Cảnh báo khi nắng nóng kéo dài
Thông tin từ Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện bình quân các hồ chứa thủy lợi tại Bắc bộ chỉ đạt 48% dung tích thiết kế, khoảng 1.100ha ở khu vực miền núi phía Bắc có nguy cơ bị hạn.
Nhiều địa phương thiếu nước canh tác
Tới ngày 2/5, tổng diện tích cây trồng vụ Xuân năm 2023 của tỉnh Cao Bằng có khả năng bị hạn là 375ha (lúa 145ha, màu 230ha) tập trung ở các huyện Hà Quảng, Hòa An, Thạch An, Trùng Khánh, Bảo Lạc. Diện tích không gieo trồng được là 140ha.
Tỉnh Lạng Sơn có nguy cơ hạn là 584ha; trong đó TP Lạng Sơn trên 69ha, các huyện Tràng Định trên 108ha, Văn Lãng gần 40ha, Bình Gia 6ha, Lộc Bình 182,5ha, Bắc Sơn 57,4ha, Cao Lộc 14,7ha, Chi Lăng 51,8ha, Hữu Lũng 45,6ha.
Còn tại Lào Cai, diện tích trồng lúa vụ Xuân của tỉnh thiếu nước, mặt ruộng khô cạn có khả năng ảnh hưởng đến năng suất cây trồng khoảng 138ha.
Theo Cục Thủy lợi, tại khu vực Bắc bộ, nước các hồ chứa thủy lợi đã xuống rất thấp so với dung tích thiết kế. Cụ thể: tỉnh Điện Biên 41%; Sơn La 21%; Hòa Bình 25%; Yên Bái 66%; Tuyên Quang 47%; Cao Bằng 23%; Lạng Sơn 36%; Thái Nguyên 54%; Phú Thọ 74%; Bắc Giang 56%; Quảng Ninh 46%; Vĩnh Phúc 29%; Hà Nội 25%; Ninh Bình 76%.
Còn tại khu vực Bắc Trung bộ, dung tích hồ chứa thủy lợi trung bình toàn vùng đạt 55,5% dung tích thiết kế. Dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi ở Nam Trung bộ đạt 71%; khu vực Tây Nguyên đạt 36%.
Chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết đã có văn bản gửi các địa phương để rà soát, đánh giá tình hình, nguy cơ hạn, thiếu nước để có những giải pháp ứng phó kịp thời. Dự báo của cơ quan chức năng cho biết, nắng nóng kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất lúa và cây ăn quả. Đối với lúa, các địa phương cần triển khai các giải pháp như tưới tiết kiệm, tạm trữ nước, gieo cây cấy vụ Mùa, Thu Đông các giống lúa ngắn ngày.
“Các địa phương căn cứ vào nguồn nước, điều kiện hạn hán có kế hoạch sản xuất mùa vụ thật linh động để tiết kiệm nước. Với những vùng khó khăn về nguồn nước, khi tính toán phải đủ nước cho ít nhất từ 2,5-3 tháng mới gieo cấy, còn không sẽ chuyển sang cây màu. Những địa phương đã cơ giới hóa, thu hoạch bằng máy cần chú ý giãn thời gian thu hái, không thu hoạch vào thời tiết nóng quá” - ông Đức lưu ý.
Riêng với cây công nghiệp, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương cần tăng cường trồng cây che bóng với 3 tầng: tầng dưới là thảm phủ cỏ, tầng giữa cà phê (hoặc loại cây khác thích hợp), tầng trên là cây che bóng.
Đề phòng cháy rừng
Cùng với việc gây ra thiếu nước, nắng nóng suốt thời gian qua đã khiến nhiều cánh rừng đối diện với nguy cơ cháy.
Tại Thanh Hóa, mới đây UBND tỉnh đã có Công điện khẩn, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thủ trưởng các đơn vị có liên quan tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Công điện nêu rõ, Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Kiểm tra lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy rừng; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt thời gian nắng nóng và tổ chức các lực lượng tuần tra, canh gác, duy trì các điểm trực gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để phát hiện sớm lửa rừng;
Trong thời gian nắng nóng, nghiêm cấm người không phận sự ra vào rừng; nghiêm cấm các hoạt động có sử dụng lửa trong rừng và ven rừng, nhất là các huyện trọng điểm như Mường Lát, Hà Trung, Hoằng Hóa, Như Thanh…
Tại Tây Nguyên, các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ, kể từ cuối tháng 3 đã vào giai đoạn khô. Ngay trong nửa đầu tháng 3 đã có 3 vụ cháy rừng đã liên tiếp xảy ra. Ngày 6/3, tại Đắc Nông, cháy ở khu vực rừng trồng, chủ yếu là loại rừng hỗn giao, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa. Ngay sau đó 1 ngày, một vụ cháy 7ha rừng xảy ra ở huyện Sa Thầy, Kon Tum. Đây là khu vực rừng trồng sản xuất, chủ yếu là bạch đàn. Đã có 2 người tử vong tại hiện trường do ngạt khói. Tiếp đến là ngày 10/3 cháy rừng tràm ở An Giang, thiệt hại 5ha.
Cả 3 vụ cháy đều xảy ra trong những ngày nắng khô, gió lớn, việc dập lửa thủ công nên mất khá nhiều thời gian, nhân lực mới có thể dập tắt hoàn toàn.
Đặc biệt tại Tây Nguyên, những ngày gần đây do nắng nóng kéo dài, lượng mưa rất ít, nên những khu rừng thông, khộp, bạch đàn khô nỏ, dễ cháy. Nhất là khi cây rừng thay lá, lớp thực bì dày, cỏ cây đều khô giòn, chỉ một sơ suất nhỏ trong sử dụng lửa cũng có thể làm bùng phát thành đám cháy lớn.
Thông tin từ cơ quan chức năng, hiện Tây Nguyên có đến hơn 1 triệu ha rừng có khả năng xảy ra cháy cao, phân bổ 5/5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Trong đó, 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, tỷ lệ diện tích rừng có nguy cơ cháy 50% - 69%, chiếm gần 1 nửa cho đến 2/3 tổng diện tích rừng của mỗi tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết, thời gian nắng nóng nhất ở miền Bắc và miền Trung là từ tháng 5 đến tháng 8, trong đó cao điểm ở miền Bắc là tháng 6-7, ở miền Trung là tháng 7; với nền nhiệt cao phổ biến từ 37-40 độ C. Số ngày nắng nóng năm 2023 có thể xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022. Nhiều khả năng còn xuất hiện những giá trị nhiệt độ cao nhất vượt kỷ lục cũ đã từng được quan trắc. Trong khi đó, dưới tác động của El Nino gây ít mưa, mùa mưa có khả năng kết thúc sớm, kéo theo tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, hạn hán, xâm nhập mặn, khô hạn có khả năng xảy ra nghiêm trọng vào giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024. Cùng đó nguy cơ cháy rừng cũng gia tăng.