Hỗ trợ người lao động vay tín dụng lãi suất thấp: Sẽ hạn chế rút bảo hiểm một lần
Để hạn chế rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần theo các chuyên gia, bên cạnh giải pháp tạo việc làm ổn định cần có gói hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) vay tín dụng với mức lãi suất thấp. Bởi thực tế, phần lớn NLĐ đều do hoàn cảnh khó khăn nên đã lựa chọn rút BHXH một lần để trang trải cho nhu cầu trước mắt.
4 tháng, gần 370 nghìn người rút BHXH một lần
Thống kê từ cơ quan BHXH Việt Nam cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, cả nước đã có 369.800 người rút BHXH một lần, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến người lao động rút BHXH một lần, một phần là do áp lực kinh tế, mất việc làm, phần khác do tâm lý của người lao động trước thông tin sửa đổi quy định về rút BHXH một lần.
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, những người rút BHXH một lần, ngoài nguyên nhân về kinh tế còn do văn hóa, nếp sống, đặc trưng vùng miền. Vùng đồng bằng sông Hồng có số người rút BHXH khoảng 2,23%, trong khi vùng Đông Nam Bộ là trên 5% và đồng bằng sông Cửu Long gần 11%. Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng: 100% công nhân có mong muốn rút ngay BHXH một lần bởi vì họ bị ra khỏi hệ thống BHXH chính thức, nên mong muốn có một khoản tiền đáng kể để bắt đầu một công việc gì đó. Vì thế, chúng ta cần đặt vấn đề, làm sao để họ có sự kết nối bình thường trong hệ thống BHXH chính thức.
Trước thực tế này tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) phương án 1, NLĐ tham gia dưới 20 năm BHXH và sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được rút 1 lần. NLĐ được rút 100% quá trình đóng BHXH nếu có nhu cầu, song về lâu dài sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu.
Phương án 2, cho người lao động rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên cả 2 phương án này đều nhận được những ý kiến băn khoăn về tính khả thi.
Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng với việc cải thiện điều kiện làm việc, có công việc ổn định cho NLĐ, trong trường hợp NLĐ gặp khó khăn về tài chính thì được vay vốn với lãi suất thấp. Đây sẽ là giải pháp tối ưu để NLĐ vượt qua khó khăn tiếp tục ở lại hệ thống BHXH.
Để người lao động dễ dàng tiếp cận gói vay
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty Tài chính HD SAISON và FE Credit triển khai gói vay 20.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi bằng 50% so với thị trường để phục vụ đoàn viên, NLĐ.
Qua gần 1 năm triển khai, đến nay đã có gần 320.000 đoàn viên, NLĐ ở gần 2.600 đơn vị, doanh nghiệp vay 5.345 tỷ đồng (26,72%). Bình quân mỗi đoàn viên, NLĐ sử dụng sản phẩm, dịch vụ với giá trị 16,75 triệu đồng. Theo đánh giá, việc triển khai gói vay ưu đãi này đã giúp nhiều NLĐ không phải dính bẫy tín dụng đen đặc biệt là giải pháp hạn chế rút BHXH một lần.
Nhận thấy tính ưu việt của việc triển khai chính sách hỗ trợ cho vay tín dụng lãi suất thấp, tại cuộc họp góp ý kiến cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nhiều ý kiến cho rằng, cần có những điều khoản liên quan tới chính sách hỗ trợ NLĐ mất việc làm, dừng đóng BHXH gặp khó khăn tài chính có thể vay tín dụng thay vì hưởng BHXH một lần. Trường hợp này, NLĐ có thể sử dụng tiền đã đóng BHXH (sổ BHXH) như một loại tài sản đảm bảo cho khoản vay (nếu NLĐ không trả được có thể lấy tiền đã đóng BHXH để trả nợ).
Còn ông Phạm Minh Huân - chuyên gia trong lĩnh vực lao động thì cho rằng, đa số NLĐ khi muốn nhận BHXH một lần đều gặp khó khăn về kinh tế do thiếu hoặc chưa có việc làm ổn định. “Tâm lý NLĐ khi gặp khó khăn về kinh tế đều muốn giải quyết nhu cầu trước mắt, không quan tâm tới lương hưu sau này. Do đó, nếu vẫn cho phép hưởng BHXH một lần, NLĐ vẫn rút dù mức hưởng thấp” - ông Huân nói.
Vị chuyên gia trên đề xuất, tiếp tục giữ quy định về BHXH một lần như Điều 60 Luật BHXH năm 2014 (không được rút BHXH một lần khi còn tuổi lao động, trừ trường hợp đi nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo). Hoặc thêm giải pháp hỗ trợ về tín dụng trên cơ sở số tiền BHXH đã đóng thay cho hưởng BHXH một lần, để NLĐ giải quyết được khó khăn kinh tế trước mắt, nhưng vẫn bảo lưu được thời gian đóng BHXH (sau này có lương hưu, trợ cấp lúc về già).
Trường hợp áp dụng chính sách giữ lại 1 phần tiền đóng (phần doanh nghiệp đóng) khi NLĐ hưởng BHXH một lần như đề xuất kể trên của Bộ LĐTB&XH, theo ông Huân, cần có giải pháp về bảo toàn giá trị khoản tiền giữ lại đó (như cộng thêm lợi nhuận từ đầu tư quỹ, lãi suất từ gửi ngân hàng).
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, đề xuất hỗ trợ gói tín dụng, coi sổ BHXH như là một tài sản đảm bảo để NLĐ vay vốn là đề xuất hay nhưng để xem sổ BHXH như một tài sản đảm bảo khoản vay tín dụng thì còn liên quan đến nhiều luật khác. Cơ quan soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ tiếp tục nghiên cứu về đề xuất này.