Sửa thuế thu nhập cá nhân: Cần phù hợp thực tiễn
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh sắc thuế này cần phù hợp với điều kiện thực tiễn, kinh tế xã hội.
Bất cập trong việc giảm trừ gia cảnh
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Ý kiến này nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi chính sách thuế TNCN bấy lâu nay vẫn có những ý kiến trái chiều do không ít người cho rằng có nhiều điểm bất hợp lý, lạc hậu nhưng chậm sửa đổi gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người lao động.
Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh năm 2023 thực hiện theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 với mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng áp dụng cho người nộp thuế.
Mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng áp dụng với mỗi người phụ thuộc của người nộp thuế. Trước đó, từ năm 2009 đến nay mới có 2 lần điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh.
Tại cuộc họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 19/5, trả lời câu hỏi của báo chí, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, Luật Thuế TNCN đã được xây dựng, áp dụng trong thời gian dài. Trong đó, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại luật là mức tuyệt đối. Song thực tế, kinh tế - xã hội phát triển, thu nhập người dân tăng lên, tăng trưởng kinh tế được chia cho từng người dân dẫn đến con số tuyệt đối giảm trừ gia cảnh tính thuế lạc hậu.
Theo ông Lâm, đây là một vấn đề căn bản đặt ra cần xem xét, sửa đổi Luật Thuế TNCN; tuy nhiên, việc sửa đổi này cần được đánh giá toàn diện và cân đối hài hòa trong điều chỉnh luật pháp có liên quan; đồng thời, sắp xếp theo trình tự, thủ tục, thứ tự ưu tiên, phù hợp với khối lượng công việc của các cơ quan tham mưu xây dựng luật pháp cũng như hoạt động của Quốc hội trong các kỳ họp.
Cần điều chỉnh phù hợp với thực tiễn diễn biến thị trường
Theo ThS Tô Kim Huệ, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Thuế TNCN là một sắc thuế quan trọng trong hệ thống chính sách thuế ở nước ta, góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư; đảm bảo động viên, khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập, làm giàu chính đáng; là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu bù đắp thiếu hụt ngân sách trong điều kiện nguồn thu từ thuế nhập khẩu giảm.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, sắc thuế này hiện đang bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: thu nhập chịu thuế, biểu thuế.
Quy định thu nhập chịu thuế TNCN chỉ bao gồm 10 loại thu nhập sẽ bị giới hạn và không linh hoạt, quy định hiện hành chưa bao quát hết các khoản thu nhập thuộc diện phải điều tiết.
Ngoài ra, nghiên cứu đánh giá khoảng cách giữa các bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến còn cao, chính sách hiện nay chưa đánh thuế lũy tiến đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thuế suất toàn phần đối với thu nhập từ trúng thưởng còn thấp và chưa có sự tương đồng trong điều chỉnh về mức thuế suất giữa thu nhập của cá nhân và thu nhập của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, về giảm trừ gia cảnh, quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng số tuyệt đối có nhiều ưu điểm nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định.
Trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao, đời sống của không ít người lao động trở nên chật vật do nền kinh tế vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng sau đại dịch. Mức giảm trừ gia cảnh trong cách tính thuế TNCN hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn kinh tế xã hội.
Một số chuyên gia cho rằng cần điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với diễn biến giá cả thị trường, tránh để người lao động chịu thiệt thòi.
Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế TNCN và cho mỗi người phụ thuộc là vấn đề hết sức cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động khi thực hiện nghĩa vụ thuế; phản ánh kịp thời những sự thay đổi về chi phí sinh hoạt của người nộp thuế tại thời điểm Luật thuế TNCN (sửa đổi).
Theo lộ trình Bộ Tư pháp dự thảo, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế Thu nhập cá nhân (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10/2025, thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2026.
PGS-TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, lộ trình đến 2025 mới sửa Luật Thuế TNCN là quá chậm trễ do Luật Thuế TNCN hiện nay chưa phản ánh được thực trạng cuộc sống bởi mức khởi điểm chịu thuế, giảm trừ gia cảnh đã không còn phù hợp.