Đổi cũ, được mới - Vì môi trường xanh

QUỐC ĐỊNH 24/05/2023 07:35

Đổi thói quen cũ bằng những thói quen mới vì môi trường xanh, tái chế những đồ cũ thành mới, đổi những đồ dùng cũ để lấy sản phẩm mới, nói không với túi nilon khó phân hủy…, là những hoạt động được Mặt trận một số địa phương tại TPHCM thực hiện hiệu quả. Nhờ vậy, các mô hình có sức lan tỏa cao.

Một hoạt động đổi phế thải lấy sản phẩm sinh hoạt mới tại quận Bình Thạnh.

Trên 97% hộ dân cam kết xả rác đúng quy định

Bà Võ Thị Phương Uyên - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Bình Thạnh cho biết, từ năm 2019, Mặt trận quận bắt tay vào triển khai Mô hình “Đổi cũ, được mới - Vì môi trường xanh”. Mô hình đã vận động được hơn 6 nghìn hộ buôn bán, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện nhằm đổi rác thải nhựa, rác thải nguy hại lấy chậu cây xanh và nhiều đồ dùng sinh hoạt...

Thống kê của Ủy ban MTTQ quận Bình Thạnh, đến nay, quận đã vận động 100% cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quận trong các cuộc họp không dùng chai nhựa; vận động trên 97% hộ dân, với gần 12 nghìn hộ ký cam kết không xả rác ra đường, kênh rạch và các hầm ga thoát nước; 90% doanh nghiệp và hộ kinh doanh tự trang bị thiết bị lưu chứa rác thải phát sinh, không sử dụng túi nilon khó phân hủy, thu gom chất thải rắn nguy hại. Trong đó, có trên 7 nghìn hộ buôn bán, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp cam kết thực hiện không xả rác ra đường; 54 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sử dụng các dụng cụ đựng thức ăn, đồ uống tại chỗ hay mang đi thân thiện với môi trường.

Song song đó, quận Bình Thạnh cũng đã triển khai phát động hoạt động “Tái chế những đồ cũ thành đồ mới”. Theo bà Uyên, hoạt động này nhằm phát động cả cộng đồng chung tay tham gia hành động tái chế những vật dụng đã qua sử dụng, khó phân hủy thành đồ dùng với công dụng mới để tiếp tục sử dụng; cải tạo điểm đen thành khu sinh hoạt cộng đồng… phát huy khả năng sáng tạo trong các ý tưởng và hành động tuyên truyền bảo vệ môi trường, hạn chế việc xả rác ra đường và kênh rạch làm giảm ngập nước. Qua đó, có nhiều công trình cải tạo bãi đất trống thành sân thể dục thể thao cho thanh thiếu niên và nhân dân tại phường 12, 28…

Xã đảo nói không với túi nilon

Là xã đảo, nằm cách trung tâm huyện Cần Giờ 8km về phía Bắc, dân số khoảng 5.000 người, xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cũng như nghề đánh bắt hải sản. Tháng 4/2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Cần Giờ đã chọn Thạnh An làm điểm về mô hình Tuyên truyền, vận động nhân dân giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy trên địa bàn.

Bà Dương Thị Thu Anh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạnh An cho hay, để thực hiện hiệu quả kế hoạch trên xã đã đẩy mạnh tuyên truyền tác hại về rác thải, đối với môi trường và sức khỏe con người cũng như phổ biến về những biện pháp hạn chế sử dụng túi nilon; thay vào đó là sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nilon tự hủy... tại các hội nghị nhân dân, hoặc thông qua trang facebook, các pano, khẩu hiệu…

Theo bà Thu Anh, hiện lực lượng chức năng trong xã vẫn duy trì thường xuyên việc trao đổi túi thân thiện với môi trường cho khách du lịch khi đến xã. Tính đến thời điểm hiện tại, đã tổ chức trao đổi cho hàng trăm lượt khách khi họ có mang theo túi nilon khó phân hủy... Tổ chức được hơn 1 nghìn cuộc tuyên truyền, với trên 4 nghìn lượt người dự; lắp đặt 15 pano tuyên truyền cổ động trực quan, treo 17 băng rôn tuyên truyền và loa tuyên truyền về nội dung không mang túi nilon khi đi du lịch tại xã Thạnh An, trên 6 phương tiện đò khách tuyến Thạnh An - Cần Thạnh, tổ chức quán triệt đến chủ phương tiện thường xuyên phát loa tuyên truyền trong thời gian hoạt động.

Ủy ban MTTQ xã Thạnh An và các đoàn thể lập 10 tổ tuyên truyền về hạn chế giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy trên địa bàn xã, với 28 thành viên. Các thành viên tập trung tuyên truyền đến các hộ tiểu thương, hộ sản xuất kinh doanh, đảm bảo tất cả các hộ tham gia việc giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy. “Đồng thời, thành lập 3 điểm thu mua túi nilon và chất thải nhựa, với mục đích thu hồi dần sản phẩm nhựa và túi nilon trên địa bàn xã, với giá thu vào là 10 nghìn đồng/kg; trao tặng giỏ xách đi chợ và 50kg túi nilon thân thiện với môi trường cho cán bộ, hội viên phụ nữ trong các buổi lễ phát động, mít tinh” - bà Thu Anh thông tin.

Trao đổi về những kinh nghiệm của mô hình này, bà Trần Thị Thùy Trang - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cần Giờ cho rằng, cần thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, hình thành thói quen giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy trong mọi hoạt động trên địa bàn huyện. “Đặc biệt không ngừng đổi mới nội dung, phương thức tổ chức thực hiện; kết hợp với vận động nhân dân, ghi nhận, biểu dương, đối với các cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật trong thực hiện các hoạt động” - bà Trang nhấn mạnh.

QUỐC ĐỊNH