Thời tiết nắng ấm, sóng biển êm, các loại hải sản vào vùng gần bờ tìm thức ăn nhiều nên các ngư dân ở xã Thịnh Lộc hối hả bủa lưới rùng đánh bắt. Mẻ lưới rùng “khổng lồ” có sự tham gia của hàng chục ngư dân, họ cùng nhau “đi giật lùi” trên bãi, kéo dây thừng dài 1.000 m thu lưới về. Từ sáng sớm đến chiều muộn, các thành viên trong tổ liên tục thực hiện 5 đợt kéo lưới, mỗi chuyến phải từ 90 - 120 phút. Kéo lưới rùng là nghề truyền thống do cha ông truyền lại ở Thịnh Lộc, dùng để khai thác các loại cá, tôm, cua, mực, ghẹ vào kiếm ăn ở vùng nước nông. “Do điều kiện đầu tư vào sản xuất của chúng tôi hiện đang gặp khó khăn nên bà con trong vùng vẫn xem lưới rùng là một trong những phương thức đánh bắt chính, là nghề truyền thống cần phải giữ gìn. Đến mùa, các tổ lại tập trung sửa sang, vá lưới, chuẩn bị ngư cụ để hành nghề", anh Hoàng Công Đành (tổ trưởng một tổ lưới rùng ở thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc) chia sẻ. Để kéo lưới kịp lúc trời sáng, bà con nơi đây phải dậy từ lúc 4h sáng. Đội kéo lưới gồm 16-20 người, chia thành 2 tổ kéo 2 đầu dây. Khi kéo lưới phải di chuyển ngày càng sát vào với nhau để khép lưới. Công việc này không đòi hỏi nhiều kĩ năng nhưng yêu cầu người phải có sức khỏe tốt. Bên trong mẻ cá được kéo lên đa dạng các loại hải sản. Hiện mỗi kg cá đục có giá 200.000 đồng, mực 350.000 đồng/kg, ghẹ 70.000 đồng/kg, cá trích 15.000 đồng/kg. “Năm nay mới đầu vụ nên lượng đánh bắt chưa nhiều, chưa đánh được những loài có giá trị cao và chưa bắt được hải sản cỡ lớn", chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc) nói. Theo sát bước chân ngư dân, tiểu thương thường có mặt trên bờ để thu mua hải sản. Thời tiết cơ bản thuận lợi, đầu vụ hải sản vào nhiều và đa dạng hơn những năm trước nên bà con đang phấn đấu tăng sản lượng đánh bắt so với các năm. Dù thấm mệt nhưng niềm phấn khởi vẫn hiện rõ trên gương mặt những người lao động. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Lộc cho biết, trên địa bàn xã Thịnh Lộc hiện có 6 tổ lưới rùng ở các thôn ven biển như: Nam Sơn, Yên Định, Hòa Bình và Yên Điềm. "Thời gian đánh bắt của các tổ từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch hằng năm. Mỗi tổ lưới chỉ có khoảng 15 lao động nhưng mỗi vụ có thể đánh bắt được hàng trăm tấn hải sản các loại mang về nguồn thu lớn cho bà con", ông Thành nói.
Cẩm Kỳ