấc ngủ, rối loạn tiêu hóa, tăng nhịp tim…
Việc ngủ đủ giấc là cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe trong thời gian dài ôn thi. Đối với các sĩ tử, khi sử dụng cafe thường xuyên sẽ làm rối loạn giấc ngủ, như vậy càng làm cho đầu óc căng thẳng hơn.
Trong thời gian ôn luyện, nhiều sĩ tử luôn trong trạng thái lo âu sẽ dẫn đến tình trạng chán ăn. Tình trạng này dẫn đến cơ thể bị thiếu chất, mất năng lượng trong học tập. Chỉ khi nào cơ thể đầy đủ dinh dưỡng, năng lượng dồi dào thì đầu óc mới minh mẫn tập trung ôn tập.
Cha mẹ cũng cần chú ý, không nên ép con ăn quá no, nên chia thành nhiều bữa nhỏ để bổ sung năng lượng cho các con. Tuyệt đối khi dùng bữa xong phải nghỉ ngơi khoảng 30 phút mới học bài tránh tình trạng đau dạ dày.
Ngoài ăn đầy đủ dưỡng chất thì việc cung cấp đủ nước cho cơ thể cũng vô cùng quan trọng. Sĩ tử nên bổ sung khoảng 2 lít nước mỗi ngày và tăng cường ăn các loại rau củ, hoa quả nhiều nước. Mỗi ngày có thể bổ sung thêm một ly sữa tươi hoặc sữa chua để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Đặc biệt, cha mẹ và các sĩ tử cần lưu ý, tuyệt đối không nên ăn những đồ lạ, những món ăn có hại cho tiêu hóa trong những ngày gần thi, tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.
Chuyên gia phương pháp học Nguyễn Đình Sơn - Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Tránh học đến kiệt sức
Kinh nghiệm tư vấn của tôi thấy rằng, áp lực thi cử của học sinh chủ yếu là do phương pháp dạy và học hiện nay. Người dạy theo một phương pháp nhưng mỗi học trò lại có một phương pháp học và ghi nhớ khác nhau.
Ở thời điểm nước rút này, các em lưu ý, với các môn tự nhiên, các em chỉ nên dành thời gian để xem lại công thức, các dạng đề còn chưa vững, không nên học ngày, học đêm đến kiệt sức. Với các môn xã hội, các em nên ôn, nắm chắc kiến thức nền tảng, cách ôn và học thuộc lòng, hay theo văn mẫu như mô hình của các trung tâm luyện thi. Học sinh cần có kỹ thuật học theo cách tiếp thu ưu điểm để nâng cao sức khỏe trí tuệ của mình. Bên cạnh đó các em cần chú ý đến sức khỏe cảm xúc để có tâm lý ổn định trong kỳ thi. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lựa chọn giúp con trường vừa sức để tránh tự tạo áp lực cho con.