Mòn mỏi chờ cầu mới
Cầu Máng bắc qua sông Trường Giang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, trong khi hàng ngày nhiều người dân đi lại trên cây cầu này nguy cơ xảy ra tai nạn. Năm 2019, UBND huyện Núi Thành phê duyệt dự án xây cầu mới nhưng đến nay dự án này vẫn chưa được hoàn thành.
Xuống cấp nghiêm trọng
Cầu Máng bắc qua sông Trường Giang nối giữa xã Tam Tiến và xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành được xây dựng từ năm 1985. Cầu có chiều dài gần 300m, rộng 0,8m, mục đích ban đầu của cầu làm đường dẫn nước tưới hoa màu cho người dân địa phương, sau đó bà con đã sử dụng cây cầu để đi lại. Tuy nhiên, đây là cây cầu đã xây dựng quá lâu nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân nơi đây.
Anh Mai Văn Hậu - thôn 6, xã Tam Tiến cho biết: Người dân ở xã Tam Tiến và Tam Xuân 1 thường xuyên đi lại trên cầu Máng, vì đó là lựa chọn hợp lý nhất. Thế nhưng, theo chia sẻ của anh Hậu, đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi người dân, trẻ nhỏ đi qua cây cầu này.
Trong khi đó, ông Hồ Minh - xã Tam Xuân 1 cho hay, chính quyền địa phương dùng rất nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân như giăng dây cáp dọc lan can cầu. Tuy nhiên do cầu xây dựng đã lâu nên bị bong tróc, thành cầu bị gãy và xuất hiện nhiều mảng bê tông nhô lên trên mặt cầu nên các phương tiện lưu thông qua cầu máng rất dễ bị vấp và rơi xuống sông.
Ngày 21/5, ghi nhận thực tế của phóng viên, cây cầu máng được xây dựng bằng bê tông cốt thép nhưng đã quá cũ, nứt nẻ, nhiều trụ cầu bị hư hỏng... Do cầu chật hẹp nên 2 xe máy đi ngược chiều không thể tránh nhau được, vì thế muốn qua cầu người dân phải quan sát để nhường đường cho nhau.
Ông Trần Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết: Cầu Máng chủ yếu phục vụ cho nông nghiệp. Thế nhưng thật đáng buồn là từ khi có cây cầu, 17 người qua đây đã bị rơi xuống sông và tử vong. Để bảo vệ tính mạng người dân, UBND huyện Núi Thành đã quyết định đầu tư Dự án cầu Tam Tiến.
Bao giờ cầu mới xây xong?
Theo quyết định số 1590/QĐ - UBND tỉnh Quảng Nam, dự án cầu Tam Tiến và đường dẫn, huyện Núi Thành được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng vào ngày 30/5/2019, với tổng chiều dài 4,18km, do UBND huyện Núi Thành làm chủ đầu tư, có tổng mức dự án 220 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án bắt đầu từ năm 2018 đến 2022.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào tháng 9/2021, UBND huyện Núi Thành đã bàn giao mặt bằng thi công 7 trụ cầu và 1 mố cầu Tam Tiến nhưng đến nay, nhà thầu thi công là Công ty TNHH Thanh Tùng chỉ mới thi công hoàn thành 20/48 cọc khoan nhồi, bê tông cốt thép mố M2, trụ T8, trụ T6.
Ông Võ Đức - người dân ở xã Tam Tiến cho biết: Lúc đầu thấy đơn vị thi công cầu Tam Tiến bà con rất vui mừng, phấn khởi. Nhưng hơn 3 năm qua, mới chỉ xong vài móng trụ bê tông. “Chúng tôi mong ngành chức năng có phương pháp giải quyết để sớm hoàn thành cây cầu mới” - ông Đức nói.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Quyết Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng (nhà thầu thi công) thừa nhận: Việc chậm thi công cầu Tam Tiến là do chủ đầu tư chưa bàn giao mặt bằng cho công ty và vật liệu như đất để đắp nền không đủ đáp ứng thi công. Hiện chúng tôi vẫn đang thi công theo kiểu cầm chừng.
Thế nhưng ông Nguyễn Chí Dân - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, với dự án cầu Tam Tiến, UBND huyện đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, đơn vị thi công xong 7 trụ cầu, 1 mố cầu từ tháng 9/2021 nhưng chỉ mới hoàn thành 20/48 cọc khoan nhồi, bê tông. Còn đoạn ở xã Tam Xuân 1 có chiều dài 1,28km, huyện đang triển khai giải phóng mặt bằng.
“Dự án triển khai thi công chậm so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân như mưa lũ; dịch Covid-19; nhà thầu không huy động đủ máy móc, thiết bị, nhân lực tập trung thi công, ngoài ra do vướng mắc về dồn điền, đổi thửa tại xã Tam Xuân 1 làm ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng” - ông Dân nói.
Liên quan đến dự án cầu Tam Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang đã yêu cầu UBND huyện Núi Thành tập trung thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công; ưu tiên thực hiện hoàn thành trước tại khu vực thi công các mố cầu, khu vực đồi cát đoạn cuối tuyến để kịp thời cung cấp nguyên liệu phục vụ xử lý nền đất yếu theo hồ sơ dự án đầu tư đã được phê duyệt.