Khan hiếm thuốc giải độc botulinum
TP HCM thời gian qua liên tục ghi nhận chùm ca ngộ độc botulinum, tuy nhiên thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng để giải độc đặc hiệu cho bệnh nhân ngộ độc botulinum đã hết. Điều này đang gây khó khăn cho các bác sĩ điều trị và nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Thiếu thuốc BAT, điều trị khó khăn
Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM đã tiếp nhận 3 trường hợp là anh em trong cùng gia đình (ở TP Thủ Đức) nhập viện vì lý do yếu chi dưới tăng dần, suy hô hấp nghi ngộ độc botulinum. Theo người nhà bệnh nhân, trước đó các bé có ăn phải chả lụa không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu bị hỏng.
Một nhóm 3 người lớn cũng bị ngộ độc botulinum đang nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh). Hiện nay có 2 bệnh nhân đã phải thở máy.
Theo nhận định của giới chuyên gia, độc tố botulinum là chất kịch độc và phải có thuốc BAT dùng để giải độc đặc hiệu. Tuy nhiên, trong 6 bệnh nhân bị ngộ độc botulinum có 3 bệnh nhi nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 được truyền thuốc BAT. Riêng 3 bệnh nhân là người lớn phát hiện sau phải điều trị hỗ trợ do hết thuốc BAT. “Thuốc giải độc tố BAT nên được sử dụng càng sớm càng tốt ngay sau khi có chẩn đoán để giúp cải thiện tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên đây là loại thuốc rất hiếm, không phải lúc nào cũng sẵn có, giá thành cao. Vì vậy, chăm sóc hỗ trợ là cơ sở điều trị chính trong ngộ độc botulinum, đặc biệt là những trường hợp suy hô hấp nặng phải thở máy có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng để hồi phục” - BS.CK1 Trương Thị Ngọc Phú - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết.
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, trường hợp ngộ độc botulinum sử dụng thuốc BAT chỉ trong vòng 48-72 tiếng là bệnh nhân có khả năng thoát khỏi tình trạng bị liệt, không phải thở máy. Trong trường hợp không có thuốc giải độc BAT phải có điều trị hỗ trợ, chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy. Trước đây nếu chưa có hỗ trợ máy thở về hỗ trợ xâm lấn đường hô hấp thì bệnh nhân rất dễ tử vong. Nhưng ngày nay điều trị phương tiện hỗ trợ như thở máy sẽ dễ dàng hơn. Thế nhưng, không hiệu quả như sử dụng thuốc BAT. “Hiện Bộ Y tế đã đưa phác đồ điều trị trong trường hợp có thuốc BAT hoặc không có thuốc BAT. Song, không có thuốc BAT việc điều trị phải đối diện với rất nhiều thách thức - ông Hùng trăn trở.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, ngộ độc do botulinum rất hiếm nhưng được biết nhiều vì tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh hồi phục tương đối chậm, thường để lại di chứng tương đối dài. Nếu không được điều trị sẽ tử vong sau 3-4 ngày.
Chủ động phòng ngộ độc
Từ các sự cố liên quan đến ngộ độc botulinum do thức ăn, BSCK1 Trương Thị Ngọc Phú - Bệnh viện Nhi đồng 2 lưu ý, về các biểu hiện ngộ độc bao gồm dấu hiệu sớm như mệt mỏi, nôn ói, tiêu lỏng trong khi tri giác vẫn tỉnh táo, không sốt. Khi độc tố xâm nhập nhiều hơn sẽ gây nhìn mờ, khô miệng, các dấu hiệu của liệt cơ như sụp mi, khó nuốt, khó nói, và nặng hơn là liệt các cơ hô hấp dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng có thể tử vong nếu người bệnh không được can thiệp kịp thời.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thời gian ủ bệnh của những trường hợp ngộ độc botulinum từ 8-10 giờ, có trường hợp 4 giờ. Ban đầu là những triệu chứng: Nôn, buồn nôn, nhức đầu, đau bụng, táo bón, không sốt hoặc sốt nhẹ, không rối loạn ý thức. Sau đó xuất hiện triệu chứng thần kinh điển hình như: Liệt cơ mắt; liệt màn hầu, co thắt họng; liệt cơ thanh quản. Bệnh kéo dài từ 4 - 8 ngày. Trường hợp nặng thì trung khu thần kinh tuần hoàn và hô hấp bị liệt (khó thở, thở nhanh, nông) cuối cùng thì tử vong do ngạt.
BS Phú khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo vệ sinh trong chế biến thực phẩm tươi sống, không sử dụng mật ong cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Đối với thực phẩm đóng hộp, cần lựa chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy cách đóng gói an toàn, có ghi hạn sử dụng.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ y tế) khuyến cáo, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men như: Dưa muối, măng, cà muối phải đảm bảo chua, mặn…