Xét xử phúc thẩm cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Hôm nay (22/5), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ xét xử phúc thẩm vụ án đưa hối lộ, thông thầu gây thiệt hại 152 tỷ đồng xảy ra tại dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Phiên sơ thẩm diễn ra cuối năm 2022, khi đó bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch AIC bị tòa án xác định là chủ mưu, phải nhận 30 năm tù về các tội "Đưa hối lộ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Tòa còn cho rằng bị cáo vẫn đang bỏ trốn nên sẽ "thi hành án khi bắt được".
Cùng vụ án, cựu Bí thư Đồng Nai, ông Trần Đình Thành bị phạt 11 năm tù còn cựu Chủ tịch tỉnh này, ông Đinh Quốc Thái nhận 9 năm tù do mỗi người nhận hối lộ 14,5 tỷ đồng. Nhóm 33 bị cáo còn lại nhận thấp nhất án treo, cao nhất 25 năm tù.
Cũng trong phần tuyên án, TAND TP Hà Nội cho phép người thân, luật sư của 8 bị cáo vắng được quyền kháng cáo thay. Bốn anh chị ruột của Nguyễn Thị Thanh Nhàn căn cứ vào nội dung này làm đơn kháng cáo thay em gái.
Họ đề nghị cấp phúc thẩm: "Xem xét lại toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho em gái tôi".
"Em gái chúng tôi có đưa hối lộ hay không thì chỉ em ấy biết. Việc sử dụng lời khai của người khác để buộc tội em gái chúng tôi mà không có những chứng cứ khác, trong khi không có mặt em gái chúng tôi để lấy lời khai và đối chất làm rõ là không đảm bảo các quy định của pháp luật".
Cũng theo đơn: "Chúng tôi giả sử trường hợp ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; ông Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai khai lại rằng, thực tế không có việc nhận tiền từ em gái tôi thì rõ ràng em gái chúng tôi không có tội đưa hối lộ. Do đó chỉ dùng lời khai của bị cáo Thành, Thái làm căn cứ buộc tội là oan ức cho em gái chúng tôi".
Về tội "Vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", các anh chị của bà Nhàn nêu quan điểm: "Cô Hoàng Thị Thúy Nga là người nhận ủy quyền của Nhàn để toàn quyền quyết định trong đấu thầu… Nga hoàn toàn không báo cho Nhàn thì sao viện kiểm sát lại cho rằng Nhàn chỉ đạo cấp dưới thông thầu".
Bà Nga là cựu Phó Tổng giám đốc AIC, phụ trách khu vực phí nam. Trong vụ án tại Đồng Nai, người này bị phạt 12 năm tù về hành vi vi phạm đấu thầu.
Theo hồ sơ, dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được UBND tỉnh ra quyết định đầu tư năm 2007 với tổng số vốn 889 tỷ đồng nhưng đến tháng 5/2010, tăng lên 1.080 tỷ đồng.
Chỉ 2 tháng sau, tổng mức đầu tư lại được điều chỉnh, tăng lên 1,904 tỷ đồng. Tất cả có 5 lần điều chỉnh, vốn đầu tư tăng từ 889 lên tới 2.076 tỷ đồng; khởi công năm 2008 và hoàn thành năm 2018.
Trong các lần tăng vốn nói trên, tỉnh Đồng Nai gặp khó vào năm 2010 khi cần bổ sung vốn đầu tư thiết bị chuyên môn. Do vậy, bị can Trần Đình Thành khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai gọi điện cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn "nhờ" xin vốn Trung ương.
Bà Nhàn đồng ý việc "hỗ trợ tỉnh xin vốn". Cáo trạng không thể hiện nữ Chủ tịch AIC có tác động tới người, cơ quan có thẩm quyền hay không. Ông Thành cũng khai không rõ bà Nhàn "tác động bộ, ngành nào?".
Sau đó, đoàn công tác của Đồng Nai làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì dự án bệnh viện được tăng 30% tổng mức đầu tư để bổ sung phần thiết bị y tế. Ông Thành lập tức chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện hồ sơ bổ sung cho dự án.
Tiếp đến, bà Nhàn chỉ đạo nhân viên của mình là Hoàng Thị Thúy Nga gặp ông Trần Đình Thành và bị can Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai tại một nhà hàng.
Trong bữa ăn, ông Thành giao cho Vũ việc "tạo điều kiện" để AIC trúng thầu các gói thầu thiết bị y tế của dự án bệnh viện vì đây là doanh nghiệp có khả năng, uy tín và "có nhiều mối quan hệ với Trung ương, có công xin vốn cho tỉnh".
Sau đó, AIC thực sự trúng 16 gói thầu tổng trị giá 665 tỷ đồng tại Bệnh viện Đồng Nai sai quy định, gây thiệt hại 152 tỷ đồng. Bị cáo Nhàn và cấp dưới cũng hối lộ 43,8 tỷ đồng cho nhóm Thành, Vũ và Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.