‘Nghẹt thở’ thi vào lớp 10 chuyên
Không chỉ ôn thi vào lớp 10 công lập, nhiều sĩ tử đang căng mình tranh suất vào trường chuyên có tỉ lệ cạnh tranh cao nhất, nhì tại Hà Nội. Trong số này, có nhiều em tham gia 3 trong 4 kỳ thi khiến các em vô cùng áp lực.
Tỉ lệ chọi cao nhất 1/29
Ngoài 4 trường THPT chuyên và trường có lớp chuyên trực thuộc Sở GDĐT Hà Nội, học sinh lớp 9 có thể đăng ký dự thi vào 4 trường chuyên thuộc các đại học, trường đại học ở Hà Nội, gồm các trường: THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội).
Đây cũng là các trường có tỉ lệ chọi top đầu cả nước. Năm nay, Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội có 6.113 thí sinh đăng ký dự thi vào 7 môn chuyên, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 315 em. Trong đó, lớp chuyên tiếng Anh vẫn có nhiều thí sinh đăng ký nhất, 2.049 em, tỉ lệ chọi là 1/29,3.
Theo công bố của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, năm nay, nhà trường đã nhận 3.842 hồ sơ đăng ký thi lớp 10, giảm hơn 100 hồ sơ so với năm ngoái. Trong đó, lớp tiếng Anh nhận nhiều hồ sơ nhất với 2.088, tăng gần 80 hồ sơ so với năm ngoái. Với chỉ tiêu hệ chuyên là 215, lớp Tiếng Anh có tỉ lệ chọi 1/9,7.
Lớp tiếng Nga có 319 thí sinh đăng ký dự thi trong khi trường chỉ tuyển 15 học sinh, nên tỉ lệ chọi cao nhất 1/21,3. Tiếp theo, lớp tiếng Hàn với tỉ lệ chọi 1/10,2, tiếng Nhật và Pháp cùng 1/9,2. Hai lớp có tỉ lệ chọi thấp nhất là tiếng Đức và Trung với tỉ lệ chọi lần lượt là 1/7,9 và 1/6,8.
Năm 2023, Trường THPT chuyên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nhận được 1.579 hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10, tăng 496 chỉ tiêu so với năm 2022, tỉ lệ chọi trung bình là 1/11,6.
Trong đó, lớp chuyên Ngữ văn có số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao nhất là 970 học sinh, tỉ lệ chọi là 1/14,7, trong khi năm 2022 là 1 chọi 9. Chuyên Lịch sử và chuyên Địa lý có tỉ lệ chọi lần lượt 1/9,05 và 1/8,3. Năm ngoái tỉ lệ chọi của lớp chuyên Lịch sử là 1/5,9 và chuyên Địa lý là 1/5,7.
Áp lực thi 3 trong 4 kỳ thi
Theo kế hoạch tuyển sinh của các trường, bắt đầu từ ngày 1/6 tới, các trường chuyên trực thuộc đại học của Hà Nội liên tiếp tổ chức thi vào lớp 10. Cụ thể, Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội (1/6), Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (4/6), Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (3/6), Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (4 - 5/6).
Lịch thi đồng loạt diễn ra trong khoảng 1 tuần, với những thí sinh tham gia 2-3 trong 4 kỳ thi trên, các em cảm thấy vô cùng áp lực.
Đặt mục tiêu đỗ vào lớp chuyên Văn của Trường THPT chuyên Sư Phạm Hà Nội hoặc Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân Văn, em Trần Ngọc Anh (quận Ba Đình) cho biết, từ cuối năm lớp 7 em đã ôn thi, thử sức với các đề thi. Ngoài 2 trường này, Ngọc Anh còn đăng ký thi vào hệ chuyên Trường THPT Chu Văn An.
Theo Ngọc Anh, sở dĩ em đăng ký thi nhiều trường như vậy vì muốn tăng cơ hội trúng tuyển và cũng cùng một công ôn tập. Trong giai đoạn nước rút, em dành toàn bộ thời gian để học thêm và ôn tập môn thi chuyên cùng 2 môn Toán và Tiếng Anh cho kỳ thi sắp tới.
Những ngày cuối chuẩn bị bước vào kỳ thi, hầu hết các em học sinh lớp 9 đều không có thời gian nghỉ ngơi. Nhiều em thừa nhận, cùng một lúc thi mấy trường khiến các em vô cùng áp lực, thiếu ngủ trầm trọng, thậm chí là kiệt sức.
Con thi cử, bố mẹ cũng mất ăn, mất ngủ theo. Chị Đinh Thị Quỳnh Nga (quận Hai Bà Trưng) cho biết, những ngày này chị chỉ ngủ 5-6 tiếng, phần vì thức cùng con để ôn luyện, phần vì lo cho con nên chị không thể ngủ ngon.
Theo chị Nga, ngoài thi vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, con chị còn đăng ký thi vào 2 trường chuyên: THPT chuyên Khoa học tự nhiên và THPT chuyên Ngoại ngữ.
Thừa nhận con học thêm kín lịch trong tuần, có ngày lên tới 4 ca học thêm, nhưng chị Nga cho hay: “Học trường chuyên vừa giúp con có cơ hội học tập tốt hơn vừa có nhiều lợi thế khi tham gia xét tuyển đại học các trường tốp đầu. Tương lai ra trường, con dễ xin việc hơn. Vất vả mấy năm phổ thông nhưng sau này tôi hi vọng con có cuộc sống ổn định, an nhàn”.
Với kinh nghiệm tư vấn tâm lý, chuyên gia phương pháp học Nguyễn Đình Sơn - Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhìn nhận, áp lực thi cử của học sinh chủ yếu là do phương pháp dạy và học hiện nay. Người dạy theo một phương pháp nhưng mỗi học trò lại có một phương pháp học và ghi nhớ khác nhau.
Ở thời điểm nước rút, ông Sơn lưu ý, với các môn tự nhiên, thí sinh chỉ nên dành thời gian để xem lại công thức, các dạng đề còn chưa vững, không nên học ngày, học đêm đến kiệt sức. Với các môn xã hội, các em nên ôn, nắm chắc kiến thức nền tảng, cách ôn và học thuộc lòng, hay theo văn mẫu như mô hình của các trung tâm luyện thi.
“Học sinh cần có kỹ thuật học theo cách tiếp thu ưu điểm để nâng cao sức khỏe trí tuệ của mình. Bên cạnh đó các em cần chú ý đến sức khỏe cảm xúc để có tâm lý ổn định trong kỳ thi. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lựa chọn giúp con trường vừa sức để tránh tự tạo áp lực cho con”, ông Sơn đưa lời khuyên.