Nan giải xử lý rác thải sinh hoạt

Nguyễn Chung 24/05/2023 07:35

Là địa phương ven biển, đông dân cư, mỗi ngày phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đối mặt với việc phải xử lý từ 12 - 14 tấn rác thải sinh hoạt (chưa kể rác từ biển dạt vào). Do thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, rác thải được người dân đổ tràn ra cả tuyến đê ven biển.

Bờ biển Hải Thanh ngập rác thải sinh hoạt.

Ô nhiễm môi trường

Trong cái nắng chói chang, nhiều điểm trên tuyến đường ven biển phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn ngập trong rác thải sinh hoạt. Từ các đống rác chưa kịp thu gom này, mùi hôi nồng nặc theo gió biển thổi vào khu dân cư.

Đưa tay chỉ về phía đống rác bên đường ngay trước nhà, bà Nguyễn Thị Hòa - thôn Thanh Xuyên cho biết: Hầu như toàn bộ rác thải sinh hoạt của các hộ dân trong khu dân cư được tập kết đổ ra đường, chờ các công nhân môi trường đến thu gom, chở đi. Nhiều hộ còn... đổ ra biển. Do lượng rác thải lớn nên nhiều hôm công ty môi trường không kịp đem đi, rác bốc mùi tanh hôi nồng nặc.

Theo quan sát của chúng tôi, rác không chỉ vứt bừa bãi dọc tuyến đường ven biển mà còn được tập kết thành đống ngay ven sông Lạch Bạng - gần bến neo đậu tàu thuyền thuộc thôn Thanh Định, phường Hải Thanh. Bà Phạm Thị Loan - nhà ở gần bãi rác này than thở: Sống gần bãi rác luôn phải hứng chịu mùi hôi. Khổ lắm, nhưng vì đơn vị thu gom rác không thực hiện thường xuyên, hơn nữa phường không có bãi rác tập trung nên người dân đành đổ rác bất cứ chỗ nào mà họ thấy tiện.

Tìm hiểu thêm từ phía chính quyền địa phương, chúng tôi được biết: Với tổng dân số lên đến hơn 19.000 người, mỗi ngày Hải Thanh thải ra khoảng 12 - 14 tấn rác, bao gồm rác thải sinh hoạt và rác thải từ các cơ sở chế biến thủy, hải sản (chưa tính lượng rác trôi dạt từ biển vào). Trong khi đó, theo định mức, thị xã Nghi Sơn chỉ hỗ trợ kinh phí vận chuyển, xử lý 9 tấn/1 ngày. Đây đang là vấn đề khá nan giải đối với địa phương. Để giải quyết vấn đề này, phường đã ký hợp đồng thu gom vận chuyển với Công ty TNHH Xuân Thành Công và thu 20.000 đồng/tháng đối với mỗi hộ. Bên cạnh đó, hàng tuần xã cũng tổ chức ra quân thu gom rác ven bờ biển, trong khu dân cư… Tuy nhiên như đã nói ở trên, do lượng rác thải lớn nên công ty cũng không kịp thu gom, vận chuyển, dẫn đến tình trạng ùn ứ rác hàng ngày, gây ô nhiễm môi trường.

Chưa xử lý dứt điểm

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Đỗ Xuân Chung - Chủ tịch UBND phường Hải Thanh cho biết: Để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra ở Hải Thanh là rất khó. Phường cũng đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, đổ rác đúng nơi quy định trên các phương tiện truyền thanh nhưng mọi biện pháp chỉ mang tính tạm thời và giảm thiểu trước mắt. “Về lâu dài vẫn cần tăng cường công nhân thu gom rác, dọn vệ sinh, tăng định mức xử lý rác đúng với thực tế của địa phương và mỗi người dân phải nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sống của mình… có như vậy, vấn đề rác thải ở đây mới được giải quyết tận gốc” - ông Chung nói.

Theo ông Mai Cao Cường - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Nghi Sơn, để ngăn chặn tình trạng đổ rác thải không đúng nơi quy định, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi ra môi trường trên địa bàn thị xã nói chung và phường Hải Thanh nói riêng, thị xã đã hợp đồng với các đơn vị như: Công ty CP Môi trường Nghi Sơn, Công ty TNHH Xuân Thành Công,... thu gom, xử lý rác tập trung cho người dân trên địa bàn thị xã. Đến thời điểm này, 31/31 xã, phường ký hợp đồng với đơn vị thu gom, xử lý rác thải tập trung và lượng rác được thu gom, xử lý bằng công nghệ đốt đạt tỷ lệ 93%, số còn lại người dân tự phân loại, xử lý tại nhà. Đa số người dân đồng ý bỏ ra khoản tiền khoảng từ 20.000 - 25.000 đồng/tháng phí vệ sinh môi trường, thị xã cũng triển khai lắp đặt camera an ninh gắn với công tác bảo vệ môi trường ở tất cả các khu dân cư trên địa bàn, đã góp phần hạn chế tình trạng người dân vứt rác thải không đúng nơi quy định.

Ông Mai Cao Cường - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Nghi Sơn cho biết, mặc dù thị xã và chính quyền tại các phường, xã đã rất nỗ lực trong xử lý rác thải sinh hoạt nhưng rất khó xử lý triệt để do rác thải luôn ở tình trạng quá tải và ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường chưa cao. Sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát và đánh giá lại thực tế lượng rác thải mỗi ngày trên toàn thị xã để có hướng xử lý.

Nguyễn Chung