Tuyến kè biển Cẩm Nhượng được xây dựng từ năm 2003, có tổng chiều dài hơn 1,2km. Tuyến kè này có vai trò đặc biệt quan trọng, bảo vệ cuộc sống cho khoảng 1.200 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu của các thôn: Phúc Hải, Xuân Bắc, Xuân Nam, Hải Bắc, Hải Nam và thôn Chùa của xã Cẩm Nhượng. Trải qua hàng chục năm chống chịu áp lực triều cường, thiên tai bão lũ, hiện nay công trình đã bị rệu rã, hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không đủ khả năng phòng chống bão, lũ. Sau đợt mưa lớn đầu tháng 5/2023, tuyến kè biển tiếp tục xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Các vị trí sạt lở, sập, sụt lún, khoét hàm ếch ăn sâu vào mái kè và thân kè tập trung chủ yếu ở địa bàn thôn Hải Nam và Hải Bắc với chiều dài hàng trăm mét. Những khối đá, dầm, cấu kiện bê tông các loại bị sóng biển đánh đứt đoạn, nằm ngổn ngang. Một số điểm sạt lở đã "ăn sâu" vào chân đường giao thông... Theo ghi nhận của phóng viên, hiện có khoảng 500m tại tuyến kè biển xã Cẩm Nhượng xuất hiện nhiều hố sụt khổng lồ, có hố lên đến hàng trăm m2. Các cấu kiện bê tông đã bị bào mòn, kết cấu thép bên trong gãy đổ. Cấu kiện đổ vỡ tạo ra các “hàm ếch” lớn, khoét sâu vào chân kè. "Nguyên nhân chính khiến tuyến kè biển này bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng thời gian qua là do biển động, thủy triều lên cao, sóng liên tục tạo thành hàm ếch... Mặc dù hàng năm chính quyền có tổ chức gia cố lại những vị trí sạt lở nhưng chỉ được một thời gian lại tiếp tục sụt lún", anh Trần Xuân Hà (48 tuổi, trú tại thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng) nói. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết, tuyến kè biển xã Cẩm Nhượng thường xuyên bị sạt lở do thiên tai và biến đổi khí hậu. Hiện, chính quyền địa phương đã chủ động tập kết sẵn khoảng 60 khối đá, 300 chiếc rọ thép các loại và hàng trăm mét bạt để khi xảy ra tình huống khẩn cấp sẽ huy động người dân, các lực lượng chức năng gia cố tuyến kè.
Cẩm Kỳ