Diễn biến nắng nóng thời gian tới thế nào?
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm nay đến sớm và khốc liệt hơn so với trung bình nhiều năm trước.
Theo SKĐS, dự báo trong tháng 6-8 sẽ là đỉnh điểm của mùa hè năm nay ở miền Bắc và miền Trung. Trong thời gian này, nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình, số ngày nắng nóng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022.
Nhiều điểm đo trở thành "chảo lửa" đầu hè
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm nay đến sớm và khốc liệt hơn so với trung bình nhiều năm trước. Ngay từ cuối tháng 3, khu vực Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xuất hiện nắng nóng gay gắt chính hè với nhiều kỷ lục nhiệt độ cao nhất ghi nhận được trong tháng 3 trên cả nước. Tính từ tháng 3 đến nửa đầu tháng 5, trên cả nước đã xảy ra 10 đợt nắng nóng diện rộng. Trong đó, đáng lưu ý đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt diện rộng từ 4-7/5.
Trong đợt nắng nóng này, 36 điểm đo tại các địa phương ghi nhận nắng nóng kỷ lục trong lịch sử quan trắc cùng thời kỳ, tập trung tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Bến Tre, Đồng Nai. Đáng lưu ý, nhiều điểm đo ghi nhận nhiệt độ rất cao trên 43 độ như Hồi Xuân (Thanh Hóa) 44.1 độ, Lạc Sơn (Hòa Bình) 43.4 độ, Quỳ Hợp (Nghệ An) 43.4 độ, Tây Hiếu (Nghệ An) 43.3 độ, Đô Lương (Nghệ An) 43.2.
Đáng lưu ý, chỉ tính riêng nửa đầu tháng 5, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1,5 độ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng khu vực Tây Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa-Quảng Ngãi, Tây Nguyên cao hơn từ 1,5-2 độ, có nơi trên 2 độ.
Cùng với nắng nóng là sự thiếu hụt về lượng mưa. Trong tháng 4/2023, tổng lượng mưa trên phạm vi cả nước phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 30-60%, một số nơi ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thấp hơn từ 70-100%. Tổng lượng mưa trong nửa đầu tháng 5 trên cả nước phân bố không đồng đều, cụ thể: Ở Bắc Bộ và Nam Bộ hầu hết thấp hơn từ 30-80%, khu vực Thanh Hóa đến Đà Nẵng, Tây Nguyên cao hơn 30-100%, khu vực Quảng Ngãi đến Bình Thuận phổ biến thấp hơn từ 30-70%.
Dự báo trong tháng 6-8 sẽ là đỉnh điểm của mùa hè năm nay ở miền Bắc và miền Trung. Trong thời gian này, nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình, số ngày nắng nóng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong điều kiện El Nino, hầu hết các vùng trong cả nước có nhiệt độ trung bình các tháng cao hơn bình thường, nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn, khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.
Cùng với nắng nóng kỷ lục, năm nay, nhiều vùng trên cả nước có thể đối mặt với hạn hán khốc liệt, cùng với đó là tình trạng xâm nhập mặn gia tăng trên các dòng sông, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất của người dân.
Diễn biến nắng nóng các tháng cao điểm
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết diễn biến nắng nóng thời gian tới khá phức tạp. Dự báo khả năng hiện tượng ENSO chuyển từ trạng thái trung tính sang El Nino từ tháng 6-8/2023 với xác suất khoảng từ 60-70%. Từ tháng 6 đến tháng 8/2023, có khoảng 5-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, trong đó có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Nắng nóng tiếp tục có khả năng xảy ra tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, số ngày nắng nóng năm nay xảy ra nhiều hơn trung bình nhiều năm và gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022. Bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển; ngoài ra hiện tượng mưa lớn, nắng nóng, dông, lốc, mưa đá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng ở các khu vực trên phạm vi toàn quốc.
Từ tháng 6-8/2023, nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm; riêng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tháng 7-8/2023 phổ biến cao hơn từ 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm.
Tổng lượng mưa hầu hết các khu vực trên cả nước thời kỳ từ tháng 6-8/2023 phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng tháng 8/2023 tổng lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 5-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Xu thế khí tượng, thủy văn, hải văn từ tháng 9-11/2023, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, hiện tượng Elnino tiếp tục xảy ra với xác suất từ 70- 80% và có khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024. Từ tháng 9-11/2023, số lượng bão/ áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông dự báo khoảng 04-05 cơn, ở mức xấp xỉ đến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm từ 05-06 cơn) và tác động chủ yếu đến khu vực Trung Bộ. Đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.
Giai đoạn này nắng nóng có xu hướng suy giảm hơn trong khoảng tháng 9/2023. Bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển; ngoài ra hiện tượng mưa lớn, nắng nóng, dông, lốc, mưa đá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng ở các khu vực trên phạm vi toàn quốc.
Từ tháng 9-11/2023, tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, nhiệt độ phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng khu vực Trung và Nam Trung Bộ tháng 9/2023 nhiệt độ cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nhiệt độ phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.