Tăng tốc phân bổ vốn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Nghị quyết số 43, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, thực hiện chủ yếu trong 2 năm (2022 và 2023) để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, căn cứ các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2 đợt cho 223 nhiệm vụ, dự án với số vốn là 161.848,315 tỷ đồng. Như vậy, số vốn còn lại của Chương trình chưa phân bổ, chưa giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 14.151,685 tỷ đồng, trong đó: 280 tỷ đồng của 4 dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; 9.853 tỷ đồng cho 5 dự án thuộc ngành giao thông; 4.018,685 tỷ đồng cho 41 dự án thuộc lĩnh vực y tế.
Vẫn khó giải ngân
Kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị là 338.415 tỷ đồng, trong đó bố trí cho các nhiệm vụ, dự án của Chương trình là 137.844 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phần lớn các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình là dự án khởi công mới nên khó có thể giải ngân hết được số vốn. Trong khi đó, một số nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nhu cầu bổ sung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa phân bổ, Quốc hội đã quyết nghị tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng. Trong đó, số vốn ngân sách nhà nước được phép phân bổ chi tiết 2.720.000 tỷ đồng (không bao gồm dự phòng chung 150.000 tỷ đồng). Thủ tướng Chính phủ đã giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 2.440.007 tỷ đồng. Số vốn còn lại phải báo cáo Quốc hội cho ý kiến trước khi giao theo quy định là 279.992 tỷ đồng. Tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án của các bộ, cơ quan, địa phương từ số vốn ngân sách trung ương còn lại chưa phân bổ là 142.992 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách trung ương còn lại năm 2023 của các chương trình mục tiêu quốc gia là 1.208,188 tỷ đồng. Dự kiến phân bổ 183,1 tỷ đồng vốn trong nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho 4 bộ, cơ quan trung ương; 1.025 tỷ đồng vốn nước ngoài theo cam kết với nhà tài trợ để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho 16 tỉnh tham gia thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn để hỗ trợ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân chậm phân bổ do công tác chuẩn bị dự án chưa được quan tâm đúng mức, còn tư duy nhiệm kỳ, nhiệm kỳ trước chưa chuẩn bị cho kỳ sau, dẫn đến nhiều dự án khởi công mới sau khi Quốc hội phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới tiến hành chuẩn bị đầu tư, hoặc phải điều chỉnh dự án, gây chậm trễ đến tiến độ phân bổ vốn.
“Năng lực trong triển khai thực hiện ở một số nơi còn yếu, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; cùng một mặt bằng pháp luật nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt” - ông Dũng nói, đồng thời cho biết, Luật Đầu tư công đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Việc báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thời gian tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 có trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, chuẩn bị đầu tư dự án. Do đó, cần có giải pháp nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai, bảo đảm hiệu quả; có hình thức xử lý thích hợp đối với người đứng đầu, tổ chức, cá nhân làm chậm quá trình phân bổ vốn.
Cân nhắc phân bổ các nguồn vốn
Đánh giá của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho thấy, Ủy ban này nhất trí việc rà soát, bố trí vốn đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên việc giải ngân nguồn vốn của Chương trình rất chậm.
Từ đó, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính ngân sách kiến nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện danh mục nhiệm vụ, dự án được phân bổ vốn, bảo đảm đúng thời hạn thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình theo quy định của Nghị quyết số 43. Đối với các dự án có sử dụng vốn ngân sách địa phương, Chính phủ rà soát để bảo đảm tính khả thi và chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng cam kết.
Về khả năng giải ngân vốn của Chương trình, đề nghị Chính phủ cân nhắc việc phân bổ nguồn vốn, cần căn cứ trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng về tiến độ giải ngân thực tế của từng bộ, ngành địa phương để đề xuất phân bổ vốn cho những dự án đủ điều kiện, có khả năng giải ngân, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng không giải ngân được hết, không đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 43.
Về phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, theo ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, qua thực tế triển khai cho thấy, tiến độ thực hiện giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia chậm, nhiều địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện do chưa đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện. Do đó, các ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn còn thiếu và sửa đổi, bổ sung các văn bản còn bất cập để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia để đảm bảo hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; cân đối, bố trí đủ vốn đối ứng thực hiện; có cơ chế để huy động tối đa nguồn lực để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, đạt hiệu quả thiết thực.
Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị, đối với 45 nhiệm vụ, dự án với số vốn dự kiến là 13.369,468 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị Chính phủ rà soát kỹ danh mục dự án, bảo đảm thời hạn hoàn thành các dự án theo quy định của Nghị quyết số 43; bảo đảm tính khả thi và chỉ đạo các địa phương bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện dự án theo đúng cam kết. Đối với số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 782,217 tỷ đồng đề nghị không phân bổ tiếp theo quy định tại khoản 10 Điều 2 của Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM):
Chuyển gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp chuyển đổi số
Gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện đang giải ngân rất thấp. Gói này cần tính toán chuyển sang các điều kiện khác, tiêu chuẩn khác, đối tượng khác, trong đó nên xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số. Khuyến khích họ chuyển đổi số mạnh hơn sang nền kinh tế số. Những DN nào mà có đề án, có dự án về chuyển đổi số cần được hỗ trợ lãi suất cho DN đó. Thay vì hỗ trợ cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch, hỗ trợ đại trà thì ưu đãi một cách có chọn lọc. Cần cho vay hướng vào các DN chuyển đổi hiện đại hóa, chuyển sang kinh tế xanh, chuyển sang kinh tế số. Đây là ưu tiên các khoản vay mang tính đầu tư vào năng suất lao động, thay đổi mô hình phát triển.
ĐBQH Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai):
Đẩy nhanh phân bổ vốn để tháo gỡ khó khăn cho địa phương
Việc thực hiện phân bổ có phần vốn trung hạn và gói phục hồi theo Nghị quyết 43 thì cả hai đều chậm. Việc triển khai chậm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Vốn không phân bổ sẽ không triển khai được. Chưa kể, phân bổ rồi còn nhiều văn bản quy định hướng dẫn tổ chức thực hiện chưa thông suốt. Còn văn bản chồng chéo, mâu thuẫn nhau làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống hàng ngày của người dân, từ nhà ở xuống cấp, đường sá đi lại... Nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới. Hy vọng thời gian tới tiến độ sẽ được đẩy nhanh giúp cho các địa phương tháo gỡ khó khăn.