Thu hồi sim không chuẩn hóa: Có xóa được cuộc gọi, tin nhắn rác?
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện các doanh nghiệp viễn thông đã thu hồi hơn 985 nghìn thuê bao di động. Đây là những số điện thoại không cập nhật thông tin khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên bị chấm dứt hợp đồng theo Nghị định 49/2017/ND-CP về lĩnh vực viễn thông di động.
Người dùng vẫn bị làm phiền
Mục đích của việc thu hồi nhằm giải quyết cuộc gọi rác, tin nhắn rác nhưng trên thực tế nhiều người dùng phản ánh, sau đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao vừa rồi họ vẫn bị cuộc gọi quảng cáo dịch vụ làm phiền.
Chị Nguyễn Thanh Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy các cuộc gọi rác ngày càng sáng tạo, khi có cuộc gọi từ sim rác đến, trên màn hình của tôi xuất hiện tên người gọi giống như tôi đã lưu số điện thoại đó vào danh bạ vậy. Thậm chí nhiều cuộc gọi còn nhận là người quen của tôi và sau đó là màn giới thiệu chào bán sản phẩm. Đặc biệt các tin nhắn rác vẫn còn nhiều, có những tin nhắn rất vô lý như nhắc nhở tôi đỗ xe sai hay mời mở thẻ tín dụng, thậm chí tôi không trả lời tin nhắn thì đầu bên kia còn buông lời khiếm nhã”.
Còn với chị Nguyễn Việt Hà (phố Đội Cấn – Ba Đình – Hà Nội), vài tháng trở lại đây, gần như ngày nào chị cũng nhận được một vài cuộc gọi chào mời tham gia vào các sàn đầu tư tài chính, chứng khoán quốc tế; tặng voucher du lịch nghỉ dưỡng... Hầu hết cuộc gọi chị nhận được đều trong giờ làm việc, thi thoảng có cuộc gọi lúc nửa đêm. Chị Hà đã đăng ký số điện thoại của mình không nhận cuộc gọi quảng cáo nhưng vẫn tiếp tục bị làm phiền.
“Theo thông tin từ cơ quan quản lý thì từ ngày 15/5, gần 1 triệu SIM di động đã bị khóa hai chiều và trường hợp không chuẩn hóa thông tin bị các nhà mạng thu hồi. Mục đích của việc thu hồi nhằm giải quyết cuộc gọi rác. Thế nhưng thực tế cho thấy vấn nạn này vẫn gây phiền hà cho người dân” – chị Hà nói.
Nhiều nguyên nhân
Đề cập đến thực trạng này, chị Nguyễn Ánh Phượng (Thanh Hà, Hải Dương) – chủ một đại lý SIM card điện thoại cho biết, thời gian vừa qua đại lý của chị cũng đã tư vấn khách hàng chuẩn hóa thông tin theo hướng dẫn của các nhà mạng. Gần đây đại lý của chị không còn tồn tại việc kích hoạt sim trước hoặc kích hoạt SIM không đúng với thông tin chính chủ. Tuy nhiên, theo chị Phượng trên hệ thống có thể vẫn còn những SIM có thông tin trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên không bị khóa.
Một nguyên nhân nữa theo chị Phượng là việc bảo mật thông tin cá nhân của người dùng chưa tốt. “Bạn đi mua sắm, bạn đăng ký số điện thoại để tích điểm; đi du lịch, đi spa cũng để lại thông tin liên hệ… Không thể chắc chắn rằng bạn được bảo mật thông tin ở những nơi đã cung cấp, bởi dữ liệu cá nhân luôn là món hời để mua bán” - chị Phượng nói.
Còn, theo ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng quốc gia, cuộc gọi và tin nhắn rác ngoài việc thực hiện bởi các SIM rác thì một trong những nguồn phát chính là sử dụng các trạm BTS giả để gửi tin nhắn trực tiếp vào điện thoại mà không qua nhà mạng. Trạm này có kích thước ngang chiếc vali, có thể phủ sóng trong khoảng 2km và gửi đi cùng một lúc hàng nghìn tin nhắn. Nội dung tin nhắn thường là quảng cáo, hướng dẫn hoặc chứa đường link tới website giả mạo có tên gần giống với website chính thức của các ngân hàng để dẫn dụ và đánh cắp thông tin của người dùng.
Ông Hiếu cũng lưu ý “nếu khách hàng nhận được tin nhắn có nghĩa là kẻ lừa đảo chắc chắn đang trong phạm vi rất gần”.
Còn ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena thì cho rằng, các quy định chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe. Để phát hiện và ngăn chặn cuộc gọi và tin nhắn rác, ông Thắng nêu quan điểm: “Cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên thực hiện việc thu hồi SIM không có thông tin chính chủ. Đồng thời cần có bộ phận tiếp nhận thông tin lừa đảo và phải xử lý, công khai rộng rãi thì người dân mới có niềm tin để thông báo”.
Để giải quyết tình trạng SIM rác, vừa qua, Bộ TTTT đã thành lập 82 đoàn thanh tra triển khai thanh tra đồng loạt trên cả nước đối với 8 doanh nghiệp viễn thông di động, chi nhánh của 8 doanh nghiệp viễn thông, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và các tổ chức, cá nhân đăng ký số lượng lớn SIM thuê bao.
Ông Nguyễn Thành Chung - Chánh Thanh tra Bộ TTTT cho biết, quá trình thanh tra nhằm làm rõ các tổ chức, cá nhân, số lượng SIM vi phạm quy định quản lý thông tin thuê bao để yêu cầu doanh nghiệp viễn thông, tổ chức, cá nhân có liên quan chấn chỉnh, khắc phục tình trạng SIM rác nhằm đảm bảo trong thời gian tới thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác, chính chủ sử dụng. Đồng thời ông Chung cũng đề nghị người sử dụng dịch vụ viễn thông nghiêm túc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao, không mua SIM đã kích hoạt sẵn, không sử dụng SIM đăng ký bằng thông tin của tổ chức, cá nhân khác để tránh các rủi ro pháp lý khi sử dụng các SIM không chính chủ.