Đông Nam Á trong thời tiết cực đoan
Suốt nửa tháng qua, Đông Nam Á phải trải qua những ngày nắng nóng gay gắt. Nhiều quốc gia đã ghi nhận nền nhiệt ở mức kỷ lục trong vòng 40 năm. Trong khi đó, bão Mocha càn quét Myanmar, khiến 29 người thiệt mạng.
Nắng nóng kỷ lục bao phủ trên diện rộng
Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore cho biết, nước này đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong 40 năm qua là 39 độ C, tình trạng khô nóng sẽ còn tiếp diễn. Năm ngoái, nhiệt độ cao nhất mùa hè ở Quốc đảo Sư Tử là 36,7 độ C - theo Bloomberg.
Còn tại Malaysia, Thứ trưởng Bộ Y tế nước này, ông Lukanisman Awang Sauni, cho hay chỉ trong 1 ngày đã ghi nhận 14 trường hợp say nắng ở thủ đô Kuala Lumpur. Nắng nóng có thể còn kéo dài đến tháng 8 và đây rất có thể là mùa hè dữ dội nhất trong vòng nửa thế kỷ.
Tại Thái Lan, không khí của mùa tổng tuyển cử cũng không làm người ta quên đi cái nóng như đổ lửa trên khắp cả nước. Ủy ban thường trực hỗn hợp về Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng Thái Lan đưa ra cảnh báo nguy cơ hạn hán do El Nino gây ra là rõ ràng, với tình trạng biến đổi khí hậu làm cho các hiện tượng cực đoan về thời tiết xuất hiện. Tại Thủ đô Bangkok, đợt nắng nóng này dài nhất kể từ đầu mùa hè, khi nhiệt độ giữa trưa luôn ở mức 42 độ C.
Tương tự, cơ quan y tế Lào và Campuchia cũng cho biết, đợt nắng nóng này là chỉ dấu rõ ràng cho một mùa hè dữ dội, khi mà nhiều ngày liền nhiệt độ “đứng yên” ở mức 37 độ C tới 39 độ C.
Trong khi đó, giới khoa học khí tượng lại cho rằng Đông Nam Á và Nam Á đang phải đối mặt rủi ro do sóng nhiệt. Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế cảnh báo, các nước Đông Nam Á và Nam Á sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro do sóng nhiệt đang dần trở thành xu hướng. Nhiệt độ cực cao với chất lượng không khí kém ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, sức khỏe của hàng triệu người khi các ca bệnh về đường hô hấp, sốt xuất huyết, tim mạch gia tăng. Tình trạng sóng nhiệt tiếp tục được ghi nhận tại nhiều nước như Malaysia, Thái Lan, Nepal, Bangladesh, Ấn Độ… khi mà nhiệt độ cao nhất tới 45 độ C.
Trận bão bất ngờ đầu mùa hạ
Trong lúc nắng nóng như đổ lửa hoành hành ở Đông Nam Á, thì bất ngờ bão lại tấn công vào Myanmar. Siêu bão Mocha đổ bộ vào khu vực gần thành phố Sittwe (bang Rakhine) với sức gió lên đến 209 km/giờ, tương đương một cơn bão cấp 5 ở Đại Tây Dương.
Ngày 21/5, giới chức địa phương chính thức thông tin bão Mocha đã làm hư hại nhiều ngôi nhà, hệ thống lưới điện, mạng di động tại thành phố Sittwe và 2 thị trấn Kyaukpyu, Gwa. Gió lớn cùng những cơn mưa xối xả của bão Mocha được cho là bất ngờ khi vào thời điểm tháng 5 hàng năm Myanmar không có bão. Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào khu vực này trong hơn 10 năm qua. 29 người chết. Gần 900 ngôi nhà, 14 bệnh viện và các cơ sở y tế bị phá hủy. Nhiều thuyền bè đã bị hư hỏng nặng. Hàng trăm trạm viễn thông bị hư hại khiến liên lạc bị đứt đoạn.
Các đội ứng phó thảm họa và hơn 3.000 tình nguyện viên địa phương được đào tạo về ứng phó thảm họa và sơ cứu đã được triển khai.
Điều phối viên của Liên hợp quốc, ông Arjun Jain, nói: "Chúng tôi cho rằng cơn bão này sẽ có tác động nghiêm trọng hơn bất kỳ thảm họa thiên nhiên nào khác mà người dân ở Sittwe và 2 thị trấn Kyaukpyu phải đối mặt trong 5 năm qua. Khi bão đi qua, vấn đề sức khỏe đã bắt đầu”.
Các chuyên gia khí tượng cho rằng, chỉ trong một thời gian rất ngắn nhưng Đông Nam Á phải chịu đựng 2 hình thái thời tiết trái ngược là nắng nóng kỷ lục và mưa bão bất ngờ. Điều đó cho thấy cũng như Nam Á, Đông Nam Á là nơi sẽ xuất hiện nhiều dạng cực đoan của thời tiết và mùa hè 2023 có thể sẽ là mùa hè nóng nhất trong vòng nửa thế kỷ.
“Hiện tượng thời tiết cực đoan tuy không kéo dài nhưng lại gây ra thảm họa. Lý do chính là do con người không được chuẩn bị trước. Các quốc gia Đông Nam Á cần cảnh giác trước việc Myanmar bất ngờ bị bão tấn công ngay khi mới vào hè, nếu như không muốn phải rơi vào thảm họa” - cảnh báo của nhóm chuyên gia Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO).
Ngày 21/5, cơ quan khí tượng thủy văn EU cho biết, ở thời điểm hiện tại hạn hán đã khiến 2/3 các dòng sông tại châu Âu giảm dưới mức trung bình. Tại vùng Catalonia (Tây Ban Nha), 60% đất nông nghiệp khô cằn vì thiếu mưa. Tại Italy, sông Po - con sông lớn nhất đất nước, mực nước đã hạ xuống mức thấp kỷ lục trong 30 năm qua, tốc độ dòng chảy chỉ bằng 1/3 mức trung bình. Tác động từ những đợt khô hạn liên tiếp khiến giới khoa học cảnh báo, tình hình của châu Âu trong mùa hè năm nay có thể nghiêm trọng hơn năm ngoái - khi mà châu lục này trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 500 năm.