Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng
Góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, các quy định cần chú trọng đến bảo vệ người tiêu dùng khi giao dịch từ xa, trên không gian mạng đang diễn ra hiện nay, đồng thời phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Theo ông Hùng, để nâng cao chất lượng dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Ban soạn thảo cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật. Trong đó, cần được thể chế hóa rõ hơn các nội dung, như chính sách thương mại phù hợp với hội nhập quốc tế, nghiên cứu các biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, thi hành án trong lĩnh vực dân sự, hành chính, đầu tư, kinh doanh, thương mại và bảo vệ người tiêu dùng.
Đồng thời, các quy định của dự thảo Luật cần chú trọng đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát huy đúng đắn, đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với các luật liên quan, đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo các luật đang tiến hành sửa đổi, bổ sung như Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử để tránh chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, cũng cần tham chiếu quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR). Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, công tác xã hội hóa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng khi giao dịch từ xa, trên không gian mạng đang diễn ra hiện nay.
Mặt khác, trên thực tế người tiêu dùng không chỉ giao dịch trực tiếp mà còn mua bán hàng hóa, giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng, bên cạnh những thuận lợi do giao dịch trên mang lại thì người tiêu dùng cũng đang đối mặt với những rủi ro. Đó là người tiêu dùng có thể bị mua hàng không đảm bảo chất lượng, bị lợi dụng tên tuổi để gắn vào quảng cáo sản phẩm hàng hóa. Do đó, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định theo hướng quan tâm hơn đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, nhân lực trong việc bảo vệ người tiêu dùng hay hòa giải với các đơn vị bán hàng khi xảy ra kiện cáo, tranh chấp trong mua bán, phân phối hàng hóa.
Ngoài ra, việc bảo vệ người tiêu dùng không chỉ là cá nhân mà còn cần quan tâm đến đối tượng là các tổ chức, nhóm người tham gia mua bán sản phẩm, hàng hóa thông qua giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng. Việc bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế, người Việt Nam ở nước ngoài mua hàng hóa chưa quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi và bảo mật thông tin cá nhân, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, Ban soạn thảo dự án Luật cần đề cập quy định rõ hơn về bảo vệ thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng khi giao dịch, mua bán hàng hóa.
TS Nguyễn Văn Hùng cũng đề xuất, dự thảo Luật cần phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Sở hữu trí tuệ, thực hiện xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, dựa vào dân để giám sát thương hiệu, sản phẩm. MTTQ các cấp cũng phải xem đây là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của mình, chú trọng sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác giám sát của MTTQ về thực hiện nhiệm vụ xây dựng thương hiệu hàng hóa, bảo đảm nhu cầu và sức khỏe của nhân dân.