Đăng kiểm vẫn 'nóng'
Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, từ tháng 10/2022 đến giữa tháng 3/2023, cơ quan điều tra đã khám xét 68 trung tâm đăng kiểm (TTĐK), trong đó 55/281 TTĐK xe cơ giới phải tạm nghỉ, dừng hoạt động. Đến thời điểm kể trên, có tới hơn 400 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ đã bị khởi tố và bắt tạm giam. Trong đó, có cả Cục trưởng, nguyên Cục trưởng Đăng kiểm.
Từ đó, một số ý kiến bày tỏ nghi ngại việc đứt gãy và đổ vỡ hệ thống đăng kiểm xe cơ giới. Và cũng từ đó, Bộ Giao thông vận tải, ngành đăng kiểm đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính “cấp cứu”; trong đó có việc “nhờ” đăng kiểm viên quân đội, công an hỗ trợ. Đặc biệt nhất là đề xuất cho phép huy động đi làm cả những đăng kiểm viên đã bị khởi tố nhưng được cho tại ngoại. Đề xuất ấy đã nhận được nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến cho là không thể, vì phạm luật.
Cho tới nay, đăng kiểm xe cơ giới cũng đã “nguội” bớt, không còn cảnh xếp hàng “xuyên đêm” để được đăng kiểm. Nhưng cũng không hẳn là đã yên khi gần đây lại có nhiều người kêu ca. Nhất là có nhiều ý kiến bức xúc trước tình trạng từ khi các TTĐK áp dụng việc đăng ký qua ứng dụng hoặc qua website. Theo đó, việc này có thể giảm bớt tình trạng xếp hàng chờ đợi gây ùn tắc tại chỗ, nhưng thực ra thì ùn tắc lại dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, trong khi nhu cầu kiểm định phải thuận tiện cho người dân lại không đáp ứng được. Một số TTĐK chưa áp dụng đặt lịch qua ứng dụng thì cũng phải xếp hàng bốc số thứ tự theo thời gian thông báo, rất phiền phức và mất thời gian chờ đợi.
Bức xúc, có ý kiến cho rằng tình trạng ùn tắc đăng kiểm xe cơ giới không những chỉ “làm khó dân” mà còn gây ra thiệt hại về kinh tế rất lớn mà chưa cơ quan nào tính toán. Đáng chú ý khi nhiều người chỉ rõ để tình trạng ùn tắc trong việc đăng kiểm kéo dài thì phải tìm ra người phải chịu trách nhiệm chứ không thể bắt người dân và doanh nghiệp gánh hậu quả mà họ không gây ra.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiệp hội nhận được rất nhiều phản ánh, bức xúc của các doanh nghiệp liên quan đến đăng kiểm. Tất cả đều có chung quan ngại hậu quả từ hệ thống kiểm định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, vì họ sẽ bị phạt, bị chậm thực hiện các hợp đồng vận chuyển của khách hàng. “Ở một góc độ nào đó nó gây tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh doanh khác” - ông Quyền nói.
Vẫn theo vị chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô, thì việc miễn kiểm định lần đầu đối với xe chưa qua kiểm định tuy có tác động, nhưng số lượng xe dạng ấy cũng chỉ khoảng 500.000 xe/năm; trong khi có 3,1 triệu xe không kinh doanh vận tải đang lưu hành được giãn chu kỳ kiểm định, nhưng là giãn ở chu kỳ kiểm định tiếp theo. Do vậy, số lượng xe đến kỳ kiểm định hiện nay và trong thời gian tới vẫn rất lớn; trong khi cách làm của hệ thống đăng kiểm chưa thực sự hiệu quả.
Nêu giải pháp, có ý kiến tỏ ra khá gay gắt khi cho rằng nếu ai không làm được thì đứng qua một bên. Bao nhiêu cơ quan vào cuộc mà vẫn chưa giải quyết được, thiệt hại cho cả nền kinh tế. Cơ quan chức năng nên bỏ xử phạt chậm đăng kiểm đến khi nào TTĐK ổn định lại, vì có phải chủ xe gây ra hậu họa đâu. Lỗi là ở hệ thống đăng kiểm, họ gãy đổ, bị cơ quan chức năng “sờ gáy” dẫn đến ùn ứ trong đăng kiểm, không phải là lỗi ở chủ xe.
Tất cả những bức xúc ấy, dù là nhất thời đi chăng nữa thì rấ cần được lắng nghe. Và quan trọng hơn là phải nhanh chóng “thiết kế lại” hệ thống, để không gãy đổ mà phải là thông suốt.