Kiến nghị đưa điện vào danh mục bình ổn giá
Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).
Nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu
Ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, đến nay, danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá gồm 10 mặt hàng, bao gồm: Xăng, dầu thành phẩm; Khí dầu mỏ hóa lỏng; Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; sữa dành cho người cao tuổi; Thóc tẻ, gạo tẻ; Thịt lợn (thịt heo); Phân đạm; phân DAP; phân NPK; Thức ăn chăn nuôi; thức ăn thủy sản; Vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Thuốc bảo vệ thực vật; Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ này.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.
Lý do thứ hai được đưa ra là trong bối cảnh hiện nay việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp vì thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường; quản lý, điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (hiện là 10 ngày); lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng. Thứ ba, thực tế cho thấy, khi giá xăng, dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò điều hòa, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng, dầu.
Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng, dầu; đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả trong điều hành, đồng thời đánh giá kỹ việc thực hiện Nghị định 95/2021/NĐ-CP; sớm đưa giá xăng, dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.
Tại sao điện nằm ngoài danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá?
Góp ý vào danh mục bình ổn giá, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) cho rằng, danh mục này vẫn chưa thực sự thuyết phục. Bà Lan nêu vấn đề: Tại sao chọn thịt lợn, vật tư phân bón của ngành nông nghiệp vào danh mục bình ổn giá”, trong khi đó đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy gạo, nước mắm, thực phẩm mới là thực phẩm thiết yếu? Từ đó bà Lan cho rằng: “Không nên quy định cụ thể trong danh mục. Nên chăng danh mục này cần mở để Bộ Tài chính quyết định trong trường hợp cần thiết”.
Dẫn tình trạng trong thời gian vừa qua sau khi mua bán thuốc, trang thiết bị y tế, các cơ quan điều tra có kết luận tăng giá bán bất hợp lý, đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, bà Lan kiến nghị, dự thảo luật cần quy định biên độ cụ thể về mức tăng giá để không xảy ra tình trạng tùy tiện, áp đặt trong quá trình điều tra, tránh trường hợp oan uổng hoặc không đủ dũng cảm cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Theo ĐB Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái), hàng hóa dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo dự thảo bao gồm 10 loại hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên lại không bao gồm giá điện. Bày tỏ băn khoăn, ông Luận nêu quan điểm: Trong dự thảo luật hiện nay giá điện đang quy định tại Phụ lục 2 Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định giá.
Từ đó ông Luận kiến nghị nên bổ sung giá điện vào Phụ lục số 1 vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Vì đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
“Thực tiễn thời gian qua cho thấy, loại hàng hóa này chỉ có tăng, không có giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá điện này vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây ra mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đề nghị loại hàng hóa này cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm ổn định giá và đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thì hợp lý hơn” - ông Luận nói.
ĐB Đỗ Văn Yên (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung điều, khoản tại Chương III của dự thảo luật này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh trong việc quản lý nhà nước về giá. Bên cạnh đó đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân các liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giá, định giá, thẩm định giá trên lãnh thổ Việt Nam. Trong dự thảo có nội dung định giá nhưng trong phạm vi và đối tượng điều chỉnh của luật chưa điều chỉnh vấn đề định giá. Cho nên cần xem xét, quy định cụ thể các trường hợp thực hiện thẩm định giá theo quy định của pháp luật về ngân sách và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất thường, ảnh hưởng tới người dân, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, nên để UBTVQH quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Bởi hàng tháng UBTVQH đều họp. Do đó khi có vấn đề biến động về giá thì Chính phủ có thể trình danh mục để UBTVQH xem xét, quyết định. Ông Hòa cũng bày tỏ băn khoăn khi đặt vấn đề: Tại sao điện lại không được đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá như xăng dầu mà lại do Nhà nước quy định giá mang tính bao cấp? Theo ông Hòa, 100% người dân đều sử dụng điện, sử dụng điện còn nhiều hơn xăng dầu. “Nếu Quốc hội đưa điện vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thì người dân rất hoan nghênh” - ông Hòa nói.